PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI CHỦ TRÌ HỘI THẢO VỀ ĐỀ CƯƠNG ĐỀ ÁN QUỐC HỘI ĐIỆN TỬ GIAI ĐOẠN 2023- 2026, TẦM NHÌN TỚI 2030
Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử Nguyễn Đức Hải chủ trì Hội thảo về Đề cương Đề án Quốc hội điện tử giai đoạn 2023- 2026, tầm nhìn tới 2030
Căn cứ Quyết định số 2362-QĐ/ĐĐQH14 ngày 24/6/2021 của Đảng đoàn Quốc hội ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban Chỉ đạo để xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử. Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Quốc hội điện tử đã tổ chức các phiên họp để xem xét, thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc ban hành Kế hoạch hoạt động, phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo và xây dựng Đề cương Đề án Quốc hội điện tử.
Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử đã chỉ đạo Văn phòng Quốc hội và Tổ giúp việc phối hợp chặt chẽ với Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) được giao nhiệm vụ triển khai thí điểm một số ứng dụng công nghệ thông tin tại Văn phòng Quốc hội. Tổ giúp việc đã chủ động tham mưu xây dựng Đề cương Đề án Quốc hội điện tử; sau khi xin ý kiến và được sự đồng ý của Trưởng Ban Chỉ đạo, Văn phòng Quốc hội đã đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cho ý kiến về Đề cương Đề án Quốc hội điện tử.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử Nguyễn Đức Hải
Phát biểu tại Hội thảo về Đề cương Đề án Quốc hội điện tử giai đoạn 2023-2026, tầm nhìn tới năm 2030, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử, nhấn mạnh, xây dựng Quốc hội điện tử là yêu cầu tất yếu khách quan; nhiều nước trên thế giới đã xây dựng thành công Quốc hội điện tử, đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ.
Tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào các hoạt động của Quốc hội trong thời gian gần đây đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được đại biểu Quốc hội, cử tri, dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao, là tiền đề để xây dựng và thực hiện Quốc hội điện tử trong thời gian tới. Tuy nhiên trước yêu cầu tình hình nhiệm vụ mới, phù hợp với chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trên thế giới và khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay cần khẩn trương xây dựng Đề án Quốc hội điện tử giai đoạn 2023-2026, tầm nhìn đến năm 2030.
Chương trình hành động của Đảng Đoàn Quốc hội để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: Đẩy nhanh việc xây dựng Quốc hội điện tử. Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, chia sẻ dữ liệu điện tử giữa các cơ quan nhà nước, đồng bộ xây dựng Quốc hội điện tử với Chính phủ điện tử, đáp ứng yêu cầu xử lý khối lượng công việc ngày càng lớn với chất lượng ngày càng cao; tăng cường công khai, minh bạch, tạo thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin về Quốc hội, mở rộng hình thức tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân đối với các hoạt động của Quốc hội…
Để triển khai các nhiệm vụ quan trọng này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Quốc hội điện tử. Từ khi thành lập, Ban Chỉ đạo đã tích cực làm việc, tổ chức 02 phiên họp để xem xét, thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc giao cho Văn phòng Quốc hội tham mưu xây dựng Đề cương Đề án Quốc hội điện tử.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử Nguyễn Đức Hải yêu cầu việc triển khai Đề án Quốc hội điện tử cần phải đặt trong tổng thể kế hoạch chuyển đổi số quốc gia, đáp ứng yêu cầu về tính khả thi, đồng bộ, hiệu quả
Để có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện Đề cương Đề án Quốc hội điện tử, Ban chỉ đạo thống nhất tổ chức Hội thảo về Đề cương Đề án Quốc hội điện tử giai đoạn 2023-2026, tầm nhìn tới năm 2030; với kỳ vọng Hội thảo sẽ đem lại nhiều thông tin, cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ việc hoàn thiện Đề cương Đề án Quốc hội điện tử, xây dựng và thực hiện Quốc hội điện tử.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử nhấn mạnh, Hội thảo về Đề cương Đề án Quốc hội điện tử giai đoạn 2023-2026, tầm nhìn tới năm 2030 là một hoạt động rất cần thiết, giúp Ban Chỉ đạo có thêm các ý kiến tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin trong quá trình cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng Quốc hội điện tử trong giai đoạn tới.
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, góp ý tại Hội thảo về cấu trúc, thành phần, nội dung của Đề cương Đề án Quốc hội điện tử giai đoạn 2023-2026, tầm nhìn tới năm 2030; việc triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số, bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng Quốc hội điện tử; kinh nghiệm trong nước và quốc tế về việc xây dựng và thực hiện Quốc hội điện tử…, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, các ý kiến rất thẳng thắn, chất lượng để hoàn thiện Đề cương Đề án Quốc hội điện tử, phục vụ thiết thực cho việc xây dựng và thực hiện Quốc hội điện tử.
Trên tinh thần tiếp thu các ý kiến đóng góp tại Hội thảo và học hỏi các bài học kinh nghiệm quốc tế phù hợp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải– Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án yêu cầu, việc triển khai Đề án Quốc hội điện tử và các đề án thành phần cần phải đặt trong tổng thể kế hoạch chuyển đổi số quốc gia; đáp ứng yêu cầu về tính khả thi, hiệu quả, có định hướng tương lai; bảo đảm đồng bộ, liên thông với các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch cho biết cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng Quốc hội/nghị viện điện tử để đầu tư cho đồng bộ, hiệu quả, bảo đảm Quốc hội điện tử của Việt Nam đồng bộ, tương thích, phù hợp với hệ thống Quốc hội/Nghị viện trên thế giới, đáp ứng yêu cầu của thời đại./.