Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, chuyên đề giám sát lần này của Quốc hội nhằm nắm bắt những thuận lợi, khó khăn xuất phát từ thực tế trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia; nghe các kinh nghiệm, đề xuất, kiến nghị sát sườn của Sóc Trăng, từ đó xây dựng các chính sách hiệu quả hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại cuộc làm việc
Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc cho biết, thời gian qua, việc triển khai thực hiện các CTMTQG được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát. Tỉnh đã ban hành khoảng 140 văn bản về cơ chế, quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG đảm bảo kịp thời trong triển khai thực hiện tại địa phương, thực hiện việc kiện toàn Ban chỉ đạo các CTMTQG ở các cấp. Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn đã có 64/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 88,89% kế hoạch), 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 50% kế hoạch) và chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh hiện có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đạt 50% kế hoạch). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 43,4 triệu đồng/người (tăng 1,1 lần so với năm 2020).
Qua 2 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn Sóc Trăng đến nay có 15/35 mục tiêu, chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 và có 16/24 chỉ tiêu; 21/35 chỉ tiêu cụ thể đạt và vượt so với năm 2022, các chỉ tiêu còn lại bảo đảm đúng lộ trình và dự kiến đến năm 2025 thực hiện đạt các chỉ tiêu nghị quyết và kế hoạch đã đề ra. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022 - 2023 trên địa bàn Sóc Trăng là 654.162 triệu đồng. Kết quả giải ngân vốn luỹ kế đến ngày 30.6.2023 là 222.003 triệu đồng, trong đó ngân sách trung ương 207.454 triệu đồng, đạt 35,64% kế hoạch, ngân sách địa phương 14.549 triệu đồng, đạt 21,67% kế hoạch.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại cuộc làm việc
Về kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn Sóc Trăng đến cuối năm 2022, toàn tỉnh giảm được 7.270 hộ nghèo (tương đương giảm 2,19%), trong đó, giảm được 3.031 hộ nghèo Khmer (tương đương giảm 3,01%; giảm được 3.527 hộ cận nghèo, trong đó, giảm được 1.353 hộ cận nghèo Khmer. Năm 2022 giải quyết việc làm cho 946 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, đạt 15,77% kế hoạch. Đào tạo nghề cho 758 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đạt 21,66% kế hoạch. Có 100% người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế. Tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 89,66%, đạt 97,46% kế hoạch…
Tuy bước đầu đạt được các kết quả nhất định, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng báo cáo một số vướng mắc, khó khăn, như một số chỉ tiêu còn mâu thuẫn, nhất là nội dung về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất thuộc Dự án 1, do đối tượng hỗ trợ thu hẹp dần theo từng năm, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm theo lộ trình xã nông thôn mới, nên đối tượng thụ hưởng không còn đáp ứng so với nhu cầu vốn của giai đoạn. Về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm thuộc Tiểu dự án 3 Dự án 5, do có nhiều địa bàn thuộc đối tượng hỗ trợ cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nên đối tượng thụ hưởng không đáp ứng cùng lúc nguồn vốn của cả 3 Chương trình dẫn đến thừa vốn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc báo cáo với Đoàn giám sát
Trong công tác giảm nghèo, việc triển khai và giải ngân nguồn kinh phí thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình còn chậm do nguồn kinh phí thực hiện được phân bổ vào thời điểm giữa năm 2022; các yêu cầu về hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện các dự án đòi hỏi nhiều thời gian thực hiện, trong quá trình triển khai, một số vướng mắc về quy định, hướng dẫn thực hiện cùng làm kéo dài thời gian giải ngân.
Đại diện UBND tỉnh Sóc Trăng cũng gửi nhiều kiến nghị, đề xuất đến Quốc hội và Chính phủ sửa đổi, bổ sung nhiều vấn đề về phân bổ vốn trong công tác xây dựng nông thôn mới; xem xét, bố trí vốn cho một số Dự án, Tiểu dự án, nội dung hỗ trợ trực tiếp theo nhu cầu đăng ký kế hoạch vốn hàng năm của tỉnh.
Đồng thời, xem xét mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng cho hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Theo lộ trình phân bổ vốn năm sau nhiều hơn năm trước thì sẽ càng thừa vốn so với thực tiễn đối tượng thụ hưởng, xem xét, có cơ chế giao cho địa phương được phép điều chuyển nguồn vốn từ dự án thừa vốn do không còn đối tượng thụ hưởng sang dự án khác cho phù hợp với thực tiễn, nhằm bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước và đạt tiến độ giải ngân theo quy định.
Cần chia sẻ kinh nghiệm hay để thực hiện
Các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Sóc Trăng làm rõ nguyên nhân giải ngân thấp trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc theo dõi tiến độ thực hiện Chương trình chưa hệ thống, chưa cập nhật thường xuyên cần được quan tâm khắc phục trong thời gian tới.
Các thành viên đoàn giám sát tại cuộc làm việc
Đoàn giám sát đề nghị tỉnh làm rõ hơn các số liệu trong công tác triển khai xây dựng nông thôn mới; nêu rõ những mô hình tốt, cách làm hay để các địa phương khác học tập kinh nghiệm, đặc biệt trong việc quảng bá sản phẩm nông nghiệp của tỉnh và các đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia trong công tác xây dựng nông thôn mới. Một số ý kiến băn khoăn về số liệu trong công tác giảm nghèo bền vững; nêu rõ, việc đạt và vượt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cần đi đôi với việc các hộ nghèo cần được thoát nghèo thực chất, chứ không chỉ chuyển thành hộ cận nghèo hay tái nghèo trong thời gian ngắn.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Sóc Trăng tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Đoàn giám sát. Bổ sung đánh giá kết quả việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ mà địa phương đã kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành và các cơ quan, tổ chức liên quan hiện được khắc phục ra sao.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, những khó khăn, vướng mắc của tỉnh nêu ra cuộc làm việc là cơ sở để Đoàn giám sát tổng hợp, kiến nghị với Chính phủ, các cơ quan hữu quan tiếp tục sửa đổi các văn bản hướng dẫn thực hiện, nâng cao tính khả thi, hiệu quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trao quà cho các gia đình chính sách huyện Châu Thành
Cùng ngày, Đoàn giám sát đã chia thành 2 tổ làm việc tại 2 huyện Châu Thành và Kế Sách.
Tại đây, nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Đoàn đã trao 60 phần quà cho các gia đình chính sách và hộ nghèo trên địa bàn.