ỦY BAN XÃ HỘI LẤY Ý KIẾN DỰ ÁN LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI)

19/07/2023

Chiều 19/7, tại Thái Nguyên, với sự chủ trì của các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong, Nguyễn Hoàng Mai, Thường trực Ủy ban Xã hội tổ chức Hội thảo khu vực phía Bắc lấy ý kiến dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

THƯỜNG TRỰC ỦY BAN XÃ HỘI HỌP VỚI LÃNH ĐẠO BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI VỀ DỰ ÁN LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI)

Tham dự có đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Nguyên, Hải Dương, Phú Thọ, Yên Bái, Lạng Sơn, Thanh Hóa và đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong nêu rõ, việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng như: đã hình thành hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội khá đồng bộ, bao quát hầu hết các chế độ theo thông lệ quốc tế. Chính sách bảo hiểm xã hội đã từng bước bảo đảm thay thế cho người lao động giải quyết những rủi ro trong cuộc sống khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mất việc làm. Diện bao phủ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và quy mô tham gia trên thực tế ngày càng được mở rộng. Số lượng người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội không ngừng tăng lên, tổng số thu - chi tăng nhanh.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Thuần Phong cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, việc ban hành chính sách và tổ chức thực hiện vẫn còn những hạn chế, vướng mắc, đòi hỏi sớm sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Sáu tới (tháng 10.2023). 

Quang cảnh hội thảo

Nhấn mạnh đây là dự án Luật có tác động rộng lớn đến nhiều đối tượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Thuần Phong đề nghị các đại biểu tham gia góp ý có chất lượng, trách nhiệm, đặc biệt là từ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp.

Theo Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Duy Cường, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được kết cấu gồm 9 chương và 136 điều, trên cơ sở kế thừa kết cấu của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Luật Bảo hiểm xã hội lần này được sửa đổi căn bản, toàn diện nhằm mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội của người dân; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm yếu tố bình đẳng giới; mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; hoàn thiện quy định quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Các đại biểu dự hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu cơ bản nhất trí với việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và tập trung thảo luận về các nội dung trọng tâm của dự luật.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)