Tham gia ý kiến về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, qua tham khảo ý kiến một số đại biểu khóa trước, chúng ta chỉ thấy có đối tượng được miễn lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm là người mắc bệnh hiểm nghèo. Ngoài ra, có một ý là vì một số nơi chính quyền đô thị đặc biệt, không có Hội đồng nhân dân cấp quận. Dự thảo luật đã giải quyết vấn đề này bằng quy định, "Hội đồng nhân dân lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân mình bầu ra hoặc mình phê chuẩn".
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh
Do đó, đối với Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu cho rằng, Hội đồng nhân dân thành phố sẽ lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm cho các Chủ tịch quận mà ở đó không có Hội đồng nhân dân. Điều này có thể làm được, vì trước đây khi chúng ta bảo vệ phương án chính quyền đô thị, để trao đổi lại với ý kiến cho rằng nhân dân, cử tri của quận đó không có cơ quan dân cử, luận cứ của chúng ta là Hội đồng nhân dân thành phố phải làm chức năng cơ quan dân cử cho đồng bào ở các quận đó. Hội đồng nhân dân thành phố là cơ quan dân cử cho nhân dân thành phố. Đối với những quận không có Hội đồng nhân dân thì cũng làm chức năng cơ quan dân cử cho các quận đó. Do đó, Hội đồng nhân dân thành phố có thể lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm cho các Chủ tịch quận ở đó. Tất nhiên, khi làm như vậy thì Hội đồng nhân dân thành phố cũng phải tranh thủ ý kiến của các cơ quan trong hệ thống chính trị của quận, như Mặt trận Tổ quốc của quận.
Cùng tham gia ý kiến về nội dung này, đại biểu Hà Phước Thắng – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, tại Điều 6 phần căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm hoặc bỏ phiếu tín nhiệm, ở điểm d khoản 2 căn cứ những năng lực về chuyên môn có nêu "căn cứ vào kết quả thực hiện các nghị quyết kết luận về công tác giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân, kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực của mình phụ trách".
Đại biểu Hà Phước Thắng – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh
Theo đại biểu, về kết luận giám sát thì trong thực tế sẽ có những kết luận giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành, đây là căn cứ để căn cứ về việc thực hiện chuyên môn của người được lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào trong đây có vế "kết luận của Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành".
Thứ hai, người này về mặt chuyên môn đối với Quốc hội và Hội đồng nhân dân phải thực hiện tốt những kiến nghị của các tổ đại biểu Quốc hội, tổ đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương và ý kiến kiến nghị của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Đây là những kiến nghị hết sức quan trọng, nếu thực hiện tốt thì đại biểu mới căn cứ để lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Vì vậy thì trong khoản d này, đại biểu đề nghị bổ sung "kết luận giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, thành, kiến nghị của tổ đại biểu Quốc hội, tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, các kiến nghị của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tại đơn vị và địa phương mà người được lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm vụ phụ trách".
Liên quan đến Điều 19 về kết quả lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, khoản 6 có quy định là "kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và Nhân dân được biết". Đại biểu đề nghị khoản này chúng ta phải có một kênh thông tin chính thức từ Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân các cấp trong việc lấy phiếu và bỏ phiếu bằng cách quy định phải có thông tin chính thức chậm nhất là 3 ngày sau khi có nghị quyết xác định kết quả. Vì hiện nay sau khi có kết quả thì có những thông tin không chính thống từ các mạng, kể cả những mạng không được cho phép. Do đó các cơ quan của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp phải có thông tin chính thống và chậm nhất là 3 ngày sau khi nghị quyết xác định kết quả lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm được thông qua.
Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh bày tỏ thống nhất với nội dung dự thảo nghị quyết về sự cần thiết thể chế hóa được Quy định 96 của Trung ương, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật trong bối cảnh các năm gần đây, cũng như khắc phục được một số bất cập, hạn chế của Nghị quyết số 85 năm 2014.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ cho biết, qua quá trình tham gia chuẩn bị dự thảo nghị quyết này thì Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cũng được mời tham gia trong Ban soạn thảo dự thảo nghị quyết. Trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết được các cơ quan tham mưu thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm và đảm bảo việc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến góp ý của các địa phương, đơn vị để hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết. Về cơ bản đại biểu thống nhất như vậy.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh
Đại biểu cho rằng trong tờ trình có sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119 năm 2020 của Quốc hội khóa XIV và Nghị quyết 131 tại Điều 21 của dự thảo nghị quyết không quy định Hội đồng nhân dân thành phố lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận như tờ trình đã nêu, đại biểu cũng thống nhất. Bởi vì, lý do đại biểu thống nhất với tờ trình là vì để phù hợp với Quy định 96 của Trung ương. Như vậy, chỉ lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu.
Quy định này cũng bảo đảm tính thống nhất với việc không quy định lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, cũng là chức danh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận bổ nhiệm, giống như Chủ tịch Ủy ban nhân dân của 16 quận của thành phố do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố bổ nhiệm.
Bên cạnh đó, việc giám sát đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận vẫn được thực hiện thông qua cơ chế lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo của cấp ủy địa phương theo Quy định 96 của Trung ương và qua đó đảm bảo được cơ chế kiểm soát quyền lực thông qua việc Hội đồng nhân dân thành phố giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân quận và chất vấn, xem xét việc trả lời chất vấn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận theo quy định. Điều này Hội đồng nhân dân thành phố từ khi thực hiện Nghị quyết 131 thì trực tiếp chất vấn đến các Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận.