ĐÁNH GIÁ SỰ PHÙ HỢP GIỮA CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC VÙNG ĐBSCL VỚI LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC

04/08/2023

Một số chuyên gia chỉ ra rằng, quản lý nguồn tài nguyên nước liên quốc gia luôn là một thách thức. Do đó, Luật tài nguyên nước (sửa đổi) lần này cần đảm bảo có sự phù hơp và tuân thủ với các Điều ước quốc tế về tài nguyên nước.

LẤY Ý KIẾN GÓP Ý CHO DỰ ÁN LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI)

Dành sự quan tâm sâu đến lĩnh vực này, chuyên gia tài nguyên nước Lê Thị Hường, Viện Khoa học Tài nguyên nước chỉ rõ, cho đến nay, tại Việt Nam vẫn chưa có một văn bản nào quy định cụ thể các chính sách hợp tác quốc tế về tài nguyên nước (TNN) liên quốc gia, các nguyên tắc hợp tác quốc tế về TNN mới chỉ được thể hiện tại Điều 75, Luật TNN (sửa đổi); những Điều, Khoản thuộc Phần II của Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy (Công ước New York 1997); Điều, Khoản thuộc Chương 3 của Hiệp định về hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công (Hiệp định Mê Công 1995) và 5 bộ quy tắc về sử dụng nước của Ủy hội Sông Mê Công quốc tế đã xây dựng, được thông qua vào tháng 11/2003.

Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia ký kết các thoả thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ, nghị định thư... Tuy nhiên, các quy định hiện nay mới chỉ tồn tại riêng lẻ ở quy phạm điều ước và chỉ mang tính chất khuyến nghị hoặc chỉ là những quy phạm trong phạm vi song phương, khu vực. Có nhiều điều ước song phương, đa phương điều chỉnh việc khai thác, sử dụng nguồn nước xuyên biên giới nhưng không có điều ước chung toàn cầu nào về vấn đề này. Theo đó, các quốc gia trong cùng lưu vực có nghĩa vụ phải xem xét quyền, nhu cầu của quốc gia khác và mỗi quốc gia có quyền được chia sẻ nguồn nước một cách công bằng, hợp lý. Nguyên tắc này mang lại lợi ích tối đa cho mỗi lưu vực nước, cùng với mức thiệt hại tối thiểu. Việc xác định chia sẻ hợp lý và công bằng phải được đánh giá dựa trên tất cả mọi yếu tố liên quan trong từng trường hợp cụ thể.

Toàn cảnh hội thảo về dự án luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Đánh giá về sự phù hợp về thể chế giữa Hiệp định Mê Công 1995 với Luật TNN (sửa đổi), chuyên gia tài nguyên nước Lê Thị Hường, Viện Khoa học Tài nguyên, nhà nghiên cứu Lê Văn Quy, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, phạm vi điều chỉnh của Hiệp định này là TNN và các tài nguyên liên quan của lưu vực sông Mê Công.

Điều này là hoàn toàn phù hợp với đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật TNN (sửa đổi), bao gồm: Nước mặt, nước dưới đất, nước mưa, nước biển, tuy nhiên, phạm vi nghiên cứu của bài báo chỉ tập trung vào TNN mặt. Nguồn nước sông Mê Công là nguồn nước liên quốc gia, chảy từ lãnh thổ nước khác vào lãnh thổ Việt Nam và các quốc gia láng giềng. - Các nguyên tắc chính: Hiệp định Mê Công 1995 quy định 3 nguyên tắc cơ bản (Điều 3, 4, 5), gồm:

Một là, bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái, khẳng định sự đồng thuận, nỗ lực hợp tác chung của các quốc gia trong việc duy trì, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên của lưu vực sông Mê Công khỏi nguy cơ bị ô nhiễm từ bất kỳ dự án phát triển nào được thực hiện.

Hai là, bình đẳng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Khẳng định mỗi quốc gia đều có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, có quyền tự do lựa chọn, phát triển chế độ chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa của mình, được các quốc gia khác tôn trọng. Các quốc gia không phân biệt chế độ chính trị, lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, đều có quyền độc lập như nhau, được đối xử công bằng như nhau. Các quốc gia đều được tham gia một cách bình đẳng vào tất cả mọi hoạt động của Mê Công, tham gia giải quyết các vấn đề có liên quan đến lợi ích của mình. Ý kiến của quốc gia thành viên có giá trị ngang nhau và đều được các quốc gia khác tôn trọng.

Các đại biểu tại hội thảo

Ba là, sử dụng hợp lý và công bằng. Nguyên tắc này là nền tảng của Hiệp định Mê Công, cho phép một quốc gia trong lưu vực chia sẻ nguồn nước sông Mê Công một cách công bằng, hợp lý. Sử dụng công bằng được điều chỉnh bởi nguyên tắc sử dụng chủ quyền của nguồn nước, quy định rằng mọi quốc gia ven sông đều có quyền sử dụng nguồn nước tương đương với quyền của các quốc gia khác trong lưu vực. Tuy nhiên, sử dụng công bằng không có nghĩa là các quốc gia sẽ sử dụng hoặc chia sẻ một lượng nước ngang bằng nhau. Lượng nước mà mỗi quốc gia có quyền sử dụng phải hợp lý trên cơ sở đảm bảo đủ nước cho mục đích cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất lương thực. Các yếu tố liên quan đến sử dụng nước công bằng, hợp lý của mỗi quốc gia bao gồm: Vị trí địa lý, điều khiện khí hậu, thủy văn, dân số, kinh tế, xã hội…

Do vậy, so với các nguyên tắc hợp tác quốc tế về TNN được quy định tại Điều 75, Luật TNN (sửa đổi) thì các nguyên tắc của Hiệp định là hoàn toàn phù hợp với chính sách, pháp luật của Việt Nam. Hiệp định là căn cứ pháp lý quan trọng, quy định nguyên tắc cơ bản và khung hợp tác chung cho các quốc gia thành viên trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ nguồn nước cũng như tài nguyên liên quan khác trong vùng hạ lưu vực sông Mê Công, nhằm mục tiêu phát triển bền vững, góp phần thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia thành viên.

Hiệp định là cơ sở pháp lý đầu tiên và duy nhất trong vùng công nhận các nguyên tắc chia sẻ công bằng, hợp lý TNN và cùng nhau bảo vệ môi trường sinh thái lưu vực sông, đồng thời khái niệm “phát triển bền vững” được đưa thành một nguyên tắc chính và là mục tiêu của Hiệp định. Hiệp định còn tiến xa hơn hầu hết các văn kiện của các tổ chức lưu vực sông quốc tế khác về quy định cụ thể, chặt chẽ trong bộ quy chế sử dụng nước (cả mùa khô, mùa mưa, trong lưu vực, ngoài lưu vực, dòng chính, dòng nhánh…). Hiệp định có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường mà cả việc tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia trong lưu vực và các quốc gia khác trong khu vực.

Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn nước chung ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến thượng và hạ lưu dòng chính sông Mê Công, do vậy, để đạt hiệu quả tối ưu trong việc quản lý TNN liên quốc gia, việc đánh giá ảnh hưởng tiềm năng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia là chưa đủ, cần có những đánh giá tác động lên các quốc gia thượng và hạ nguồn cũng như những bên liên quan ở mỗi quốc gia thông qua báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới. Các điều khoản về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường gồm quy mô, phạm vi thông tin cần có trong nội dung báo cáo, các yêu cầu mà báo cáo cần đưa ra cho quá trình ra quyết định, mức độ tham gia của cộng đồng trong quá trình thực hiện.

Các chuyên gia nhất quán cho rằng, để các quy định pháp luật về TNN có hiệu lực, hiệu quả thì trước tiên Việt Nam cần:

Thứ nhất, tuân thủ nghiêm túc và hiệu quả quy định của Hiệp định Mê Công 1995, Công ước New York 1997, đặc biệt là trong quá trình thực hiện các dự án sử dụng nước trên dòng chính sông Mê Công thuộc lãnh thổ Việt Nam và khi tiến hành các dự án hợp tác về sử dụng nước Mê Công với các nước láng giềng.

Thứ hai, hoàn thiện các văn bản kỹ thuật thực thi Hiệp định Mê Công, tích cực tiến hành biện pháp cần thiết nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán để hoàn thành sớm Hướng dẫn kỹ thuật thực hiện những quy định trong thủ tục duy trì dòng chảy trên dòng chính và Hướng dẫn kỹ thuật thực hiện thủ tục chất lượng nước. Đây là công cụ pháp lý, kỹ thuật rất quan trọng của Việt Nam trong việc kiểm soát hoạt động sử dụng nước của các quốc gia thành viên khác có thể gây ra những tác động bất lợi cho dòng chảy và chất lượng dòng chảy Mê Công đổ vào Việt Nam.

Thứ ba, xây dựng mới văn bản kỹ thuật thực thi Hiệp định Mê Công 1995 và khuyến khích Trung Quốc, Myanmar tham gia Hiệp định để bảo vệ TNN lưu vực sông Mê Công - Dòng sông mang lại nguồn TNN dồi dào cho nước ta.

Nhấn mạnh quản lý nguồn TNN liên quốc gia luôn là một thách thức, các chuyên gia cho rằng, mục tiêu chung của các thỏa thuận xuyên biên giới nhằm cải thiện tính hiệu quả và sự công bằng trong quản lý TNN trên toàn lưu vực. Để đạt được điều này đòi hỏi các quốc gia thành viên phải phối hợp thực hiện việc lập kế hoạch phát triển, quản lý, bảo tồn các tài nguyên chung có liên quan tới nước một cách tổng hợp, phù hợp với các công ước quốc tế. Bên cạnh việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ, nghị định thư với các quốc gia, Việt Nam đã tham gia Hiệp định sông Mê Công 1995 và Công ước New York 1997; các chính sách pháp luật của Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu của các thỏa thuận cũng như hiệp định quốc tế về quản lý TNN, bao gồm quy định về bảo vệ, phát triển TNN, quản lý nguồn nước, phát triển TNN, chia sẻ TNN.

Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức trong việc thực hiện và tuân thủ các chính sách, pháp luật quản lý TNN của Việt Nam mà cụ thể là Luật TNN (sửa đổi). Một số vấn đề mà các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia còn chưa được giải quyết đầy đủ như cần có đánh giá về những ảnh hưởng tiềm năng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia có chung nguồn nước để nghiên cứu tác động lên các quốc gia thượng, hạ nguồn và các bên liên quan ở các quốc gia; sự tham gia của cộng đồng là rất quan trọng, giúp các bên liên quan bị ảnh hưởng có cơ hội nêu ra những quan tâm, lo ngại của mình; khắc phục sự thiếu gắn kết trong phân chia trách nhiệm giữa các cơ quan khác nhau trong phạm vi một quốc gia và giữa các quốc gia ven sông để củng cố việc đồng phát triển nguồn nước chung. Do đó, Việt Nam cần phải tiếp tục cải thiện chính sách, pháp luật, bổ sung điều khoản về hợp tác quốc tế cũng như tăng cường việc tuân thủ các thỏa thuận và hiệp định quốc tế về quản lý TNN liên quốc gia.

Hồ Hương