GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY: LÀM RÕ TRÁCH NHIỆM TRONG CÔNG TÁC PHỐI HỢP CỦA TỪNG BỘ NGÀNH
Để thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, trong đó có việc xử lý các công trình, cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001, Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Nguyễn Tuấn Anh cho biết, đến nay 63/63 địa phương đã tổ chức rà soát và thực hiện xử lý vấn đề này. Trong đó, 35/63 địa phương đã ban hành Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh và kế hoạch của UBND cùng cấp để xử lý các cơ sở theo quy định tại Điều 63a, Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001; có 6/63 địa phương có ít cơ sở theo Điều 63a và 22/63 địa phương không thuộc đối tượng phải ban hành Nghị quyết do không có công trình thuộc đối tượng nêu trên.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới phát biểu
Bên cạnh đó, tại các địa phương, lực lượng chức năng, các sở, ban, ngành cũng chủ động xây dựng, ký kết và triển khai thực hiện hàng trăm quy chế, kế hoạch phối hợp trong triển khai thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như: xây dựng, kiến trúc, xăng dầu, điện lực, hàng không, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp...
Năm 2021, tất cả 63/63 UBND cấp tỉnh đã ban hành Kế hoạch huy động tối đa các lực lượng, phương tiện, tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tại địa phương để chữa cháy đối với các tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp.
Quang cảnh cuộc họp
Với những nỗ lực đó, các khó khăn, chồng chéo trong thực hiện quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy từng bước được tháo gỡ, tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ của các cấp, các ngành đối với công tác này. Sự phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trong công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được đẩy mạnh, góp phần không nhỏ tổ chức cứu chữa thành công nhiều vụ cháy lớn, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ nhiều nạn nhân khỏi các vụ sự cố, tai nạn nghiêm trọng.
Đa số ý kiến Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, Chính phủ đã tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt nhiều biện pháp, giải pháp được đưa ra đã kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn, nổi lên trong công tác này.
Tuy nhiên, nhiều thành viên Đoàn giám sát còn băn khoăn trước thực trạng hiện nay hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực này không do một Bộ quản lý chuyên ngành tổ chức xây dựng, mà do một số bộ, ngành xây dựng, căn cứ theo chức năng quản lý nhà nước được giao.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức phát biểu
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức, hiện nay cả nước có tổng cộng trên 230 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về phòng cháy, chữa cháy đang có hiệu lực, song lại có sự tách biệt. Đơn cử, Bộ Xây dựng xây dựng tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy cho các công trình xây dựng. Bộ Giao thông vận tải xây dựng tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy trên các phương tiện vận tải, công trình giao thông. Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng tiêu chuẩn cho các lĩnh vực chung… Thêm vào đó, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy còn được xây dựng theo nhiều nguồn tham khảo từ các tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và quốc gia khác nhau, nên một số quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của nước ta. Chưa kể, hệ thống này cũng chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung và thay thế kịp thời.
Để khắc phục vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, Chính phủ cần thể hiện rõ hơn vai trò "nhạc trưởng" trong điều hành, kết nối các bộ, ngành về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, bởi đây là công tác vô cùng quan trọng, liên quan đến "cháy nhà, chết người", không một bộ, ngành riêng nào có thể đảm trách hết.
Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an Nguyễn Tuấn Anh báo cáo
Chỉ ra thực tế các bộ, ngành đã nghiêm túc, quyết liệt thực hiện Nghị quyết 99/2019/QH14 của Quốc hội, song Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho rằng, việc rà soát, sửa đổi, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy phù hợp với các lĩnh vực do các Bộ quản lý còn chậm. Do đó, các bộ, ngành cần tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong triển khai, xây dựng, hướng dẫn, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy. Tổ chức rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến phòng cháy, chữa cháy, kịp thời đưa vào kế hoạch xây dựng trong thời gian tới. Đồng thời, cần triển khai hướng dẫn, đánh giá, kiểm tra việc thực hiện các tiêu chuẩn và quy chuẩn quốc gia về công tác này tại các địa phương, cơ sở, đơn vị./.