KHẢO SÁT VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ THIẾT CHẾ VĂN HÓA THỂ THAO TẠI HUYỆN BÌNH CHÁNH, TP. HỒ CHÍ MINH
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng phát biểu tại cuộc làm việc
Đại diện UBND huyện Bình Chánh cho biết, công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao trên địa bàn luôn được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể. Hệ thống thiết chế văn hóa đã giữ vai trò nòng cốt trong các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, hướng dẫn các hoạt động văn hóa thể thao cơ sở. Thông qua các thiết chế văn hóa, nhiều hoạt động văn hóa thể thao được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, từ đó đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa và nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa thể thao cũng được huyện tạo điều kiện thuận lợi về chủ trương, nhờ đó nhiều địa điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao được tư nhân đầu tư xây dựng., thu hút đông đảo người dân tham gia.
Hiện, huyện Bình Chánh có 4 trung tâm văn hóa thể thao xã, 1 Công viên Văn hóa Láng Le, 2 sân chơi thiếu nhi, 1 Nhà thi đấu đa năng, 1 Nhà văn hóa, 1 Nhà thi đấu đa năng đạt chuẩn; 136 cơ sở hoạt động thể dục thể thao ngoài công lập với nhiều loại hình thể dục thể thao như: bơi lội, võ thuật, thể dục thẩm mỹ, thể hình, bóng đá... Ngoài ra, còn có các cơ sở vật chất văn hóa, thể thao trong các trường học trên địa bàn bảo đảm cho học sinh, người dân tham gia sinh hoạt.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Phan Thị Cẩm Nhung phát biểu tại cuộc làm việc
Tuy nhiên, hiện huyện Bình Chánh chưa có cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương về đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa thể thao. Cơ chế pháp lý về hoạt động liên doanh, liên kết, xã hội hóa hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập chưa thuận lợi nên chưa phát huy hiệu quả hoạt động của các đơn vị. Công tác quy hoạch quỹ đất dành cho hoạt động văn hóa, thể dục thể thao còn hạn chế so với yêu cầu chung; kinh phí đầu tư dành cho hoạt động văn hóa, thể dục thể thao còn khó khăn. Hiện nay, có 12/16 xã, thị trấn chưa có trung tâm văn hóa thể thao, do không có quỹ đất công để thực hiện quy hoạch, đầu tư. Mặt khác, các thiết chế trung tâm văn hóa thể thao các xã hiện chưa được đầu tư đúng mức nên việc khai thác, phát huy hiệu quả hoạt động chưa cao.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho biết, so với các quận, huyện của TP. Hồ Chí Minh, huyện Bình Chánh có đặc thù riêng, dù có tốc độ đô thị hóa nhanh, song huyện cũng có những khó khăn nhất định, như địa bàn rộng, dân số đông, một số quy định về cơ chế, chính sách chưa sát với thực tế, chưa đáp ứng nhu cầu về khai thác quản lý thiết chế văn hóa thể thao, quản lý tài sản công có nguồn thu, quyền tự chủ và trách nhiệm của các đơn vị quản lý.
Quang cảnh cuộc làm việc
Song, huyện đã có sự quan tâm nhất định đến việc phát triển thiết chế văn hóa thể thao trên địa bàn như phân công nhiệm vụ cụ thể trong việc xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách, tổ chức bộ máy.
Ngoài các thiết chế từ nguồn ngân sách Nhà nước, huyện cũng đã tổ chức huy động nguồn lực để xây dựng các điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao được tư nhân, cùng với đó là cơ sở vật chất trong trường học để phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ văn hóa và nâng cao đời sống tinh thần của người dân.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị, huyện cần có sự quan tâm đề rà soát lại, bổ sung thêm số liệu, nguồn lực, cũng như làm rõ hơn nguyên nhân các khó khăn, vướng mắc, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, để thời gian tới thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa thể thao tốt hơn.