TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 15/8: CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến các giải pháp nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp. Đại biểu Phạm Hùng Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho rằng hiện nay, việc thực hiện liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm ở một số địa phương còn chậm, sản lượng và quy mô còn hạn chế, liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa ứng dụng công nghệ cao giúp giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến. Kết nối liên vùng, kết nối thị trường còn rời rạc, chưa thống nhất, chi phí logistics còn cao. Việc đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, ứng dụng chuyển giao khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ cao chưa trở thành động lực mới cho đổi mới mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra các giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, thực trạng nền nông nghiệp Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Bởi vậy, chỉ có liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp theo một chuỗi ngành hàng là nhu cầu tối cần thiết, nhằm nâng cao chất lượng nông sản. Cần chuyển từ sản phẩm nông nghiệp thành thương phẩm, đảm bảo yêu cầu, chuẩn mực của thị trường. Cũng cần phân biệt sản phẩm và thương phẩm, sản phẩm là cái mà chúng ta có thể làm ra được còn thương phẩm là cái có thể tạo ra giá trị cao và đến được thị trường.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan
Thống nhất với nhận định của đại biểu Phạm Hùng Thắng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, theo báo cáo của các địa phương, chỉ khoảng 20% diện tích nông nghiệp nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng, thậm chí trong 20% đó không phải chuỗi nào cũng bền vững. Bởi chuỗi ngành hàng bắt đầu từ người nông dân, sau đó tới doanh nghiệp để đưa ra thị trường, ở giữa là khoa học công nghệ, các nhà khoa học, nhà quản lý… Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, không phải dễ dàng để sâu kết các chuỗi khi sự phân chia lợi ích không đồng đều, đây là một thực trạng.
Bộ trưởng cho rằng, thời gian tới cần nâng cao tính bền vững của các chuỗi liên kết này, vì thực tế đã xảy ra câu chuyện được mùa mất giá, nông dân bội tín với doanh nghiệp, chuyện doanh nghiệp bỏ cọc hay thương lái bỏ cọc, bỏ lúa giữa đồng, bỏ quả chín rục trên cây.
Như vậy, giải mã được chuỗi này đòi hỏi sự phát triển kinh tế hợp tác, phát triển ngành logistics. Logistic không thể phục vụ cho một kinh tế hộ mà phải phục vụ quy mô lớn hơn - đó chính là chuỗi. Chúng ta cũng không thể nào số hóa với điều kiện manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, chỉ khi nào tham gia vào chuỗi, chỉ khi nào hợp tác xã đủ mạnh thì mới bắt đầu tiến hành số hóa.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nêu thực tế tại Đồng Tháp, bà con nông dân tham gia hợp tác xã, sản xuất với quy mô lớn, bắt đầu số hóa đồng ruộng và mang lại một hình ảnh thay đổi rất rõ rệt trong ngành hàng lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu thực hiện được chuỗi liên kết, việc đưa khoa học, công nghệ vào sản xuất sẽ tạo ra giá trị lan tỏa nhiều nhất.
“Trong thời gian tới, chúng tôi cũng kiên trì cùng với các địa phương để xây dựng những mô hình chuỗi một cách đồng bộ, hoàn thiện hơn và cùng với các viện, trường, các nhà khoa học, các doanh nghiệp tác động để chuỗi bền vững hơn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum
Phát biểu tranh luận về vấn đề này, đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum tán thành và đánh giá cao giải pháp Bộ trưởng nêu ra là cần tạo ra giá trị gia tăng trong sản phẩm nông nghiệp. Đại biểu cho rằng, để tạo ra được giá trị gia tăng trong sản phẩm thì việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật là yếu tố có tính quyết định.
Thời gian qua, việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong nông nghiệp, nông thôn và trong sản phẩm nông nghiệp để tạo ra giá trị gia tăng đã đạt được nhiều tiến bộ. Thực tế cho thấy, nhà khoa học nắm trong tay những thành tựu khoa học công nghệ, người dân và doanh nghiệp có nhu cầu tiếp nhận những thành tựu đó, nhưng nhà khoa học lại rất khó đến từng hộ gia đình và doanh nghiệp để chuyển giao vào thực tiễn. Điều này cũng ảnh hưởng đến quá trình tạo ra giá trị gia tăng trong sản phẩm nông nghiệp và ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị Bộ trưởng phân tích rõ hơn về thực trạng này, nguyên nhân, giải pháp để tháo gỡ trong thời gian tới?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan thừa nhận có điểm nghẽn lớn trong thực hiện chuỗi liên kết, khó khăn khi đưa hàm lượng khoa học công nghệ từ các viện, trường, các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ đến được người nông dân. Mặc dù, thời gian qua, có một số sản phẩm nghiên cứu khoa học, những đề tài ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật thông qua Trung tâm khuyến nông Quốc gia và các trung tâm khuyến nông ở các địa phương để chuyển giao nhưng đó chỉ là mô hình, mà sản phẩm nghiên cứu khoa học đòi hỏi phải được thị trường hóa.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo tất cả những đề tài nghiên cứu khoa học mang tính chất ứng dụng và những tiến bộ kỹ thuật (của các viện, trường, các nhà khoa học độc lập, người nông dân) nếu đã ứng dụng tốt sẽ đánh giá và quảng bá cho các hợp tác xã, bà con nông dân ứng dụng. Hiện, ngành nông nghiệp đã thay đổi toàn bộ tư duy khuyến nông không phải chỉ là mô hình nữa mà phải thực sự là cầu nối để đưa những sản phẩm nghiên cứu khoa học, công nghệ phù hợp, thích ứng với từng vùng, miền vào sản xuất. Sản phẩm chỉ có tác dụng và giá trị khi sức lan tỏa càng rộng, nhiều người nông dân được thụ hưởng từ thành quả đó.
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần phải chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nghĩa là tạo ra giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích.
Nghị quyết 19 cũng nêu chuyển từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng. Bộ trưởng Lê Minh Hoan lấy ví dụ phát triển du lịch không chỉ dừng lại ở sản lượng mà du lịch là tuần hoàn. Khi tuần hoàn sẽ tạo ra được nhiều sản phẩm từ phế phẩm nông nghiệp, lúc đó không còn gọi là phế phẩm nữa mà tất cả đều là nguyên liệu cho một ngành hàng mới, một sản phẩm mới.
Hay như nghề muối truyền thống ở Bạc Liêu đã trở thành di sản phi vật thể nhưng phải làm sao để bà con sống được bằng nghề muối và tự hào mình đang nắm giữ một di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao công nhận. Muốn vậy, nghề muối phải trở thành một nền kinh tế muối chứ không phải là nghề sản xuất muối, nằm trong một chuỗi ngành hàng nông nghiệp, chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế. Chúng ta phải tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn từ hạt muối, chế biến muối không phải là một gia vị nữa mà muối phải trở thành một thực phẩm hoặc trở thành dược phẩm, trở thành một mỹ phẩm giống như các quốc gia đang làm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đi theo hướng đó và rất nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu đã đi theo hướng đó, tức là tạo ra giá trị gia tăng bằng cách đa dạng hóa hạt muối.
“Tôi mong rằng cần thay đổi cách mà chúng ta nghĩ về nông nghiệp, nghĩ về người nông dân, nghĩ về nông thôn để khích lệ, tạo ra một luồng sinh khí mới, bởi mỗi sự thay đổi không phải đơn giản đối với bà con nông dân”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.