ĐBQH TRÁNG A DƯƠNG: CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH PHỤC HỒI CÁC DÒNG SÔNG Ô NHIỄM, CẠN KIỆT

18/08/2023

Góp ý kiến về dự thảo Luật Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), ĐBQH Tráng A Dương- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng, cần có quy định cụ thể về cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn vốn để phục hồi các dòng sông đang bị ô nhiễm, cạn kiệt nghiêm trọng

ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: CẦN QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ VỀ YÊU CẦU QUẢN LÝ, ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG, SỐ LƯỢNG NGUỒN NƯỚC CẤP CHO SINH HOẠT

Chuyển biến tích cực sau hơn 10 năm thi hành

Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Mục tiêu của dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật.

Bên cạnh đó, Luật sẽ hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước; giảm điều kiện kinh doanh cho tổ chức, cá nhân. Đồng thời, sẽ chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các chính sách về: giá nước, thuế, phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; đẩy mạnh xã hội hoá…

ĐBQH Tráng A Dương- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Góp ý kiến về dự thảo Luật Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), ĐBQH Tráng A Dương- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết, sau hơn 10 năm thực thi Luật Tài nguyên nước 2012, đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Cần chính sách phục hồi các dòng sông đang bị ô nhiễm, cạn kiệt nghiêm trọng

Tuy nhiên, đại biểu Tráng A Dương cũng phản ánh thực tế hiện nay do áp lực phát triển kinh tế, sự gia tăng dân số, vấn đề đô thị hóa, nguồn nước đã và đang dần cạn kiệt và ô nhiễm.

Để tiếp tục hoàn thiện dự án luật, đại biểu đã góp ý kiến về một số nội dung. Về phạm vi điều chỉnh, tại khoản 2, Điều 1 dự thảo Luật quy định: “Nước dưới đất và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này”.

Đại biểu Tráng A Dương cho rằng, quy định như dự thảo Luật vô hình chung, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước mà được điều chỉnh ở Luật Khoáng sản năm 2010. Trên thực tế, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên vẫn là tài nguyên nước, tồn tại ở các tầng chứa nước dưới đất và có khả năng tái tạo không như các loại khoáng sản khác. Trong khi các quy định của Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lần này bao hàm tất cả các nội dung về việc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước dưới đất. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị xem xét đưa nước khoáng, nước nóng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh của luật để bảo đảm thống nhất quản lý về tài nguyên nước như đã nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 dự thảo Luật.

Mặt khác, đại biểu  Tráng A Dương cũng cho rằng, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên loại tài nguyên nước có giá trị cao và có khả năng tái tạo nên cần có quy định cụ thể nhằm tạo thuận lợi trong khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên quý giá này để phục vụ nhu cầu sức khoẻ của Nhân dân và phát triển dịch vụ, du lịch, tăng thu cho ngân sách.

Ngoài ra, đại biểu Tráng A Dương cũng đề nghị bổ sung và làm rõ khái niệm “phát triển tài nguyên nước” tại Điều 3 dự thảo luật này. Theo đại biểu Tráng A Dương, để phát triển tài nguyên nước, ngoài việc bảo vệ phát triển rừng (nguồn sinh thủy), cần phải bảo đảm an toàn các hồ chứa nước, đặc biệt là các hồ chứa nước lớn, quan trọng; xây dựng các công trình chứa nước phục vụ đa mục tiêu, các công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất; cần có giải pháp bảo đảm gắn kết quy hoạch tài nguyên nước với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và quy hoạch quốc phòng, an ninh. Do đó, cần làm rõ khái niệm này.

Liên quan đến vấn đề quản lý tài nguyên nước, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu rà soát, bổ sung các quy định cũng như trách nhiệm của các bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc bảo vệ, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong việc quản lý, sử dụng, bảo vệ nguồn tài nguyên nước.

ĐBQH Tráng A Dương- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng, cần có quy định cụ thể về cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn vốn để phục hồi các dòng sông đang bị ô nhiễm, cạn kiệt nghiêm trọng

Đặc biệt liên quan đến việc phục hồi nguồn nước, đại biểu Tráng A Dương cho biết, hiện nay có nhiều dòng sông, suối, là nguồn cấp nước chính cho sinh hoạt, sản xuất, nhưng lại đang bị ô nhiễm, cạn kiệt nghiêm trọng và được gọi là các dòng sông “chết”. Việc phục hồi các dòng sông “chết” là vô cùng quan trọng và cấp bách.

Đại biểu cho rằng, tại điều 35, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về phục hồi nguồn nước là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc phục hồi các dòng sông bị ô nhiễm, cạn kiệt phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và có sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân. Vấn đề khó khăn trong việc phục hồi các dòng sông “chết” đó là đòi hỏi nguồn kinh phí lớn trong khi ngân sách nhà nước không có khả năng bố trí đủ cho hoạt động này. Đại biểu nhất trí với quy định tại khoản 4 Điều 35 của dự thảo luật, tuy nhiên đề nghị cần nghiên cứu để quy định rõ cơ chế, chính sách về tài chính cho hoạt động này. Cụ thể, xem xét quy định cụ thể về cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn của tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động phục hồi các dòng sông.

Đối với nội dung về dịch vụ bảo vệ, phát triển, tích trữ và phục hồi nguồn nước, đại biểu Tráng A Dương  đề nghị cần xem xét nghiên cứu bổ sung quy định các chính sách liên quan đến phân bổ nguồn thu từ khai thác sử dụng nước ở các địa phương hạ nguồn để chi trả cho các địa phương thượng nguồn trong bảo vệ, phát triển rừng, vùng sinh thủy. Đồng thời, giao trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi mức chi trả bảo vệ phát triển rừng nhằm khuyến khích người dân ở các địa phương thượng nguồn tham gia bảo vệ rừng.

Ngoài việc chi trả dịch vụ môi trường rừng theo diện tích rừng, đại biểu cho rằng, có thể điều phối một tỉ lệ % nhất định từ quỹ chi trả môi trường rừng để điều phối lại việc phát triển bảo vệ nguồn sinh thủy, bảo đảm hài hoà lợi ích cho các địa phương, khu vực vùng thượng nguồn trong việc bảo vệ phát triển rừng, vùng sinh thuỷ./.

Thu Phương