XÁC ĐỊNH RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, NGÀNH TRONG THỰC HIỆN 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

18/08/2023

Cho ý kiến vào Báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các CTMTQG tại Phiên họp thứ 25 của UBTVQH, các Ủy viên UBTVQH đề nghị qua giám sát cần làm rõ những sơ hở, bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn của các văn bản và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, phải trả lời được những câu hỏi “vì sao chậm, vì sao vướng mắc, các điểm nghẽn ở đâu và tháo gỡ như thế nào?” cũng như cần xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong thực hiện các Chương trình.

UBTVQH NGHE BÁO CÁO KẾT QUẢ GIÁM SÁT BƯỚC ĐẦU CHUYÊN ĐỀ GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VỀ 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: SAU ĐỢT GIÁM SÁT CẦN CÓ CHUYỂN BIẾN CĂN BẢN HƠN TRONG THỰC HIỆN 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Làm rõ những bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn của các văn bản

Báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các CTMTQG tại Phiên họp thứ 25 của UBTVQH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát nêu rõ, mặc dù về số lượng các văn bản quản lý đến nay cơ bản đã hoàn thành, nhưng qua giám sát nhiều địa phương phản ánh số lượng văn bản quá nhiều, trên 300 văn bản của cả Trung ương và địa phương. Nhiều nội dung hướng dẫn chưa rõ ràng, khó thực hiện, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung nhưng địa phương vẫn không triển khai thực hiện được. Một số văn bản sửa đổi, bổ sung văn bản đã ban hành như Nghị định 38/2023/NĐ-CP như do áp lực về thời gian, vẫn còn nội dung chưa tháo gỡ được, thậm chí quy định còn chặt chẽ, khó thực hiện hơn. Hiện tại đến giữa kỳ thực hiện, nhưng vẫn còn một số nội dung chính sách, tiêu chí chưa được các bộ, ngành hướng dẫn.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị cần đánh giá, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan, đó là: Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo địa phương của các CTMTQG trong việc quản lý, tổ chức và điều hành các Chương trình này. Đồng thời đánh giá hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan chủ quản thực hiện từng CTMTQG với nhau, giữa các cơ quan chủ quản Chương trình với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các bộ, cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung của các CTMTQG; Trách nhiệm và sự chủ động, tích cực của cơ quan chủ quản thực hiện từng Chương trình (Bộ LĐTB&XH, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc), người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Chương trình.

Làm rõ tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm

Tham gia góp ý vào nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, mới đây, Tổng Bí thư đã chủ trì Phiên họp lần thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hội nghị nhấn mạnh đã giao cho Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo công tác giám sát, đổi mới công tác giám sát. Và Đảng đoàn Quốc hội đã có Đề án đổi mới công tác giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Qua giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cần làm rõ những sơ hở, bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn của các văn bản và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Đây là một yêu cầu có tính chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã kết luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định 

“Trong tất cả các chuyên đề giám sát từ nay chúng ta cũng phải thể hiện được ý này, những sơ hở, bất cập của văn bản, của chỉ đạo, điều hành có nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, phải chỉ rõ. Tình trạng ban hành văn bản quá nhiều, ban hành văn bản chậm thì Báo cáo đã chỉ ra, có nhiều cái chậm, nhưng “nhiều” đó hiện nay ta chưa lý giải, trong 3 Chương trình này gần 300 văn bản, Chính phủ, các Bộ là 73 văn bản, còn các địa phương là hàng trăm văn bản, nhưng tổng cộng lại là gần 300 văn bản, tại sao lại phải nhiều văn bản như thế?”, Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng yêu cầu qua giám sát phải làm rõ tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm để chậm công việc, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết công việc của dân và doanh nghiệp hay không?. Đồng thời đề nghị tất cả các chuyên đề giám sát sắp tới và chuyên đề này phải nhận xét thêm về nội dung này, khái quát thêm một số điểm trong đánh giá chung.

Giám sát là phải xác định rõ trách nhiệm

Quan tâm đến chuyên đề giám sát này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, giám sát này phải làm rõ, trả lời được những câu hỏi: Vì sao lại chậm, vì sao vướng mắc, các điểm nghẽn ở đâu và việc tháo gỡ như thế nào?

“CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và cả 3 Chương trình tồn đọng mấy trăm nội dung, ban hành Nghị định 38, sau đó sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 27. Vậy trách nhiệm của các bộ, ngành ở đây thế nào để xảy ra tình trạng đỏ?”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Báo cáo cần giảm bớt tính chất kỹ thuật, tập trung đi sâu vào những vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội gắn với những quan điểm lớn của Đảng và chính sách Nhà nước trong thực hiện 3 CTMTQG.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ 

Đáng lưu ý, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Báo cáo cần làm rõ những vướng mắc, tồn tại, hạn chế, yếu kém. “Vì sao giải ngân chậm, việc lồng ghép các Chương trình này như thế nào? Còn để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ đọng về các Chương trình này như những lần trước không, còn có vấn đề lợi dụng chính sách xóa nghèo để trục lợi chính sách không, chính sách nào để duy trì được giảm nghèo bền vững?... Sau khi COVID thì tỷ lệ nghèo của chúng ta có bị tăng lên không hay tái nghèo không hay không tác động mấy và hiện nay tỷ lệ nghèo còn là bao nhiêu?”, Chủ tịch Quốc hội phân tích thêm. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Báo cáo của Đoàn giám sát cần phải chỉ rõ các nội dung này.

Nhấn mạnh giám sát là phải xác định rõ trách nhiệm, không nói chung chung, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: “Nếu trách nhiệm của Quốc hội thì chỉ ra để Quốc hội rút kinh nghiệm, của Ủy ban nào thì Ủy ban đó chịu trách nhiệm; Chính phủ, bộ, ngành nào cũng phải nói rõ và chịu trách nhiệm chuyện này”. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị sau giám sát này phải tạo ra chuyển biến căn bản, tập trung toàn lực trong thực hiện 3 CTMTQG, từ vấn đề công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp.

Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát

Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh, phải trả lời cho được các nội dung: Vì sao chính sách chậm, hướng dẫn chậm, phân bổ nguồn vốn chậm, vì sao nhiều văn bản, vì sao nó vướng mắc, vì sao giảm nghèo nhanh nhưng thiếu bền vững và nguy cơ tái nghèo cao? Điểm nghẽn là gì, tháo gỡ như thế nào? Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị ra sao? Vì sao không lồng ghép được, phân cấp, phân quyền thì không rõ, không triệt để? Hỗ trợ sản xuất không hiệu quả, đặc thù thì không ra đặc thù và mất tính chất của đặc thù... Đây là những vấn đề lớn mà chúng ta phải trả lời cho được qua Nghị quyết giám sát này và yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành./.

Bích Ngọc