NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI: HƯỚNG TỚI 10 NĂM LÀ ĐỦ ĐIỀU KIỆN HƯỞNG LƯƠNG HƯU
ĐỀ XUẤT NGHIÊN CỨU, ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG VỀ VIỆC BỔ SUNG MỘT SỐ NHÓM ĐỐI TƯỢNG THAM GIA BHXH BẮT BUỘC
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ 6 tới. Để chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc trình Quốc hội xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tiến hành cho ý kiến vào dự thảo Luật này. Theo đó, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có một số điểm mới như những vấn đề liên quan đến điều chỉnh việc thực hiện, giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội cho phụ nữ mang thai ở vùng khó khăn, lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, mức hưởng trợ cấp thai sản đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện…
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 25.
Liên quan đến vấn đề chính sách thai sản cho phụ nữ, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương khẳng định: Chính sách thai sản cho phụ nữ được quy định trong luật khá ưu việt cả về thời điểm, thời gian cũng như tỷ lệ hưởng. Tuy nhiên, diện bao phủ còn thấp, hiện nay mới chỉ khoảng trên 30% lực lượng lao động thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc mới được hưởng chế độ thai sản.
Hiện nay, chúng ta có nghị định trợ cấp tiền mặt một lần cho đối tượng phụ nữ nghèo sinh con ở vùng dân tộc thiểu số, sinh con đúng chính sách là 2 triệu đồng. Chế độ này được tính từ giai đoạn mức sống còn khá thấp và hệ số lương thời điểm đó là 1.150.000 đồng. Nếu như chúng ta áp dụng mức 2 triệu đồng trong luật cho tất cả các đối tượng như hiện nay thì chưa phù hợp với mức sống hiện nay, chưa đủ để thay thế thu nhập cho phụ nữ trong thời gian nghỉ thai sản. Chính vì vậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị nghiên cứu, đánh giá chính sách này để có thể bằng với mức tương đương, mức hưởng của đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nếu như chúng ta lấy mức hưởng của bảo hiểm xã hội bắt buộc là 3,6 triệu đồng cho 1 trẻ thì sẽ tương ứng thực hiện ở bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đối tượng này.
Đối với nhóm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, hiện nay, trong bảo hiểm xã hội bắt buộc có thực hiện cho cả người mang thai hộ cũng như người mẹ nhờ mang thai hộ, nhưng đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện thì chúng ta mới chỉ có một chế độ cho người mang thai hộ. Sau khi sinh con, giao, nhận đứa trẻ thì sẽ có những thời gian cần phải gắn bó với con, nuôi dưỡng con trong giai đoạn đầu tiên. Vì vậy, đề nghị mở thêm một đối tượng nữa là người mẹ nhờ mang thai hộ. Mặt khác, đối với lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì cũng nên được bổ sung quyền lợi về khám thai theo mức tối thiểu trong hướng dẫn Bộ Y tế hiện nay là mỗi phụ nữ mang thai phải được quản lý thai và khám phá ít nhất 4 lần trong thai kỳ.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương.
Về các quy định của bảo hiểm xã hội bắt buộc, bà Nguyễn Thị Minh Hương cho rằng, đối với người mẹ nhờ mang thai hộ, hiện chúng ta chưa có quy định về khoảng thời gian nghỉ bắt buộc từ thời điểm nhận con. Bởi đây là một quy định để bảo đảm cho trẻ nhỏ được người mẹ nhờ mang thai hộ chăm sóc trong thời gian rất quan trọng trong những tháng đầu tiên của cuộc đời. Vì vậy, cần có quy định rõ hơn.
Ngoài ra, việc thực hiện chính sách nghỉ việc của lao động nam trong khi vợ sinh con đang được để trong dự thảo Luật là 60 ngày. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị cân nhắc tăng khoảng thời gian này có thể lên đến 6 tháng để phù hợp với giai đoạn đầu tiên của một số công việc đặc thù. Ví dụ như những người phải đi làm ăn xa có được giai đoạn để về chăm sóc con. Mặc dù không tốt bằng 60 ngày đầu tiên, nhưng dù sao cũng tạo điều kiện cho họ có một khoảng thời gian để có trách nhiệm cùng vợ và gia đình chăm sóc con.
Đối với phần báo cáo đánh giá giới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị Chính phủ có đánh giá kỹ hơn tác động giới đối với chế độ thai sản để có những phương án chính sách toàn diện. Bởi vì hiện nay trong báo cáo đánh giá tác động giới cũng chưa đánh giá cụ thể các tác động về việc bổ sung trợ cấp thai sản trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện như là căn cứ để tính mức trợ cấp, đối tượng được hưởng trợ cấp. Ngoài ra, cũng thiếu các đánh giá về chính sách thai sản cho đối tượng là nam giới tham gia bảo hiểm xã hội.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.
Liên quan đến mức hưởng trợ cấp thai sản đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, ở Điều 101 dự thảo Luật quy định: "Lao động nữ khi sinh con thì lao động nam có vợ sinh con được hưởng 2 triệu đồng cho một con mới sinh". Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhận thấy, việc bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện là phù hợp với Nghị quyết 28 yêu cầu mở rộng các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Việc bổ sung này góp phần tăng tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội tự nguyện và thu hút người dân, đặc biệt là nhóm lao động trẻ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tuy nhiên, việc quy định mức tiền cụ thể là 2 triệu đồng vào trong dự thảo Luật thì cần cân nhắc để đảm bảo tính ổn định lâu dài của dự thảo Luật.
Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, tham khảo nhiều điều khác trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lấy tiêu chí thì nên cân nhắc việc quy định cụ thể mức 2 triệu đồng thay bằng việc quy định bằng bao nhiêu lần mức lương cơ sở thì sẽ phù hợp hơn. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm nội dung này.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Trước những ý kiến đóng góp, đề xuất của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo các Ban ngành về điều chỉnh thực hiện chế độ chính sách đối bảo hiểm xã hội cho phụ nữ mang thai, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định: Cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp, làm rõ hơn các đối tượng đã được đề xuất và có thể nghiên cứu các đối tượng khác có quan hệ lao động. Việc tiếp thu, nghiên cứu sẽ năng động, linh hoạt, trên cơ sở bám vào Bộ Luật Lao động, tiêu chí Bộ Luật Lao động đặt ra./.