CÂN NHẮC THẬN TRỌNG CÁC QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN CÁ NHÂN NGƯỜI NƯỚC NGOÀI ĐƯỢC MUA, SỞ HỮU NHÀ Ở TẠI VIỆT NAM
ĐBQH TRẦN CHÍ CƯỜNG: CÂN NHẮC THẬN TRỌNG QUY ĐỊNH NGƯỜI NƯỚC NGOÀI ĐƯỢC MUA , SỞ HỮU NHÀ Ở TẠI VIỆT NAM
Theo Luật Nhà ở 2014 đang áp dụng, người nước ngoài chỉ được sở hữu nhà tại Việt Nam qua mua, thuê mua, nhận tặng cho, thừa kế... và chỉ được mua nhà (căn hộ chung cư, nhà riêng lẻ) trong các dự án thương mại nhưng trừ khu vực an ninh, quốc phòng. Người nước ngoài được mua tối đa 30% số lượng căn hộ trong một tòa chung cư và không quá 10% số lượng biệt thự, nhà riêng lẻ trong dự án. Tuy nhiên quy định này theo nhiều đại biểu Quốc hội là chưa phù hợp dẫn đến tình trạng không ít người nước ngoài núp bóng cá nhân, tổ chức người Việt Nam thâu tóm nhiều đất đai ở các địa phương bởi theo số liệu Bộ Xây dựng cung cấp, lượng người nước ngoài mua, sở hữu nhà tại Việt Nam chỉ khoảng 3.000 căn, chủ yếu là chung cư, sau 9 năm luật có hiệu lực.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tại báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng đã tiếp thu và kiến nghị Chính phủ chỉnh sửa điều 21 Luật Nhà ở (sưả đổi) theo hướng người nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở có thời hạn (như luật hiện hành) nhưng không gắn với quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Chính phủ bổ sung quy định về gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với người nước ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ bổ sung quy định trường hợp người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam sau đó bán lại cho công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì người mua được hưởng các quyền và nghĩa vụ như công dân trong nước.
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng
Lý giải rõ hơn vấn đề, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, các tổ chức, cá nhân nước ngoài đã mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội (1.765), TP.HCM (850), Bắc Ninh (110), Bình Dương (210), Bà Rịa - Vũng Tàu (50)...Theo ông Hải, kể từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực cho đến nay, số lượng cá nhân, tổ chức nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể.
Theo quy định của Luật Nhà ở hiện hành, những đối tượng người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm: Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, luật cũng đề cập người nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua một trong các hình thức sau: Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan; Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
Theo quy định, người nước ngoài muốn mua nhà tại Việt Nam thì chỉ được mua nhà ở (bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh. Luật cũng quy định rõ người nước ngoài không được mua quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư, không quá 10% số lượng dự án (biệt thự hoặc nhà riêng lẻ) trong dự án đầu tư xây dựng hoặc không quá 250 căn trong một đơn vị hành chính phường. Còn theo Luật Đất đai 2013, người nước ngoài không thuộc đối tượng được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Do đó, người nước ngoài không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (hay gọi là mua đất) tại Việt Nam. Chỉnh sửa bổ sung như vậy đã đảm bảo đồng bộ giữa Luật nhà ở, Luật đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản đảm bảo quản lý chặt chẽ điều kiện ngừoi nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam, tránh lợi dung.
Dự thảo Luật Nhà ở(sửa đổi) sẽ luật hóa quy định về cưỡng chế, di dời, phá dỡ chung cư cũ, Nhà nước có trách nhiệm kiểm định chất lượng nhà chung cư thay vì người dân phải đóng góp kinh phí ( Ảnh minh hoạ)
Cũng tại lần kiến nghị hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở này, Bộ Xây dựng cũng đề xuất bổ sung một số quy định liên quan đến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây nhà ở xã hội, bổ sung quy định để khắc phục những tồn tại trong tranh chấp sử dụng quản lý chung cư và cải tạo nhà chung cư cũ
Về hoàn thiện hơn đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây nhà ở xã hội, Tiếp thu các ý kiến, Bộ Xây dựng sẽ sửa theo hướng quy định Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuộc nhóm được hỗ trợ thuê nhà ở xã hội. Bộ sẽ cùng Tổng Liên đoàn xác định nguồn vốn sử dụng để đầu tư xây dựng (vốn công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, hay vốn khác); chủ sở hữu của quỹ nhà ở xã hội này sẽ thuộc về ai, có phải sở hữu Nhà nước hay không...
Bộ Xây dựng cũng đề xuất Chính phủ bổ sung quy định để khắc phục những tồn tại trong tranh chấp sử dụng quản lý chung cư. Theo đó, kinh phí từ khai thác dịch vụ phần sở hữu chung sẽ được bổ sung vào kinh phí bảo trì; bỏ quy định sẽ ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước khi không đóng kinh phí bảo trì. Bên cạnh đó, bổ sung thêm một số quy định về giải quyết tranh chấp, như trường hợp chủ đầu tư nếu không xác định rõ diện tích chung, riêng trong hợp đồng thì các phần diện tích này được xác định theo luật, để bảo vệ cư dân, tránh tranh chấp khiếu kiện.
Về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, Bộ Xây dựng cho biết sẽ luật hóa quy định về cưỡng chế, di dời, phá dỡ chung cư cũ, Nhà nước có trách nhiệm kiểm định chất lượng nhà chung cư thay vì người dân phải đóng góp kinh phí. Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Chính phủ cho phép chủ đầu tư các dự án cải tạo chung cư cũ sau khi bố trí căn hộ tái định cư cho cư dân, thì được bán số căn hộ còn lại của dự án.
Dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự Luật Nhà ở (sửa đổi) tại phiên họp thứ 25 vào ngày 25/8.