Tham gia ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Đoàn ĐBQH Long An đánh giá rất cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết giao cho Ủy ban Kinh tế là cơ quan chủ trì thẩm tra nhưng cũng giao cho Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội chịu trách nhiệm về phần thẩm tra của mình.
Đại biểu cho rằng Nghị quyết số 18 của Trung ương ngày 16/6/2022 quy định rất cụ thể về quy chế, chế độ sử sử dụng đất, xây dựng công trình trên không, công trình ngầm ở mục 2.8. Nghị quyết đã nhấn mạnh là phải có công trình trên không, công trình ngầm. Cơ sở pháp lý để quy định về nội dung này đã sẵn có trong Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng. Đại biểu đề nghị dự thảo luật quy định về mặt nguyên tắc để làm cơ sở cho các văn bản dưới Luật (Nghị định, Thông tư hay các Luật khác) trong thời gian tới điều chỉnh thì quy định được ở trong đó để giải quyết những vướng mắc, khó khăn này, góp phần xây dựng đồng bộ kiến trúc, cảnh quan trong tương lai.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An
Về công trình ngầm, đại biểu cho rằng, việc xây dựng các công trình ngầm, tòa nhà thương mại kết hợp, đặc biệt là ga tàu điện ngầm, ga tàu điện đô thị là cần thiết để phát triển đô thị, đầu tư thu lợi nhuận kinh tế, giải quyết vấn đề giao thông. Đại biểu cho rằng, cần phải quy định thật rõ ràng, tường minh về nội dung này trong văn bản luật. Cụ thể, cần giải thích rõ ràng thế nào là công trình ngầm, công trình công cộng ngầm, công trình giao thông ngầm, công trình đầu tư kỹ thuật ngầm, phần ngầm của công trình xây dựng trên mặt đất, công trình đường dây cáp, đường ống kỹ thuật ngầm, hào. Nếu quy định được rõ như vậy trong Luật này thì sẽ giải quyết được nhiều viuwongs mắc, khó khăn liên quan.
Khoản 1 Điều 214 có quy định là đất xây dựng công trình ngầm bao gồm: đất xây dựng công trình trên mặt đất và phục vụ cho việc vận hành, khai thác, sử dụng công trình ngầm và không gian dưới lòng đất để xây dựng công trình trong lòng đất mà công trình này không phải là phần ngầm của công trình trên mặt đất. Đại biểu đề nghị xem xét, điều chỉnh lại khái niệm này về đất xây dựng công trình ngầm như quy định tại Khoản 1, Điều 214, làm thế nào để bảo đảm tính khoa học, chặt chẽ, phù hợp với các quy hoạch, pháp luật về quy hoạch xây dựng. Đại biểu cũng đề nghị chỉnh sửa lại quy định theo hướng đất xây dựng công trình ngầm gồm có cái gì (như lúc nãy tôi nói), sẽ bao quát được hết.
Khoản 2 Điều 214 quy định có 6 yêu cầu sử dụng đất của công trình ngầm phải đảm bảo. Đại biểu cho rằng quy định như vậy cơ bản hợp lý, tuy nhiên cần bổ sung yêu cầu phù hợp với quy hoạch không gian ngầm tại Điểm c, khoản 4 điều này.
Trên cơ sở chỉnh lý khái niệm về đất xây dựng công trình ngầm, đại biểu cho rằng cần tiếp tục rà soát, cụ thể hóa quy định này để bảo đảm không tạo điểm nghẽn với công trình ngầm theo tuyến, các công trình giao thông ngầm như là đường sắt đô thị.
Điểm b khoản 6 Điều 214 dự thảo luật quy định "chủ đầu tư dự án xây dựng công trình ngầm thì được chứng nhận quyền sở hữu đối với công trình ngầm dưới mặt đất và được thực hiện cái quyền của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật dân sự" nội dung này có thể tác động nhiều đến khai thác không gian công cộng. Vì quy trình đầu tư xây dựng hiện hành liên quan đến quyền sử dụng đất đang có thì còn chưa chặt chẽ. Vì vậy, đại biểu kiến nghị cần cân nhắc, chỉ cấp giấy phép chứng nhận cho các công trình công cộng ngầm và công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, khác thì tôi nghĩ đã có pháp luật khác quy định.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Phi Thường - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nhấn mạnh, dự thảo Luật đã nhận được 12 triệu lượt ý kiến tham gia đóng góp ý kiến, thể hiện sự quan tâm, kỳ vọng rất lớn của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Dự thảo Luật được đánh giá cao và đã tiếp thu, làm rõ, xử lý khá nhiều vấn đề vướng mắc, tồn tại để thể chế hóa Nghị quyết 18 của Trung ương.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội
Về hành lang pháp lý để phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng TOD, đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị nghiên cứu, xem xét bổ sung, làm rõ khái niệm chỉnh trang đô thị cũng như khái niệm tái điều chỉnh đất và tái phát triển đô thị và nội dung quy định tại Điều 3 của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, nghiên cứu bổ sung một số nội dung liên quan đến chính sách, quan điểm, định hướng quy định về tái điều chỉnh đất, tái phát triển đô thị theo xu thế thực tiễn các nước phát triển đã triển khai và Điều 198 của dự thảo Luật.
Về quản lý, khai thác và sử dụng đất không gian ngầm, đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị bổ sung thêm một số nội dung liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng đất không gian ngầm và Điều 214 của dự thảo luật để giải quyết những bất cập của vấn đề này. Đồng thời cần quan tâm làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến thu hồi phải có mặt bằng xây dựng công trình ngầm, quyền sử dụng đất công trình ngầm nằm đan xen với phần ngầm công trình trên mặt đất, quy định về tài chính đối xử đất công trình ngầm; việc xác định không gian sử dụng đất theo chiều sâu; quyền, nghĩa vụ người sử dụng các công trình ngầm; chế độ sử dụng đất đối với các loại công trình ngầm; cơ chế, chính sách huy động khu vực tư nhân tham gia vào đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng công trình ngầm.
Liên quan đến vấn đề tách công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư thành dự án độc lập, đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị cụ thể hóa nội dung quy định tại Điều 92 của dự thảo Luật, trong đó cần lưu ý các vấn đề: cụ thể hóa các trường hợp được tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án riêng và theo hướng mở để người quyết định đầu tư xem xét, quyết định cơ cấu, thành phần hồ sơ dự án này, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt cũng như vai trò, trách nhiệm của cơ quan chuyên môn trong quá trình thẩm định, phê duyệt dự án này. Đồng thời cần bổ sung đưa vào mục 5 Chương 7 trong dự thảo Luật một điều quy định về quy hoạch, kế hoạch tái định cư, gắn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trung hạn và hàng năm.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Phi Thường cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung chính sách để triển khai thực hiện đầu tư trước, dự án xây dựng khu tái định cư theo hướng tổng thể, không nên triển khai, chỉ sử dụng dành riêng cho một dự án cụ thể mà cần tạo lập quỹ đất tái định cư mang tính tập trung, đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật xã hội phục vụ tái định cư cho nhiều dự án trong cùng một khu vực, trong đó ngoài việc bố trí quỹ đất tái định cư phục vụ cho dự án đầu tư công mà còn tính đến việc Nhà nước bán lại một số chỗ tái đầu tư đã hình thành cho các nhà đầu tư phục vụ tái định cư cho người dân để thực hiện các dự án theo hình thức xã hội hóa.