SỬA ĐỔI LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI - NHIỀU ĐỔI MỚI NHẰM ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI NGƯỜI LAO ĐỘNG

01/09/2023

Hiện nay, cả nước có khoảng 8-9 triệu người không có lương hưu, trợ cấp hằng tháng. Làm sao để trong lần sửa đổi Luật bảo hiểm lần này có thể giúp thúc đẩy, mở rộng đối tượng tham gia cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động khi doanh nghiệp. Đây là nội dung được các đại biểu tập trung cho ý kiến tại Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi do Uỷ ban Xã hội của Quốc hội tổ chức chiều 31/08, tại Đà Nẵng. Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh chủ trì hội thảo.

KẾT LUẬN CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ DỰ ÁN LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI)

Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh chủ trì Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi

Lần sửa đổi này tập trung vào 5 chính sách lớn nhằm xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) đa tầng, linh hoạt; Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, đối tượng thụ hưởng BHXH; Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; Đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững.

Hiện nay, cả nước có khoảng 3,3 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng; 2,066 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp hằng tháng; khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu; 8-9 triệu người không có lương hưu, trợ cấp hằng tháng. Đây chính là khoảng trống chính sách cần được quan tâm. Nhằm thúc đẩy, mở rộng đối tượng thụ hưởng, trong lần sửa đổi Luật BHXH này có nhiều điểm mới.

Toàn cảnh hội thảo

Dự kiến công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khác thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo (thay vì 80 tuổi như trước đây). Đối với sự thay đổi này, dự kiến sẽ có thêm khoảng 800.000 người được hưởng BHXH. Đồng thời bổ sung quy định liên kết tầng. Tức người lao động đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng. Đối với người lao động có thời gian đóng dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ cao hơn, không thay đổi so với hiện hành.

Đồng thời, các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến bổ sung vào quy định nhằm hạn chế và xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Một số ý kiến đề xuất cần làm rõ các khái niệm như: hành vi chiếm dụng là gì? Hành vi cản trở gây khó khăn là như thế nào? Không đóng bao lâu thì được xác nhận là “nợ bảo hiểm xã hội”? …. từ đó làm cơ sở để các cơ quan pháp luật xử lý hình sự hoặc dân sự đối với các vụ việc chậm đóng, trốn đóng, đóng không đúng mức. Bên cạnh đó cũng cần chú ý đến trường hợp người lao động làm những công việc được trả công theo giờ, hoặc các doanh nghiệp tuyên bố phá sản, không trả nợ bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Về thực trạng rút BHXH 1 lần, thống kê cho thấy giai đoạn 2016 – 2022 có gần 5 triệu lượt người hưởng, tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 12,3% (tốc độ tăng đối tượng tham gia chỉ từ 5-6%). Trong đó 67% có dưới 5 năm đóng BHXH, gần 10% là người đã đóng hơn 10 năm. Tại hội thảo, cũng có những cá nhân tham gia đã rút BHXH 1 lần sau đại dịch COVID-19. Chia sẻ quan điểm với Uỷ ban Xã hội, có khá nhiều lý do để người lao động rút BHXH một lần như: dịch bệnh gây tâm lý lo ngại không biết tương lai thế nào; khó khăn sau đại dịch COVID-19; gia đình gặp vấn đề cần phải rút BHXH 1 lần để xử lý…. Do đó, những nét mới trong lần sửa đổi này được đánh giá là phù hợp để người lao động tham gia BHXH thuận lợi hơn./.

Mỹ Phượng