LỰA CHỌN VẤN ĐỀ GIẢI TRÌNH TẠI PHIÊN HỌP CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC, ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI CẦN ĐẢM BẢO CÁC TIÊU CHÍ CỤ THỂ

05/09/2023

Để tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động giải trình tại Phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, việc lựa chọn vấn đề giải trình, người tham gia giải trình là nội dung quan trọng, cần đảm bảo lựa chọn trên một số tiêu chí cụ thể.

PHÁT HUY VAI TRÒ CHUYÊN GIA, NHÀ KHOA HỌC TRONG HOẠT ĐỘNG GIẢI TRÌNH TẠI CÁC CƠ QUAN CỦA QUỐC HỘI 

"GIẢI TRÌNH" – PHƯƠNG THỨC THỰC HIỆN QUYỀN LỰC CỦA NHÂN DÂN TRONG “KIỂM SOÁT” HOẠT ĐỘNG BỘ MÁY NHÀ NƯỚC 

PGS. TS ĐINH XUÂN THẢO: TĂNG CƯỜNG ĐỐI THOẠI, TRANH LUẬN TRONG HOẠT ĐỘNG GIẢI TRÌNH 

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người

 

Việc tổ chức các phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc , Ủy ban của Quốc hội ngày càng được chú trọng

Thực hiện quy định tại Điều 82 Luật Tổ chức Quốc hội và Điều 43 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, việc tổ chức các phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc , Ủy ban của Quốc hội ngày càng được chú trọng và trở thành một trong những công cụ quan trọng trong hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc , Ủy ban của Quốc hội.

Qua tổ chức các phiên giải trình, nhiều vấn đề nóng, bức xúc, được dư luận xã hội quan tâm đã được các bộ, ngành báo cáo, giải trình, làm rõ về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Từ đó, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước; nâng cao trách nhiệm của bộ, ngành trong thực thi pháp luật, trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình; đồng thời góp phần giải tỏa những vấn đề nóng, bức xúc trong xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Tuân thủ nguyên tắc chung của hoạt động giám sát

Bên cạnh đó, tuy đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng để tiếp tục  phát huy hiệu quả hình thức tổ chức hoạt động giải trình này tại các cơ quan của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, việc lựa chọn vấn đề giải trình, người tham gia giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc , Ủy ban của Quốc hội là nội dung quan trọng, cần đảm bảo lựa chọn trên một số tiêu chí cụ thể.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động giải trình tại Phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, việc lựa chọn vấn đề giải trình, người tham gia giải trình là nội dung quan trọng, cần đảm bảo lựa chọn trên một số tiêu chí cụ thể

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nêu rõ, hoạt động giải trình là một trong các hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc , Ủy ban của Quốc hội, nên về nguyên tắc, hoạt động này cũng phải tuân thủ các nguyên tắc chung của hoạt động giám sát, đó là: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; Bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả; Không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.

Là vấn đề có tính thời sự, đòi hỏi phải giải quyết kịp thời

Bên cạnh đó, đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì có hoạt động chất vấn, có nhiều tính chất, đặc điểm tương tự như hoạt động giải trình. Đối với hoạt động chất vấn thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 hướng dẫn tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn. Đây cũng là những căn cứ rất quan trọng để Hội đồng Dân tộc , Ủy ban của Quốc hội tham khảo trong lựa chọn vấn đề giải trình. Trên thực tế, những vấn đề được lựa chọn giải trình thường là những vấn đề có tính chất như sau:

Đầu tiên, phải đảm bảo đó là vấn đề cụ thể, có tính thời sự, bức xúc nổi lên trong thực tiễn đời sống xã hội, đòi hỏi phải giải quyết kịp thời để bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và những vấn đề này phải thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước hoặc trách nhiệm giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước, của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Kiểm toán Nhà nước.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường, để xác định được các vấn đề có tính thời sự, bức xúc nổi lên trong thực tiễn đời sống xã hội, thì cần phải căn cứ vào nhiều nguồn thông tin khác nhau để lựa chọn cho chính xác, sát thực tế, như: thông tin từ các báo cáo của các cơ quan Nhà nước hữu quan; từ kết quả giám sát, khảo sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc , Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; từ ý kiến, kiến nghị của cử tri; từ kết quả điều tra xã hội học; từ thông tin báo chí; từ đánh giá của các tổ chức quốc tế có uy tín ...

Ví dụ, trong giai đoạn báo chí đăng tải rất nhiều vụ việc dâm ô, hiếp dâm trẻ em, xâm hại trẻ em; tình hình tai nạn giao thông gây bức xúc trong dư luận, Ủy ban Tư pháp đã tổ chức phiên giải trình về việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông.

Tránh sự trùng lắp, đảm bảo thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội Đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội

Bên cạnh đó, việc lựa chọn vấn đề giải trình còn phải đảm bảo nội dung được chọn là vấn đề chưa được giải trình, chưa được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội làm rõ trong các kết luận chất vấn, giám sát trong thời gian gần với thời điểm yêu cầu giải trình (Nếu những vấn đề này tiếp tục được yêu cầu giải trình thì sẽ dẫn đến sự trùng lắp, không hiệu quả, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát).

Đồng thời, cần đảm bảo đó là vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội Đồng dân tộc hoặc Ủy ban yêu cầu giải trình. Trường hợp vấn đề đó liên quan tới lĩnh vực phụ trách của nhiều Ủy ban thì các Ủy ban có thể phối hợp với nhau để tổ chức giải trình, như phiên giải trình về việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em do Ủy ban Tư pháp phối hợp với Ủy ban Văn hóa, giáo dục tổ chức. Cũng có trường hợp vấn đề có liên quan tới lĩnh vực phụ trách của nhiều Ủy ban, nhưng Ủy ban Tư pháp chỉ lựa chọn phần vấn đề có liên quan trực tiếp tới phạm vi phụ trách của mình để yêu cầu giải trình, ví dụ như: tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý đảm bảo là vấn đề phù hợp với 01 phiên giải trình thường diễn ra trong khoảng thời gian ½ hoặc 01 ngày. Bởi nếu chọn vấn đề quá rộng lớn mà chỉ tổ chức 01 phiên giải trình, thì giải trình sẽ không sâu và không hiệu quả; còn vấn đề quá hẹp, quá nhỏ thì có thể gây lãng phí thời gian, công sức để tổ chức 01 phiên giải trình.

Người giải trình phải là người có thẩm quyền quản lý Nhà nước trực tiếp hoặc có chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm giải quyết đối với vấn đề được yêu cầu giải trình

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc báo cáo tại Phiên giải trình về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người của Ủy ban Tư pháp

Về lựa chọn người giải trình và người tham gia giải trình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, người được yêu cầu giải trình là người đã được Luật định, đó là thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Trong số những người này, cần phải lựa chọn người phải giải trình là người có thẩm quyền quản lý Nhà nước trực tiếp hoặc có chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm giải quyết đối với vấn đề được yêu cầu giải trình.

Người tham gia giải trình cũng do Luật quy định được mời cá nhân có liên quan tham gia giải trình mà không giới hạn là những cá nhân nào, nên Hội đồng Dân tộc , Ủy ban của Quốc hội căn cứ vào nội dung vấn đề được giải trình, có thể mời cá nhân, đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan tới vấn đề giải trình tham dự, như: Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân địa phương, đại diện tổ chức, doanh nghiệp, công dân … Người tham gia giải trình cũng có thể là các bộ trưởng, trưởng ngành không quản lý nhà nước trực tiếp đối với vấn đề giải trình nhưng có liên quan tới vấn đề này./.

Thu Phương

Các bài viết khác