CHỦ TỊCH LIÊN MINH NGHỊ VIỆN THẾ GIỚI DUARTE PACHECO: ĐOÀN KẾT, CỦNG CỐ VAI TRÒ NGHỊ SĨ TRẺ TOÀN CẦU ĐỂ GIẢI QUYẾT NHỮNG THÁCH THỨC MỚI
Ông Duarte Pacheco, Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới
Phóng viên: Thưa ông Duarte Pacheco, Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới, sau 2 ngày diễn ra Hội nghị, ông đánh giá như thế nào về chủ đề cũng như những đóng góp của Nghị sỹ trẻ trong các phiên thảo luận?
Ông Duarte Pacheco, Chủ tịch Liên minh nghị viện thế giới: Với Hội nghị lần này, Quốc hội các bạn cũng lựa chọn một chủ đề đặc biệt thời sự và bức thiết. Trong bối cảnh các mục tiêu SDGs đang dần đi chệch hướng do dịch bệnh, chiến tranh và nhiều thách thức khác, việc đưa ra chủ đề về thúc đẩy thực hiện các SDGs gắn với vai trò của giới trẻ thông qua chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo có ý nghĩa gợi mở ra nhiều hướng đi cho các cơ quan ra quyết định trong việc áp dụng số hóa và khoa học công nghệ cho một tương lai bền vững; đồng thời phát đi một cam kết mạnh mẽ của giới trẻ của những nhà lãnh đạo trẻ trong thực hiện những mục tiêu này. Do đó, bất chấp tiến độ thực hiện các SDGs đang có độ trễ và chệch hướng khá nhiều, thông qua Hội nghị, một lần nữa chúng ta thấy rõ rằng, đây là thời điểm phải đoàn kết, cùng nhau hành động hướng tới thành công chung của Chương trình Nghị sự vì sự phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp Quốc.
Mọi điều kiện từ khâu hậu cần đến nội dung đều rất quan trọng để bảo đảm cho thành công cũng như kết quả cụ thể của Hội nghị. Và các bạn đã làm rất tuyệt vời để chúng ta có 2 ngày hội nghị thành công đến vậy. Hơn 500 nghị sĩ, đại biểu đến từ khắp nơi trên thế giới đã đồng hành, sát cánh, cam kết chung tay để giải quyết những vấn đề của nhân loại. Chỉ cần chúng ta thống nhất cùng hành động vì mục tiêu phát triển bền vững thì điều đó là có thể. Tại các phiên thảo luận, tôi vui mừng nhận thấy sự đa dạng của các ý tưởng về thúc đẩy chuyển đổi số, như số hóa kỹ thuật số, đổi mới sáng tạo... để đạt được SDGs.
Qua 2 ngày thảo luận cũng cho tôi cảm nhận rõ hơn sự năng động, cởi mở, nhiệt huyết của các đại biểu, đúng với tinh thần của tuổi trẻ. Nếu ai đó có thể thay đổi thế giới thì đó chính là giới trẻ. Chính vì lẽ đó, tôi có thể khẳng định rằng, mọi công tác tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 lần này đều hoàn hảo. Tất cả chúng ta đã có một cuộc gặp ý nghĩa, hữu ích và nhiều kỷ niệm đẹp.
Phóng viên: Thưa ông, cách đây 8 năm, tại Đại hội đồng IPU 132 đã ra Tuyên bố Hà Nội và đến nay, IPU và các nghị sĩ trẻ một lần nữa đã thông qua Tuyên bố Hội nghị về thúc đẩy thực hiện các SDGs thông qua chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Quốc hội Việt Nam đã cam kết tại IPU từ IPU 132?
Ông Duarte Pacheco, Chủ tịch Liên minh nghị viện thế giới: Tuyên bố Hội nghị về thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững thông qua đã thể hiện cam kết và mục tiêu hành động cụ thể của tất cả các nghị sĩ trẻ để thực hiện ở chính quốc gia mình. Và đây là cơ sở để Liên minh nghị viện thế giới IPU dõi theo được sát sao quá trình triển khai Tuyên bố này.
Các Nghị sỹ trẻ đến thể hiện cam kết cùng với các nghị viện thành viên nhất trí hành động, đồng hành cùng Liên Hợp Quốc trong thực hiện các SDGs
Tôi đánh giá rất cao cam kết của Quốc hội Việt Nam, sự tham gia đầy đủ, trách nhiệm và những đóng góp thực chất, hiệu quả của Việt Nam cho các chương trình nghị sự của IPU, thể hiện Việt Nam hiểu rất rõ mong muốn sẽ làm gì, đóng góp gì cho thế giới và khu vực. Ngay từ Tuyên bố Hà Nội cách đây gần một thập kỷ, Quốc hội Việt Nam đã chứng tỏ trách nhiệm của mình khi cùng với các nghị viện thành viên nhất trí cam kết hành động, đồng hành cùng Liên Hợp Quốc trong thực hiện các SDGs. Hội nghị lần này một lần nữa cho thấy tinh thần và cam kết đó của Quốc hội Việt Nam.
Như tôi đã đề cập ở trên, chủ đề của Hội nghị đặc biệt sát sườn với những khó khăn mà các tiến trình đạt được các SDGs đang phải đối mặt. Cách đây 8 năm, IPU lần đầu tiên có một Tuyên bố Hà Nội. Và giờ đây, chúng ta lần đầu tiên có một Tuyên bố của Hội nghị Nghị sĩ trẻ của IPU cam kết về những hành động của nghị sĩ trẻ ở trung tâm của tiến trình hiện thực hóa các SDGs. Tuyên bố đưa ra đúng thời điểm khi chúng ta đang phải nhanh chóng hơn, nỗ lực gấp nhiều lần hơn nữa và đoàn kết để đạt nhiều mục tiêu nhất có thể cho Chương trình nghị sự 2030.
Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, đều nhận thức rõ về việc cần dành sự quan tâm thực chất, đầu tư cho vấn đề bảo vệ môi trường. Nếu vẫn chỉ lặp lại những hành động đã từng làm trong quá khứ, thì chúng ta không thể đạt được những kết quả khác và tốt hơn. Nhưng nếu hành động khác đi, chúng ta có thể có cơ hội đi đến tương lai bền vững hơn cho nền kinh tế và sự ổn định cho xã hội, người dân. Theo đó, người dân không chỉ được thụ hưởng thành quả về mặt kinh tế mà còn là một cuộc sống ngày càng vững chắc và ổn định hơn. Đấy mới là những thành tựu thực sự mà chúng ta cần đạt được.
Trong tiến trình để đạt được các mục tiêu SDGs, chuyển đổi số, công nghệ và đổi mới sáng tạo là những yếu tố hết sức quan trọng. Bất kể mục tiêu nào của SDGs đều cần đến các yếu tố này: từ xóa đói, giảm nghèo, giáo dục, y tế đến chống biến đổi khí hậu. Các nghị sĩ trẻ đã rất quen thuộc với thế giới số hóa hiện nay. Do đó, những điều mà các nghị sĩ trẻ thảo luận tại Hội nghị, như chúng ta đã làm gì, sẽ làm gì, và cần thay đổi điều gì, nên đổi mới sáng tạo theo hướng nào để các nghị viện mang lại sự tham gia thực chất của giới trẻ trong hoạt động chính trị và trong các nghị viện… đều là những kết quả thiết thực và ý nghĩa cho các SDGs.
Lãnh đạo Quốc hội Việt Nam và lãnh đạo Liên minh Nghị viện thế giới IPU dự bế mạc Hội nghị
Phóng viên: Xin ông cho biết cảm nhận của mình về Việt Nam nói chung, Quốc hội Việt Nam nói riêng với những đóng góp, từ công tác chuẩn bị đến những mục tiêu cam kết và hành động cụ thể tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần này?
Ông Duarte Pacheco, Chủ tịch Liên minh nghị viện thế giới: Quốc hội Việt Nam được đánh gía là có kinh nghiệm tuyệt vời trong tổ chức các sự kiện đa phương, minh chứng từ Đại hội đồng IPU 132 năm 2015 và tiếp theo là sự kiện này. Đặt chân đến Việt Nam, tôi thực sự ấn tượng khi chứng kiến các bạn hoàn thiện những khâu cuối cùng cho công tác chuẩn bị hội nghị, tôi biết Chủ tịch Quốc hội của các bạn đã sâu sát từng bước trong mọi khâu chuẩn bị cho cuộc hội ngộ của chúng ta lần này. Sự sâu sát đó không chỉ đơn thuần là kiểm tra, giám sát mà quan trọng hơn là "cam kết chính trị" sâu sắc của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam để Hội nghị đạt được các mục tiêu thực chất nhất
Quả đúng như vậy, Hội nghị đã đạt được kết quả rất tích cực. Bên cạnh đó, chúng tôi còn nhận được sự ủng hộ của nhiều nghị sĩ trên thế giới. Hơn 300 đại biểu quốc tế, hơn 200 đại biểu Việt Nam. Chưa một kỳ Hội nghị nào ghi nhận con số kỷ lục như vậy để cùng nhau thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, để có thể học hỏi lẫn nhau.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Hội nghị
Tôi đánh giá rất cao khi chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã đưa ra một đề xuất, Quốc hội Việt Nam tiếp tục tổ chức Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới. Đây là một Hội nghị vô cùng quan trọng, diễn ra 5 năm một lần, với sự tham dự của khoảng 80 Chủ tịch Quốc hội đến từ 5 châu lục. Qua cuộc trò chuyện với các vị lãnh đạo của Quốc hội Việt Nam, luôn cho tôi cảm nhận về Việt Nam, một quốc gia ưa chuộng hoà bình, thân thiện mến khách. Điều đó đã giúp vị thế của Việt Nam ngày càng nâng cao trên trường quốc tế.
Điều cuối cùng tôi muốn nói, Quốc hội Việt Nam là một “tấm gương” trong những nỗ lực này. Hãy nhìn vào con số nghị sĩ trẻ trong Quốc hội của các bạn - chiếm tới ¼ tổng số đại biểu Quốc hội đã đủ minh chứng cho điều này. Quốc hội Việt Nam đã và đang thực sự hành động để trao quyền cho thanh niên, cho nghị sĩ trẻ đúng như tinh thần của IPU đang thúc đẩy: “Chúng tôi nói có với thanh niên trong nghị viện”
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!