TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

22/09/2023

Sáng ngày 22/9, tại Kỳ họp chuyên đề HĐND TP. Hà Nội Khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về các biện pháp tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn. Theo đó, HĐND thành phố Hà Nội sẽ tăng cường vai trò giám sát của HĐND các cấp, đề cao vai trò người đứng đầu trong công tác phòng cháy chữa cháy.

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HÀ NỘI TIẾP XÚC CỬ TRI CHUYÊN ĐỀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY

GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY: LÀM RÕ TRÁCH NHIỆM TRONG CÔNG TÁC PHỐI HỢP CỦA TỪNG BỘ NGÀNH

Bảo đảm phòng cháy, chữa cháy hiệu quả, thực chất

Trước diễn biến phức tạp của tình hình cháy, nổ, đặc biệt là vụ cháy gần nhất xảy ra trên địa bàn quận Thanh Xuân, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới.

Toàn cảnh Hội nghị của thành uỷ Hà Nội quán triệt về phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn

Theo chỉ thị số 25, do tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhất là cháy, nổ tại các khu dân cư, hộ gia đình, chung cư, nhà cao tầng, khu nhà trọ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở hoạt động vui chơi giải trí, karaoke, vũ trường, chợ, cụm điểm làng nghề truyền thống, khu, cụm công nghiệp... đặc biệt, vụ cháy xảy ra đối với nhà ở nhiều căn hộ tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng và rất đáng tiếc, gây hậu quả, thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đời sống của người dân.

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do tốc độ đô thị hóa, tăng dân số nhanh, nhưng hạ tầng, trang thiết bị về PCCC được đầu tư, song chưa đáp ứng so với yêu cầu thực tế; quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực chưa coi trọng đến công tác PCCC và CNCH; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý nhà nước của chính quyền địa phương ở một số nơi về PCCC và CNCH có lúc, có nơi còn buông lỏng, thiếu chặt chẽ, đồng bộ, công tác tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều yếu kém, còn phó mặc cho các lực lượng chuyên trách; công tác quản lý trật tự xây dựng có nơi chưa tốt, vi phạm trật tự xây dựng không phép, sai phép còn xảy ra…; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, nhiều nơi làm “qua loa, chiếu lệ”, chưa quan tâm phân tích nguyên nhân các vụ cháy để rút kinh nghiệm, chỉ rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm khắc để phòng ngừa sai phạm; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe; một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức, ý thức được tầm quan trọng đối với công tác phòng, chống cháy, nổ, phòng ngừa, ứng phó sự cố, tai nạn, còn chủ quan; kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH còn hạn chế.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội 

Điều này, đặt ra yêu cầu cấp bách trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, điều hành, đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện từ công tác quy hoạch, cấp phép xây dựng công trình, nghiệm thu đưa vào sử dụng và kiểm tra, thanh tra, giám sát về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ, đồng thời, để hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ cháy, nổ xảy ra; đảm bảo an toàn tính mạng về người và tài sản của nhân dân, của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, theo chỉ thị này, Đảng đoàn HĐND thành phố có trách nhiệm lãnh đạo việc cụ thể hóa các chỉ đạo của Thành ủy để ban hành các nghị quyết của HĐND thành phố về các biện pháp, cơ chế, chính sách, dành nguồn lực đảm bảo công tác PCCC và CNCH của thành phố theo thẩm quyền; tiếp tục tăng cường giám sát việc chấp hành pháp luật và chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, Nghị quyết của HĐND thành phố về công tác PCCC và CNCH. Bên cạnh các cơ chế, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã có nhiều đợt giám sát, chất vấn, tiếp xúc cử tri chuyên đề về công tác PCCC. Tuy nhiên, vẫn còn vụ việc đáng tiếc xảy ra. Do đó, tại kỳ họp chuyên đề 13 HĐND đã xem xét  ban hành Nghị quyết nhằm tăng cường mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa các biện pháp PCCC trên địa bàn thành phố trong tình hình mới.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn nêu rõ, trong Nghị quyết về các biện pháp tăng cường công tác PCCC, CNCH trên địa bàn thành phố được HĐND thành phố thông qua có đánh giá kỹ về kết quả, đặc biệt là những hạn chế trong công tác PCCC trên địa bàn thành phố, đồng thời, đề ra 9 nhóm biện pháp chủ yếu, với 32 nhiệm vụ, chỉ tiêu, yêu cầu cụ thể gắn với tiến độ thời gian từ nay đến cuối năm 2023 và đến năm 2025, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục, xử lý khi sự cố cháy nổ xảy ra đối với các loại hình có nguy cơ cao như nhà ở nhiều căn hộ, cụm công nghiệp làng nghề, trung tâm thương mại…

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ năng cứu hộ, thoát nạn, để mọi tầng lớp nhân dân tiếp tục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cháy nổ, sự cố tai nạn, cùng chung tay với chính quyền thành phố ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra cháy, nổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô Hà Nội.

Toàn cảnh Kỳ họp chuyên đề 13 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội 

Xây dựng phong trào toàn dân Phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn

Xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC và CNCH là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, cần thiết, hằng ngày. Các sở, ban, ngành thành phố, chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm của mình trong quản lý nhà nước về PCCC theo quy định của pháp luật. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục hoàn thiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về PCCC và CNCH, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nghị quyết, chương trình, kế hoạch, chỉ thị và các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố về thực hiện công tác PCCC, CNCH trên địa bàn thành phố. Đổi mới tư duy, nhận thức, phương pháp, cách tiếp cận và tổ chức thực hiện trong công tác PCCC và CNCH phù hợp với yêu cầu tình hình mới hiện nay.

\

Hà Nội sẽ đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân Phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn (Ảnh minh hoạ)

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC, CNCH với nội dung, hình thức, phương pháp đa dạng, thiết thực, hiệu quả. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC, CNCH chuyên sâu, dễ hiểu, dễ tiếp thu, bằng các giải pháp cụ thể tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân đối với công tác PCCC, CNCH. Trong giai đoạn này, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo an toàn PCCC đến các hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp kinh doanh, sản xuất và các cơ sở trên địa bàn về biện pháp thoát nạn, phòng ngừa cháy, nổ; cảnh báo những nguy cơ gây cháy, nổ; thường xuyên tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC, CNCH để chủ động phát hiện và loại trừ những nguy cơ dẫn đến cháy, nổ, sự cố, tai nạn (đặc biệt việc quản lý, sử dụng hệ thống, thiết bị điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt...); Tăng cường xây dựng phong trào và nhân rộng các mô hình bảo đảm an toàn về PCCC, CNCH tại các khu dân cư, hộ gia đình, các địa bàn, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Thực hiện nghiêm túc phương châm "4 tại chỗ" ; Kiện toàn củng cố về nhân lực, nguồn lực, cơ sở vật chất, chế độ chính sách cho các lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở, lực lượng phương tiện, phương án và các điều kiện để ứng phó kịp thời khi có cháy, nổ, sự cố tai nạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC, CNCH, nhất là các đối tượng nguy cơ cháy, nổ cao; xử lý dứt điểm các công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy được đưa vào hoạt động trước khi Luật PCCC có hiệu lực thực hiện theo Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND của HĐND thành phố; các công trình vi phạm về trật tự xây dựng, chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định nhưng đã đưa vào hoạt động trên địa bàn thành phố…

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Thành phố Hà Nội sẽ tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác PCCC, CNCH; trong đó, tập trung các nguồn lực để xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về PCCC, CNCH (giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc, hệ thống cảnh báo sự cố, tai nạn...); Chú trọng nghiên cứu, xây dựng chiến lược, kế hoạch, phương án PCCC, CNCH, nhất là tại các địa bàn, công trình trọng điểm quốc gia, khu đô thị, khu nhà ở, khu công nghiệp, khu thương mại có nguy cơ cháy, nổ cao, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng..;Tiếp tục nghiên cứu, có chế độ chính sách thiết thực để động viên cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ bảo đảm PCCC, CNCH; Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ chữa cháy và CNCH hiện đại, phù hợp với tình hình, sự phát triển của đất nước. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động PCCC, CNCH; Khuyến khích xã hội hóa đầu tư cho hoạt động PCCC, CNCH. Huy động mọi nguồn lực hợp pháp (trong đó có hợp tác công tư, xã hội hóa) để mua sắm trang thiết bị PCCC, CNCH.

Để Nghị quyết vào cuộc sống, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp thành phố. Cơ quan, doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của HĐND các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân trong công tác PCCC. 

Hải Yến