Được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 lựa chọn xác định chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Tham gia đóng góp tham luận tại diễn đàn, PGS.TS Bùi Văn Huyền, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh bày tỏ quan tâm đến vấn đề hoàn thiện thể chế ở Việt Nam, từ tính đồng bộ trong quản trị quốc gia, doanh nghiệp, địa phương.
Theo đó, PGS.TS Bùi Văn Huyền cho rằng, hiện nay còn có sự thiếu đồng bộ giữa thể chế trong nước với các thể chế quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tính không đồng bộ giữa thể chế trong nước và nước ngoài cũng như tổ chức thực thi các cam kết quốc tế. Ví dụ trường hợp thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường hướng tới thực hiện cam kết phát thải ròng bằng không, vấn đề phân loại rác thải, túi nhựa và sản phẩm nhựa giá rẻ còn rất nhiều hạn chế. Các thể chế điều chỉnh lĩnh vực này chưa giải quyết được những bất cập đang tồn tại. Hàng dệt may không vào được các thị trường do không đáp ứng được tiêu chuẩn nhà máy xanh, hoặc nếu vào được thì khó có khả năng cạnh tranh do sẽ phải chịu các loại thuế liên quan đến bảo vệ môi trường như thuế các bon. Việc thực hiện các cam kết IUU về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp được triển khai chưa hiệu quả nên chưa tận dụng được lợi thế của Việt Nam khi tham gia vào thị trường EU theo các cam kết đã ký kết giữa Việt Nam và EU.
PGS.TS Bùi Văn Huyền, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho rằng, còn thiếu đồng bộ giữa ban hành thể chế và tổ chức thực thi. Như đã đề cập ở trên, do đặc điểm luật khung, luật nguyên tắc trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam nên việc ban hành luật và ban hành các quy định hướng dẫn thực hiện gặp phải vấn đề về độ trễ. Luật đã có hiệu lực nhưng phải chờ, không được thi hành vì chưa có văn bản quy định, hướng dẫn chi tiết. Các văn bản hướng dẫn thi hành thường được ban hành chậm, không đồng bộ, có trường hợp thời gian đưa luật vào thực thi phải mất hàng năm sau khi luật, pháp lệnh có hiệu lực.
Nhiều bộ luật, đạo luật thiếu cơ chế tổ chức thực hiện về tổ chức, nhân sự, kinh phí và các điều kiện bảo đảm khác nên hiệu lực thi hành thấp. Nhiều chính sách thiếu nguồn lực thực hiện nên không đảm bảo tính khả thi. Hoặc ngược lại, tình trạng không thiếu nguồn lực nhưng thiếu cơ chế chính sách hiệu quả để thực thi như trường hợp phát triển thành phố Hồ Chí Minh là ví dụ điển hình. Nhiều chính sách có nguồn lực để thực hiện nhưng không giải ngân được do các thủ tục hành chính và các quy định khó thực hiện như trường hợp gói hỗ trợ lãi suất 2% để phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19 là rất phổ biến. Hoặc tình trạng có đủ nguồn lực nhưng việc thực thi không hiệu quả do quá trình triển khai thực hiện chưa phù hợp hoặc do đầu tư dàn trải, manh mún dẫn tới hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp. Ví dụ về triển khai một số chương trình như chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn hay trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực thể hiện khá rõ thực trạng này. Các điều kiện về tổ chức cán bộ, nguồn lực tài chính, ngân sách, cơ sở vật chất để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cũng chưa bảo đảm để thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp
Cùng với đó, còn có sự thiếu đồng bộ giữa thể chế trung ương và địa phương. Do đặc điểm của mô hình phân cấp ở Việt Nam, hiện nay, thể chế trong đó có loại hình thể chế quan trọng nhất là pháp luật đều tập trung ở Trung ương, do Trung ương ban hành. Các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương ban hành chiếm một tỷ trọng lớn trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Thẩm quyền của địa phương trong ban hành thể chế đặc thù, riêng biệt của địa phương còn khá hạn chế. Điều này có lợi khi xét dưới góc độ tính thống nhất trong quản lý tổng thể quốc gia, tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó chưa khuyến khích các địa phương chủ động, đột phá, phát huy các sáng kiến để khai thác lợi thế đặc thù cho phát triển. Tính đồng bộ giữa thể chế của trung ương và địa phương xét dưới góc độ vừa đảm bảo quản lý thống nhất vừa tạo dư địa cho sự sáng tạo của các địa phương vì thế còn nhiều hạn chế.
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam
Mối quan hệ giữa trung ương và địa phương chưa được quy định rõ ràng bởi các văn bản luật. Cơ chế “xin-cho” để chính quyền địa phương được độc lập trong ban hành và tổ chức thực thi một số thể chế có tính ổn định, lâu dài tại địa phương, cũng như trong việc giải quyết các vấn đề trước mắt, cấp bách, ngắn hạn còn phổ biến. Điều đó dẫn tới thực trạng, ở các địa phương có điều kiện phát triển, các chính quyền địa phương phải xoay xở để giải quyết vấn đề phát triển trong một chiếc áo chật, dư địa và không gian phát triển bị bó hẹp; ở góc độ khác, một số địa phương chưa chủ động, sáng tạo, ỷ lại vào Trung ương và lấy nguồn lực từ sự tăng trưởng và nỗ lực của địa phương khác. Trong cả hai trường hợp đều dẫn tới hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp và khôgn công bằng, không tạo ra động lực cho phát triển.
Phân cấp hay là sự phân định trách nhiệm, quyền hạn của Trung ương và địa phương, cũng như giữa các cấp chính quyền địa phương trong nhiều lĩnh vực kinh tế- xã hội chưa phù hợp, thiếu rõ ràng, và chưa đồng bộ. Một số lĩnh vực phân cấp của Trung ương cho địa phương quá hẹp. Chẳng hạn, thẩm quyền quyết định số lượng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân các cấp thuộc về Chính phủ. Cấp tỉnh không tuyển dụng thêm nhân sự nếu không được phân bổ thêm chỉ tiêu biên chế từ Trung ương; không có quyền xác định tiêu chuẩn tuyển dụng; không có quyền lựa chọn hình thức thi tuyển... Quyền phân bổ nguồn thu, nhiệm vụ chi thuộc về cấp tỉnh nên không tạo được sự chủ động của chính quyền cấp dưới trong quản lý ngân sách địa phương. Một số lĩnh vực thực hiện phân cấp quá rộng, trong khi cấp dưới chưa đảm bảo đủ khả năng đảm nhận, dẫn mất kiểm soát của cấp trên, tình trạng vi phạm, tiêu cực trong quản lý đất đai diễn ra phổ biến trên phạm vi cả nước và là nguyên nhân của rất nhiều vụ việc kiện tụng liên quan đến đất đai kéo dài.