TP HỒ CHÍ MINH: GÓP Ý HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)
Quang cảnh Hội thảo.
Ban hành Luật là cần thiết
Các đại biểu thống nhất về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhằm đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong tình hình mới.
Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc xây dựng Luật có cơ sở pháp lý vững chắc như nội dung các Điều 64, 65, 55, 67, 68 Hiến pháp 2013 khẳng định công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là một vấn đề rất quan trọng, phải được quan tâm đặc thù và ưu tiên. Bên cạnh đó, các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII đã định hướng “Xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội; có cơ chế huy động nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh tại các khu vực phòng thủ”… là cơ sở chính trị cho việc xây dựng Luật.
Nhất trí về tầm quan trọng, cần thiết của việc xây dựng Luật, ông Nguyễn Bá Nhịn, Hội Cựu Chiến binh Thành phố cho rằng, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh Tổ quốc từ sớm, từ xa, việc ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là rất cần thiết, để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh tại các khu vực phòng thủ, phù hợp với Điều 4, Luật Quốc phòng về huy động nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; đồng thời bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quốc phòng, an ninh, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế và sách Trắng Quốc phòng của Việt Nam.
Thượng tá Bùi Đình Tiến, Khoa Luật (Đại học An ninh nhân dân) cho rằng, cơ sở ban hành Luật thể hiện trong Tờ trình của Chính phủ là thuyết phục và toàn diện. Hiện nay, cơ sở pháp lý trực tiếp điều chỉnh lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp vẫn là những văn bản dưới luật và có nhiều điểm không phù hợp với các luật chuyên ngành, chưa thể chế hóa được quan điểm của Đảng trong lĩnh vực này. Để có cơ sở pháp lý đủ mạnh và thống nhất, cần gộp ba lĩnh vực trên để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Sự ra đời của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp sẽ tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho các hoạt động nâng cao hiệu quả hoạt động công nghiệp quốc phòng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đảm bảo tính thống nhất của pháp luật
Phó GS,TS Lê Minh Hùng, Trưởng khoa Luật, Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, góp ý Dự thảo Luật.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Hùng (Trưởng khoa Luật, Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần đảm bảo tính thống nhất, tương thích giữa Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và các luật liên quan, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn, đảm bảo tính phối hợp, liên hệ, tương thích của pháp luật khi áp dụng trong thực tiễn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật.
Theo ông Lê Minh Hùng, cần rà soát tổng thể các nội dung liên quan đến các luật khác như Luật Doanh nghiệp trong các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; các quy chế, cơ chế tài chính của các tổ chức tham gia trong động viên công nghiệp hay các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ trong trường hợp Nhà nước có thể trưng dụng, trưng mua sản phẩm sở hữu trí tuệ, chuyển giao sáng chế, giải pháp sáng kiến kỹ thuật… cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; hoặc những nội dung về vũ khí, quân trang quân dụng, vật liệu nổ cần có sự liên thông với các pháp luật liên quan. Cần nghiên cứu đảm bảo tính liên thông, thống nhất giữa Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trong trường hợp giải quyết sự cố, tai nạn, rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất, vận chuyển vũ khí, cháy nổ…
Quan tâm đến tính thống nhất của pháp luật, Thượng tá Bùi Đình Tiến cho rằng, Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp cần hết sức quan tâm đến mức độ tương thích với pháp luật liên quan. Ví dụ như cần xem xét lại khái niệm “động viên công nghiệp”, để tránh vi phạm đến quyền sở hữu đã được Hiến pháp quy định, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài; hoặc xem xét lại khái niệm “công nghệ nền” (khoản 20, Điều 2) cho phù hợp với Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006.
Luật sư Trương Thị Hòa đề nghị, khoản 2, Điều 5 Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp cần được sửa đổi, bổ sung thêm quy định cấm hành vi chuyển đổi các tài sản do Nhà nước giao cho cơ sở công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hoặc giao cho doanh nghiệp để hoàn chỉnh dây chuyền động viên công nghiệp để phù hợp với Luật Đất đai hiện hành. Các điều luật quy định tại Chương V (Hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng, an ninh), cần được nghiên cứu đảm bảo tính tương thích với các luật liên quan khác như Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Doanh nghiệp…
Các đại biểu dự Hội thảo đã đóng góp nhiều ý kiến cho Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp như đề nghị bổ sung thêm trường hợp “Tổng động viên công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp” với những nội hàm đặc thù; bổ sung thêm quy định về vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch nước với tư cách một thiết chế nhà nước tại Chương 6; các vấn đề liên quan đến tính bảo mật, bí mật nhà nước trong Luật; các vấn đề thuộc về kỹ thuật lập pháp…
Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp gồm 7 chương và 73 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động và chế độ, chính sách đối với công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp; trách nghiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.