Được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 lựa chọn xác định chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Tham gia đóng góp tham luận tại diễn đàn, TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia bày tỏ quan tâm đến vấn đề lành mạnh hóa thị trường tài chính và khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế.
Theo đó, TS. Vũ Như Thăng cho rằng, chúng ta đang thiếu vắng các cơ chế thử nghiệm (Sandbox) cho các sản phẩm tài chính mới và tiền đề cho việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế/khu vực. Chưa có cơ chế thử nghiệm Sandbox đối với lĩnh vực tài chính. Việt Nam đang tích cực tìm kiếm những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế với việc đưa ra nhiều định hướng và nỗ lực nhằm tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0. Năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 100/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox) hoạt động Fintech với nội dung trọng tâm tập trung thúc đẩy các giải pháp sáng tạo, đồng thời đảm bảo kiểm soát rủi ro, bảo vệ người tiêu dùng và duy trì ổn định tài chính.
TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sau gần 3 năm có chủ trương, Nghị định vẫn chưa được ban hành. Với cơ chế thử nghiệm cần vừa làm vừa hoàn thiện chính sách để từ đó tìm ra điểm cân bằng giữa việc xây dựng các quy định quản lý chặt chẽ với thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Việc tích cực đẩy nhanh hoàn thiện cơ chế này giúp Việt Nam phát huy tác động tích cực của các mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực tài chính, kinh tế tuần hoàn, qua đó tạo thêm không gian và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, cơ chế giải quyết tranh chấp/quan hệ dân sự liên quan đến dịch vụ tài chính và thị trường tài chính còn nhiều vướng mắc. Pháp luật Việt Nam hiện hành đã có hệ thống các quy định khá đầy đủ, toàn diện, phù hợp với yêu cầu hội nhập và xu hướng toàn cầu hóa. Tuy nhiên, liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp/quan hệ dân sự liên quan đến dịch vụ tài chính và thị trường tài chính từ thực tiễn thi hành cũng vẫn bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Phạm vi tranh chấp được giải quyết tại trọng tài quốc tế, tính minh bạch của việc giải quyết tranh chấp, cơ chế phối hợp hỗ trợ của tòa án với hoạt động giải quyết tranh chấp tại trọng tài, quy định về điều kiện, phẩm chất cần có của hòa giải viên…. Trước xu thế phát triển, hội nhập của nền kinh tế, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật bảo đảm giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các tranh chấp kinh tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hiện nay.
Một trong những bất cập là khó thu hút dòng vốn lớn và cạnh tranh với các trung gian tài chính thế giới và khu vực. Theo thống kê, hiện nay thế giới đã có hơn 100 trung tâm tài chính quốc tế, tính riêng tại ASEAN, đã có 6 trung tâm tài chính quốc tế được xếp hạng chính thức gồm Singapore (xếp thứ 3), Jakarta (Indonesia, xếp thứ 83), Manila (Phi-líp-pin, xếp thứ 108), Bangkok (Thái Lan, xếp thứ 71), Kuala Lumpur (Malaysia, xếp 58) và TP Hồ Chí Minh (xếp thứ 112). Như vậy, TP Hồ Chí Minh vẫn còn khoảng cách lớn so với những Trung tâm tài chính thế giới và khu vực.
Nếu không có những lợi thế cạnh tranh đặc biệt, việc cạnh tranh để thu hút vốn với các trung tâm tài chính thế giới và khu vực là rất khó khăn, do: Trình độ phát triển thị trường tài chính còn rất thấp . Quy mô thị trường tài chính, trong đó có TTCK vẫn còn nhỏ, số lượng DN niêm yết chưa nhiều, thiếu đa dạng, thiếu những đối tượng đầu tư chất lượng cao; Chất lượng các sản phẩm dịch vụ còn hạn chế, TTCK phái sinh mới đưa vào hoạt động vẫn còn sơ khai, thị trường trái phiếu DN kém phát triển; Cơ chế bảo vệ lợi ích nhà đầu tư khi tham gia thị trường chưa hoàn thiện; Các chính sách quản lý ngoại hối, quản lý đầu tư, mức độ minh bạch hệ thống thông tin thị trường còn chưa đáp ứng tốt nhất nhu cầu của NĐTNN; Thiếu hệ thống văn bản pháp luật thống nhất điều chỉnh toàn bộ hoạt động đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài; Quy mô, chất lượng của các định chế tài chính trong nước còn nhỏ, khả năng quản trị, cạnh tranh còn yếu so với các tổ chức tài chính nước ngoài.
Ngoài ra, vai trò các quỹ tài chính nhà nước còn mờ nhạt, Ở Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 40 quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập nhằm giải quyết các yêu cầu khác nhau của từng thời kỳ, đan xen trong nhiều lĩnh vực, trong đó có 24 quỹ do trung ương quản lý . Có khoảng trên 100 văn bản quy phạm pháp luật cho phép thành lập và quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, cơ chế tài chính về quản lý và sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Thực tiễn cho thấy ở Việt Nam tồn tại số lượng lớn quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao đã dẫn đến nhiều vấn đề bất cập.
Quỹ bảo lãnh tín dụng (BLTD) cho DN nhỏ và vừa được thành lập theo Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2013 và sau đó được nâng tầm và hoàn thiện theo Nghị định số 34/2018/NĐ-CP, ngày 08/3/2018 của Chính phủ đã chứng minh được vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khả năng tiếp cận vốn của DN. Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai Quỹ cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc: Thứ nhất, một số địa phương không “mặn mà” với việc thực hiện quyền và trách nhiệm trong phát triển và duy trì hoạt động của quỹ; Thứ hai, nguồn vốn của các quỹ BLTD khá hạn hẹp, chủ yếu là hỗ trợ từ NSĐP (mức vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng không đảm bảo cho Quỹ có thể quay vòng nguồn vốn để thực hiện nhiều dự án thuộc lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng, chưa thúc đẩy việc huy động thêm các nguồn lực khác trên địa bàn cho phát KTXH); Thứ ba, quy chế BLTD quá chặt chẽ. Thứ tư, do vốn điều lệ của các quỹ BLTD cho DNNVV 100% từ ngân sách nhà nước nên việc quy trách nhiệm khi xảy ra thua lỗ, thất thoát vốn do bảo lãnh, cho vay DNNVV rất chặt chẽ, trong khi rủi ro cho vay đối với DNVVN thường cao hơn, hạn chế đến việc thực hiện BLTD.