HÀ NỘI: TRIỂN KHAI QUYẾT LIỆT NHỮNG VẤN ĐỀ ĐBQH VÀ CỬ TRI QUAN TÂM

20/10/2023

Ngày 20/10, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội làm việc với Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

HÀ NỘI: CẦN THỐNG NHẤT CÁC GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG THIẾU TRƯỜNG, THIẾU LỚP TẠI CÁC QUẬN NỘI ĐÔ

Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng với các đại biểu chủ trì buổi làm việc. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố...

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tiếp tục phối hợp thực hiện hiệu quả quy chế làm việc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các vị đại biểu Quốc hội hoạt động theo nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Ủy ban Nhân dân thành phố cùng các cấp, ngành tập trung chỉ đạo khắc phục ngay tồn tại, hạn chế đã được nêu trong ý kiến, kiến nghị của Đoàn giám sát để phát triển kinh tế, xã hội đạt mức tăng trưởng cao nhất, tạo chuyển biến rõ nét hơn trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.

Trước mắt, tại Kỳ họp thứ 6, các cơ quan của thành phố phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cung cấp thông tin trong quá trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến đóng góp vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương và thành phố; triển khai nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng, các chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về "phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”

Ngoài ra, các cơ quan của thành phố nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy đảng, nhất là cấp cơ sở. Phát huy tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; kiên quyết phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng theo đúng tinh thần của Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Phương Thủy phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Các cơ quan, đơn vị của thành phố thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân dự án đầu tư; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thực hiện quyết liệt giải pháp giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai dự án; đôn đốc quyết liệt tiến độ công trình trọng điểm, công trình thiết yếu; triển khai kịp thời dự án tái định cư, dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề...

Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố cần phân loại, xử lý, giải quyết kịp thời kiến nghị chính đáng của cử tri; chủ động nắm tình hình, kịp thời chỉ đạo, giải quyết dứt điểm vụ việc bức xúc, không để phát sinh điểm nóng trên địa bàn; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Cùng với đó là tăng cường công tác quản lý, điều hành, đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện từ quy hoạch, cấp phép xây dựng, nghiệm thu đưa vào sử dụng, kiểm tra, thanh tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ xảy ra.

Trước đó, báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng thành phố 9 tháng và phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng còn lại năm 2023, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết 9 tháng năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố tăng 6,08%, trong đó quý sau tăng cao hơn quý trước (quý I/2023 tăng 5,81%, quý 2 năm 2023 tăng 5,93% và quý 3 năm 2023 tăng 6,49%).

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố lũy kế đến ngày 15/10/2023 là 322.263 tỷ đồng, đạt 91,3% dự toán. Chi ngân sách địa phương đến ngày 15/10/2023 là 61.390 tỷ đồng, đạt 58,4% dự toán đầu năm. Khách du lịch đến Hà Nội đạt 3,458 triệu lượt, gấp 2,1 lần cùng kỳ năm 2022.

An sinh xã hội được đảm bảo, các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Thành phố triển khai quyết liệt biện pháp, giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm trên các lĩnh vực, đảm bảo giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Cũng tại buổi làm việc, các đại biểu Quốc hội đã nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân Thủ đô của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; báo cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân và Tòa án Nhân dân thành phố...

Các đại biểu thảo luận về nội dung báo cáo; nêu những vấn đề cử tri, Quốc hội quan tâm tập trung giải quyết và cung cấp thông tin để tạo đồng thuận.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phân công nhiệm vụ cho một số sở, ngành kiểm tra, xử lý ngay nội dung đại biểu Quốc hội nêu; lưu ý một số vấn đề trọng tâm cần tập trung thực hiện nhằm tham gia tổ chức thành công Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

(Theo TTXVN)