HƠN 99% KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI GỬI ĐẾN KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV ĐÃ ĐƯỢC GIẢI QUYẾT, TRẢ LỜI
Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Sáng 23/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội nghe Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6. Theo Báo cáo, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các vị đại biểu Quốc hội, đã có 2.765 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Giao thông Vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Tài nguyên và Môi trường… Đến nay, 2.751 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,5%.
Quan tâm tới nội dung này , chia sẻ bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Đoàn Cà Mau cho biết: Ý kiến, kiến nghị của cử tri được tập hợp trước kỳ họp Quốc hội và được giải quyết trước khi bước vào kỳ họp mới. Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp lần này cũng như các kỳ họp trước thể hiện 3 nội dung trọng tâm: Báo cáo về tình hình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của cử tri cả nước gửi đến các cơ quan của Quốc hội thông qua cơ quan tập hợp là Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Báo cáo kết quả giải quyết, xem xét ý kiến kiến nghị của cử tri; và báo cáo tình hình ý kiến kiến nghị của cử tri.
Đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau chia sẻ bên hành lang Quốc hội.
“Việc báo cáo tình hình ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp Quốc hội lần này có thể nói đây là cơ chế song song, một bên là giám sát theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân gửi đến Quốc hội- đây là công việc do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện. Song song là báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, các cơ quan ở Trung ương tâm tư nuyện vọng của nhân dân cả nước gửi đến Quốc hội”- đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh. Lý giải điều này, đại biểu Lê Thanh Vân cho biết, xuất phát từ cơ sở chính trị pháp lý, nền tảng hình thành Quốc hội là do Nhân dân trao quyền lực cho Quốc hội thông qua việc bầu đại biểu Quốc hội. Đây là việc ủy quyền của Nhân dân, quyền lực của nhà nước trao cho Quốc hội thông qua chế độ bầu cử để thay mặt Nhân dân đặt ra các quy tắc xử xử sự bằng pháp luật, giám sát thực hiện pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Theo đại biểu Lê Thanh Vân sự ủy nhiệm này phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân và Nhân dân thường xuyên gửi yêu cầu đến Quốc hội thông qua nhiều kênh như: Tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, thu thập thông tin từ Mặt trận Tổ quốc và phải báo cáo trước Quốc hội và báo cáo công khai trước phiên họp của Quốc hội.
Phân tích kết quả đạt được, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, ở cấp Chính phủ rất nghiêm túc trong thực hiện, cá nhân đại biểu khi gửi đơn đến Thủ tướng thì trong vòng một tháng Thủ tướng có hồi âm và chỉ đạo ngay. Tuy nhiên, ở các bộ, ngành và địa phương thì tình hình lại khác, trong khi có Bộ thực hiện rất nghiêm túc, Bộ trưởng trực tiếp ký văn bản trả lời như là Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước hay bộ Tư pháp thì cá biệt có những Bộ lại giao cho các cấp dưới, thậm chí là giao cho cấp vụ, cấp phòng trả lời các kiến nghị của Nhân dân là sai quy tắc xử sự,…
Toàn cảnh Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Trước tồn tại này, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, rất cần có cuộc giám sát tối cao về việc chấp hành pháp luật đối với việc giải quyết kiến nghị của cử tri do đại biểu Quốc hội gửi đến. “Phải coi việc chấp hành pháp luật trong quy định về giải quyết kiến nghị cử tri là điểm cộng hoặc điểm trừ đối với chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn…”, đại biểu kiến nghị.
Cũng theo đại biểu Lê Thanh Vân, phải có lộ trình giải quyết, phân loại các ý kiến, kiến nghị của cử tri để phân chia ra, vấn đề nào xác đáng về chiến lược thì phải có lộ trình giải quyết, vấn đề nào có tính cấp bách phải đưa vào một nội dung Nghị quyết kỳ họp của Quốc hội. Đây là công việc Quốc hội phản ánh tính đại diện thực hiện quyền lực nhà nước mà nhân dân trao cho.
Nhận định hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp Quốc hội nói chung, gửi đến các cơ quan Quốc hội và Hội đồng nhân dân đang từng bước được cải tiến và có những kết quả rõ rệt, đại biểu Lê Thanh Vân cho biết: Hàng tháng Ban Dân nguyện phải có báo cáo với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện, từ đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở đôn đốc Chính phủ thực hiện những công việc nổi lên trong tháng; Hoạt động của Ban Dân nguyện có tính chuyên nghiệp hơn;…
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, so với yêu cầu đặt ra cần tiếp tục hoàn thiện để công tác dân nguyện của Quốc hội tiếp tục đạt được những kết quả cao hơn và như vậy những ý kiến gửi tới Quốc hội sẽ được giải quyết bài bản hơn, hiệu quả hơn./.