THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH: CHUNG SỨC, ĐỒNG LÒNG, KHÔNG LÙI BƯỚC TRƯỚC KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC, HOÀN THÀNH THẮNG LỢI CÁC MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ NĂM 2023 VÀ NĂM 2024
ĐBQH VƯƠNG THỊ HƯƠNG: TĂNG CƯỜNG PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC Y TẾ Ở VÙNG BIÊN GIỚI, HẢI ĐẢO, VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ
Tình trạng thiếu giáo viên đang xảy ra ở các cấp học.
Trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã Báo cáo trước Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2024. Nội dung này cũng được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành thẩm tra kỹ lưỡng, thận trọng. Nội dung này đã được đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ sáng ngày 24/10, trước khi thảo luận tại hội trường.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2024, đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Xuất phát từ thực tiễn, qua hoạt động giám sát và tiếp xúc cử tri, đại biểu Vương Thị Hương nêu thực trạng thiếu giáo viên các cấp học ở nhiều địa phương vẫn còn diễn ra. Theo báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, tăng 11.308 người so với năm học 2021 – 2022. Tại tỉnh Hà Giang, tình trạng thiếu giáo viên cũng xảy ra ở các cấp học, nhất là giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học, trong khi việc tuyển dụng giáo viên hằng năm hầu như không đạt chỉ tiêu do không có nguồn tuyển.
Trong điều kiện thực tế về thiếu đội ngũ giáo viên dạy môn Tiếng Anh, Tin học nhiều cơ sở giáo dục đã linh động từng bước khắc phục tình trạng này bằng cách liên kết với các cơ sở giáo dục trong và ngoài tỉnh tổ chức dạy học trực tuyến để đảm bảo chương trình học. Đối với tỉnh Hà Giang tổ chức dạy học trực tuyến theo 2 hình thức:
(1) Tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến: Giáo viên dạy trực tiếp tại 01 lớp (lớp trực tiếp) và kết nối trực tuyến với 01 lớp học khác (lớp kết nối) cùng trình độ trong cùng 01 trường hoặc khác trường tại cùng một thời điểm qua hệ thống phòng học trực tuyến. Tại lớp kết nối có 01 giáo viên trợ giảng thực hiện quản lý lớp học, phối hợp với giáo viên tại lớp trực tiếp tổ chức các hoạt động học tập; theo dõi, tư vấn, hỗ trợ học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập.
(2) Tổ chức dạy học trực tuyến qua lớp học ảo: Giáo viên thực hiện dạy học trực tuyến qua lớp học ảo (lớp học trực tuyến) từ một địa điểm không cùng vị trí địa lý với lớp học của học sinh. Tại lớp học của học sinh có 01 giáo viên trợ giảng (thường là giáo viên chủ nhiệm) phối hợp với giáo viên dạy trực tuyến tổ chức các hoạt động học tập; theo dõi, tư vấn, hỗ trợ học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập.
Đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang
Đại biểu Vương Thị Hương cho biết, với các hình thức tổ chức dạy học trực tuyến như trên, cử tri ngành giáo dục băn khoăn một giáo viên dạy trực tiếp 01 lớp và kết hợp dạy trực tuyến 01 lớp sẽ được tính bao nhiêu tiết dạy trong 02 lớp đó? Một giáo viên được giao nhiệm vụ trợ giảng thực hiện quản lý lớp học, phối hợp với giáo viên tại lớp trực tuyến tổ chức các hoạt động học tập; theo dõi, tư vấn, hỗ trợ học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập sẽ được tính số tiết như thế nào?
Với thực tiễn này, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tính định mức số tiết dạy cho 01 giáo viên dạy trực tiếp tại 01 lớp kết hợp với trực tuyến 01 lớp trở lên và định mức số tiết cho giáo viên trợ giảng tham gia theo dõi, quản lý tại lớp học trực tuyến, lớp học ảo để làm cơ sở tính toán, phân công số tiết giảng dạy đảm bảo đúng định mức tiết dạy của các cấp bậc học.
Đại biểu Vương Thị Hương cũng gửi gắm tâm tư của cử tri ngành giáo dục tới Chính phủ, Quốc hội, trong đó hiện nay đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, trong đó các cơ sở giáo dục là đơn vị sự nghiệp công lập áp dụng thực hiện quy định về số lượng cấp phó tại điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. cụ thể: các đơn vị này được bố trí không quá 02 cấp phó, quy định như vậy là rất bất cập đối với đơn vị trường học,
Quy định cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ, lớn hoặc trường chuyên biệt hay không chuyên biệt đều bố trí không quá không 02 cấp phó là không phù hợp, các cơ sở giáo dục khó khăn trong công tác quản trị nhà trường. Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ sửa đổi điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP theo hướng: việc bố trí số lượng cấp phó cần căn cứ trên cơ sở quy mô trường/lớp/học sinh/loại hình trường, không quy định cứng 02 cấp phó/trường.
Kiến nghị nâng mức trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên ở vùng cao, vùng sâu và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Nhằm đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, Nhà nước, Chính phủ và các địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ cho học sinh, nhất là học sinh vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh thuộc hộ nghèo, học sinh là người dân tộc thiểu số và dân tộc thiểu số ít người.
Theo đại biểu Vương Thị Hương, mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh, sinh viên ở vùng cao, vùng sâu và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đang rất thấp.
Theo đó, tổng các định mức hỗ trợ tối đa một học sinh (thuộc các đối tượng được hưởng chế độ) được nhận trong một tháng bằng 100% mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng và thấp nhất bằng 40% mức lương cơ sở. Nhưng các chính sách trên chỉ áp dụng cho các trường THPT công lập, không áp dụng cho học sinh ở các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên. Trong đó, 140 nghìn đồng/một người là số tiền học sinh ở các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng. Đại biểu Vương Thị Hương cho rằng, mức hỗ trợ này quá thấp và đã được duy trì 12 năm nay, không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.
Do vậy, đại biểu kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 1, Quyết định số 194/2001/QĐ-TTg ngày 21/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng nâng mức trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên ở vùng cao, vùng sâu và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn học tại các trường đào tạo công lập, hệ chính quy, dài hạn tập trung.
Cũng liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đại biểu Vương Thị Hương cho biết, với nội dung xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Tiểu dự án 1- DA5 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tại khoản 7 Thông tư 55/2023/BTC quy định: “Chi tiền công đối với người tình nguyện tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ (nếu có) từ nguồn ngân sách địa phương thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 6 Điều 5 Thông tư số 17/2022/TT-BTC ngày 8 tháng 3 năm 2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.
Hiện nay kinh phí chi trả chế độ cho người tham gia dạy các lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục được hướng dẫn chi từ nguồn kinh phí thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” do địa phương đảm bảo, nên nhiều địa phương gặp khó khăn trong cân đối, chưa bố trí thanh toán chế độ cho giáo viên kịp thời. Kiến nghị cho phép sử dụng nguồn kinh phí Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021 - 2030 để chi trả chế độ cho người dạy các lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục.