DỰ ÁN LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI): MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG CHÍNH SÁCH VỀ NHÀ Ở XÃ HỘI

27/10/2023

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 26/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). nhiều đại biểu kiến nghị mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; đồng thời cần hướng dẫn cụ thể các điều kiện và tạo thuận lợi trong tiếp cận chính sách.

 

Bổ sung 12 đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đề xuất bổ sung 12 đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội. Theo đó, Điều 76 dự thảo Luật quy định các nhóm đối tượng bao gồm: Người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc trường hợp được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; Người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; Công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan; công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu thuộc Quân đội nhân dân, thuộc Công an nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đang phục vụ tại ngũ, trừ trường hợp được bố trí thuê nhà ở công vụ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 45 của Luật này; Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; Đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 4 Điều 125 của Luật này, trừ trường hợp bị thu hồi nhà ở công vụ do vi phạm quy định của Luật này;

Hộ gia đình, cá nhân thuộc trường hợp bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở; Học sinh, sinh viên các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, trường chuyên biệt theo quy định của pháp luật; học sinh trường dân tộc nội trú công lập; Doanh nghiệp, hợp tác xã trong khu công nghiệp.

Chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội đề ra các điều kiện cho người muốn mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội.

Chưa rõ tiêu chí xác định người có thu nhập thấp

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Bế Minh Đức – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng nêu rõ nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp là mục tiêu, định hướng chính sách cũng là tiêu chí quan trọng nhất trong việc xác định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở của Đảng và Nhà nước ta. Đại biểu cho biết, ngày 03/4/2023 vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp. Mục tiêu của đề án là đến năm 2030 xây dựng được 1 triệu căn nhà ở xã hội. Đại biểu Bế Minh Đức cho rằng, căn cứ vào những định hướng chính sách của Đề án nói trên, thì quy định như Điều 76 dự thảo Luật chưa hoàn toàn phù hợp, chưa xác định rõ và chưa đầy đủ đối tượng được hưởng chính sách.

Đại biểu Bế Minh Đức – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng

Đại biểu Bế Minh Đức phân tích, chính sách hỗ trợ quan trọng nhất là nhà ở xã hội trong nhóm người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, hiện nay việc xác định thế nào là người có thu nhập thấp chưa được quy định cụ thể. Do đó, đại biểu đề nghị cần cụ thể hóa tiêu chí người có thu nhập thấp đối với từng đối tượng cụ thể để đảm bảo chính xác, bao quát và công bằng đối với mọi đối tượng được hưởng chính sách và có quy định các hình thức hỗ trợ phù hợp.

Đại biểu Bế Minh Đức cho biết thêm, thực tế thời gian qua, các địa phương khi triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia có nội dung này cũng đã vướng mắc. Để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong các quy định, đề nghị cơ quan soạn thảo dự thảo Luật cần rà soát, bổ sung đầy đủ đối tượng cũng như sự hợp lý của tiêu chí thu nhập thấp đối với từng đối tượng cụ thể nhằm đảm bảo tính công bằng, chính xác khi thực hiện chính sách. Đây là điều kiện tiên quyết để xác định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước về nhà ở, một chính sách ưu việt cho tất cả những người có thu nhập thấp.

Góp ý về hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, đại biểu Bế Minh Đức nêu rõ, để góp phần giải quyết nhu cầu hỗ trợ nhà ở khu vực nông thôn còn rất lớn hiện nay, vừa qua các địa phương đã triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong đó có nội dung hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, khó khăn.

Toàn cảnh phiên thảo luận toàn thể tại hội trường của Quốc hội

Tuy nhiên, phạm vi triển khai thực hiện hai Chương trình mục tiêu quốc gia này không bao phủ khắp cả nước mà chỉ thực hiện hỗ trợ đối với hộ nghèo tại vùng dân tộc thiểu số miền núi và hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện nghèo được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, do nguồn kinh phí được phê duyệt còn hạn chế, số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ về nhà ở lớn nên độ bao phủ của Chương trình mục tiêu này chưa bao phủ được hết các đối tượng thụ hưởng. Do đó, đại biểu Bế Minh Đức tôi đề nghị bổ sung nhóm đối tượng tại khoản 2 khoản 3 của Điều 76 được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội để đảm bảo tính khả thi của quy định.

Ngoài ra, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị xem xét lại điều kiện chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức. Việc quy định điều kiện cụ thể như trên trong dự thảo Luật sẽ không đảm bảo sự tiếp cận của nhiều đối tượng đối với chính sách hỗ trợ về nhà trong giai đoạn hiện nay cũng như sau này.

Cũng góp ý về đối tượng, điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, việc liệt kê các đối tượng như dự thảo thì những người có thu nhập thấp trong thực tế nhưng không thuộc 12 đối tượng được thống kê tại Điều 76 dự thảo thì sẽ không được hưởng chính sách của Nhà nước về nhà ở xã hội. Đại biểu Nguyễn Thị Hà cho rằng cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Nghiên cứu sửa đổi Điều 76 dự thảo theo hướng quy định tiêu chí xác định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là người có thu nhập thấp, bất kể họ là ai mà không liệt kê 12 loại đối tượng cụ thể như dự thảo.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được tiếp cận với chính sách

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị dự thảo Luật cần được quy định rõ và hướng dẫn cụ thể về điều kiện để tránh những vướng mắc phát sinh trên thực tế, đơn cử như trường hợp các đối tượng sống chung với bố mẹ là người đã có nhà ở, nhưng nhà ở đó lại không thuộc sở hữu của bản thân họ thì vẫn thuộc đối tượng được hưởng chính sách. Hiện nay, các đối tượng sống chung, chung hộ khẩu với bố mẹ phải thực hiện thủ tục tách khẩu mới đáp ứng điều kiện để được hưởng chính sách, điều này phát sinh thủ tục hành chính và có thể gây phiền hà cho người dân.

Về điều kiện thu nhập, dự thảo luật lần này sửa đổi theo hướng quy định giao cho Chính phủ, phải đáp ứng các điều kiện về thu nhập theo quy định của Chính phủ. Đại biểu Nguyễn Thị Hà cho rằng cần phải quy định rõ ràng ngay từ dự thảo Luật, nhằm đảm bảo tính thực thi ngay khi luật có hiệu lực, tránh tình trạng luật chờ nghị định.

Đồng thời, cần rà soát, cắt giảm các điều kiện, thủ tục hành chính về hồ sơ, giấy tờ chứng minh, xác nhận, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được tiếp cận với chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQh tỉnh Thái Nguyên

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho rằng việc xây dựng Luật Nhà ở phải tiếp cận vấn đề gọi là nhà ở xã hội một cách rộng hơn. Theo đó, nhà ở xã hội cho các nhóm đối tượng khác nhau chứ không đơn thuần bó hẹp là nhà ở xã hội cho một số nhóm đối tượng chính sách.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, xu hướng của thế giới họ tiếp cận theo hướng là nhà ở để phục vụ cho phát triển xã hội nên có rất nhiều những phân khúc khác nhau. Do đó, đại biểu đề nghị luật thiết kế nên mở theo hướng đó.

Bảo Yến

Các bài viết khác