ĐBQH TÔ ÁI VANG: CẦN TĂNG VỐN ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI, CHO CÁC TỈNH NGHÈO VÙNG ĐBSCL
Theo đại biểu Dương Khắc Mai, đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, Luật Kinh doanh bất động sản là một lĩnh vực rộng, có tác động đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực như phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, thị trường quyền sử dụng đất; phù hợp với thu nhập của người dân ở nhiều điều kiện khác nhau từ mức cao, trung bình, thấp bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển bền vững. Đồng thời các dự án bất động sản gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hợp lý; tạo mặt bằng giá bất động sản phù hợp, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai, xây dựng cơ chế minh bạch đánh giá giá trị đất đai, bất động sản theo cơ chế thị trường. Đại biểu, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát và chỉnh lý các nội dung tại dự thảo Luật này theo hướng phân định rõ phạm vi điều chỉnh, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh tạo ra sự chồng chéo, mâu thuẫn nhất là ba dự án Luật Kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở (sửa đổi) và Luật đất đai (sửa đổi). Qua đó phải đảm bảo được tuổi thọ của luật khi được Quốc hội thông qua. Hơn hết cần chú ý đến việc đảm bảo quyền lợi của người mua bất động sản là cá nhân.
Đại biểu Dương Khắc Mai, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông
Đại biểu Dương Khắc Mai cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung cụm từ “khu kinh tế”, “đặc khu kinh tế” vào cuối khoản 3 Điều 3 của dự thảo luật. Điều này nhằm đảm bảo tính thống nhất với các quy định về các loại nhà ở, công trình xây dựng, hạ tầng kỹ thuật đang được Quốc hội cho ý kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tại Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), cũng như phù hợp với quy định của Luật Đầu tư đã quy định trước đó.
Tại khoản 5, điều 23 quy định về việc chủ đầu tư dự án thu tiền đặt cọc từ người có nhu cầu mua nhà ở hình thành trong tương lai. Đại biểu đồng ý với phương án quy định chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh và đã thực hiện giao dịch theo đúng quy định của Luật. Quy định như vậy nhằm bảo đảm việc đặt cọc được thực hiện khi bất động sản đủ điều kiện bán, cho thuê mua và hai bên đã chính thức ký kết hợp đồng, giúp giảm thiểu rủi ro cho khách hàng, hạn chế phát sinh tranh chấp.
Một vấn đề nữa được đại biểu Dương Khắc Mai quan tâm về quyền lợi đối với khách hàng. Trong thực tế nhiều người dân đã dùng số tiền lớn để mua bất động sản cho gia đình nhưng chủ đầu tư bàn giao chậm, ảnh hưởng đến tiến độ khiến người mua lo lắng, trở thành yếu thế. Đại biểu cho rằng nếu bên mua, bên thuê mua chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì bên bán, bên cho thuê mua không được thu quá 95% giá trị hợp đồng. Phần giá trị còn lại của hợp đồng được khách hàng chuyển vào tài khoản của chủ đầu tư mở tại tổ chức tín dụng để quản lý và chủ đầu tư không được sử dụng số tiền này; hình thức quản lý, các chi phí, lợi tức phát sinh liên quan đến khoản tiền này do chủ đầu tư và ngân hàng tự thỏa thuận. Chủ đầu tư chỉ được sử dụng số tiền này cùng với lợi tức (nếu có) khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua, bên thuê mua nhà ở, công trình xây dựng.
Về số tiền thu cần quy định ở mức hợp lý nhằm bảo đảm mục đích của việc hai bên tự nguyện (bên mua, bên thuê mua và bên bán, bên cho thuê mua) không phải là để doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhận tiền như một kênh huy động vốn mà cần đảm bảo quyền lợi cho người mua. Đồng thời, phương án này nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định về thời điểm xác lập quyền sở hữu tại Luật Nhà ở (sửa đổi), quy định về việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán của khách hàng.