DỰ ÁN LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI): CẦN DỰ LIỆU CÁC TÌNH HUỐNG PHÁT SINH TRONG QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI CHÍNH SÁCH
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 đã bổ sung quy định về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội (BHXH). Đây là một trong 11 nội dung lớn của dự án luật nhằm cụ thể hóa 5 chính sách đã được Quốc hội thông qua, gồm: (i) Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; (ii) Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; (iii) Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); (iv) Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; (v) Đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Trong đó, về việc xác định tính chi phí quản lý BHXH tại khoản 2 Điều 118, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án:
- Phương án 1: "Mức chi phí quản lý BHXH được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu, chi BHXH (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng BHXH) và được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH”.
- Phương án 2: “Mức chi phí quản lý BHXH được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu BHXH và được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH”.
Trên cơ sở đánh giá ưu, nhược điểm của từng phương án, căn cứ kết quả thực hiện chi phí BHXH thời gian vừa qua, Chính phủ đề xuất lựa chọn theo Phương án 1.
Đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh
Nêu quan điểm về đề xuất của Chính phủ, đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đồng tình với phương án 1 Chính phủ đề xuất. Theo đó, mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội và được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội. Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ thể hiện được hai nhiệm vụ chính là thu và chi BHXH.
Cũng thống nhất với phương án 1 do Chính phủ trình, đại biểu Lê Ngọc Hải – Đoàn ĐBQh tỉnh Đắk Lắk và đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho rằng, quy định theo phương án 1 nhằm đảm bảo phản ánh đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan BHXH; đồng thời đã được đa số các bộ, ngành, địa phương lựa chọn.
Phân tích lý do lựa chọn phương án 1 theo đề xuất của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thành Trung – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho rằng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện cả 2 nhiệm vụ: phát triển đối tượng, quản lý thu và nhiệm vụ chi trả chế độ, quản lý chi (trong đó có những khoản chi phí cho tổ chức dịch vụ được cơ quan BHXH ủy quyền chi trả và quản lý người nhận tiền qua tài khoản cá nhân, bằng tiền mặt, chi phí thu BHXH… chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí quản lý hàng năm của BHXH Việt Nam). Do đó, quy định chi phí quản lý BHXH tính theo tỷ lệ trên dự toán thu, chi BHXH là phù hợp, thể hiện được hai nhiệm vụ mà cơ quan BHXH đang được giao thực hiện; cũng là phương án đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện tại Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2024, chi phí quản lý BHXH được thực hiện theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó mức chi phí quản lý BHXH được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu, chi BHXH. Theo đó, tỷ lệ chi phí quản lý BHXH theo các năm lần lượt là: năm 2019: 2.15%; năm 2020: 2% và năm 2021: 1.85%; năm 2022 tối đa 1,59%, năm 2023 tối đa 1,54% và năm 2024 tối đa 1,49%.
Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, việc Chính phủ trình phương án 1: “Mức chi phí quản lý BHXH được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu, chi BHXH (trừ số chi đóng BHYT cho người hưởng BHXH) và được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH”. Đây là phương án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện trong giai đoạn vừa qua (2016-2024). Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là không đảm bảo thống nhất giữa BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; khó khăn hơn trong việc kiểm soát tỷ lệ tối đa so với phương án 2 do phải tính trên 2 yếu tố: Tốc độ tăng thu BHXH (đối tượng tham gia và tiền lương làm căn cứ đóng BHXH) và Tốc độ tăng chi BHXH (đối tượng thụ hưởng và mức hưởng chế độ BHXH).
Đối với phương án 2: “Mức chi phí quản lý BHXH được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu BHXH và được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH”. Với phương án này đảm bảo thống nhất giữa BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế (nhiều nước có đặc thù khác so với Việt Nam, đó là cơ quan thực hiện thu và chi trả là các cơ quan độc lập); mang ý nghĩa khuyến khích, tập trung thực hiện hiệu quả công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH; việc kiểm soát tỷ lệ tối đa sẽ dễ dàng hơn do chỉ dựa trên tốc độ tăng thu BHXH.
Ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, dù chọn phương án nào cũng phải bảo đảm chi phí để vận hành bộ máy và tổ chức thực hiện; phải tiết kiệm tối đa, hiệu quả, giảm dần tỷ lệ chi đầu tư công, chi đầu tư phát triển, lấy mục tiêu phục vụ đối tượng, bảo đảm an sinh xã hội làm chủ đạo và phải lấy từ phần sinh lời của quỹ.
Theo đại biểu Quốc hội, quy định về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội cần lấy mục tiêu phục vụ đối tượng, bảo đảm an sinh xã hội làm chủ đạo.
Thẩm tra quy định về mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội (khoản 2 Điều 118) của dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ủy ban Xã hội của Quốc hội lựa chọn phương án 1 vì hệ thống của nước ta có đặc thù là quản lý và vận hành cả thu và chi, cả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Trong giai đoạn vừa qua, chỉ khoảng 30% chi phí quản lý dành cho chi tiền lương của bộ máy còn lại chủ yếu là chi đầu tư xây dựng cơ bản cho hệ thống trụ sở cơ quan bảo hiểm xã hội từ Trung ương đến địa phương. Công tác hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cơ bản hoàn thành nên tỷ lệ có giảm dần và giảm nhanh. Việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương sắp tới sẽ thống nhất định hướng về mức lương cụ thể, bãi bỏ các hệ số, phụ cấp đặc thù…, điều này dẫn đến chi phí quản lý sẽ giảm.
Tuy nhiên, để có cơ sở Quốc hội xem xét, quyết định, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội giai đoạn 2022-2024. Làm rõ lý do đưa quy định cụ thể về cách tính chi phí quản lý bảo hiểm xã hội vào trong dự thảo Luật.