Trong tuần làm việc thứ 2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại Hội trường nhằm đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024. Sau phiên thảo luận, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, để tìm hiểu rõ về một số nội dung liên quan đến nhiệm vụ điều hành tài chính ngân sách trong năm 2023 và các kế hoạch 2024.
Ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính
Điều hành ngân sách năm 2023 dự kiến kết quả khả quan
Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, theo báo cáo trước Quốc hội, thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm nay đạt 75,5% dự toán, và dự thu cả năm ước đạt dự toán. Trong bối cảnh doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, các thị trường như bất động sản tiếp tục trầm lắng, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế thì việc điều hành ngân sách đã được triển khai như thế nào để vẫn đạt được chỉ tiêu như vậy?
Ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tính đến ngày 31/10/2023, thu ngân sách đã đạt được 85 % dự toán và chúng tôi đang nỗ lực phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ ngân sách trong năm nay. Mặc dù năm nay, Chính phủ đã giảm thuế và miễn giảm tiền thuê đất cho người dân và doanh nghiệp khoảng độ 200 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân sách vẫn đạt tiến độ và đạt được kế hoạch đề ra. Điều này thể hiện việc quản lý, điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ một cách linh hoạt và điều hành chính sách tài khóa theo hướng mở rộng. Có nghĩa là theo hướng thâm hụt ngân sách - giảm thuế. Đồng thời, tăng các khoản chi, chẳng hạn như là chi đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, chi phục hồi kinh tế sau đại dịch covid.
Chính phủ đã tập trung chỉ đạo Bộ Tài chính và ngành thuế hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách. Chúng tôi đưa ra nhiều giải pháp, từ vấn đề hóa đơn điện tử cho đến xây dựng trung tâm dữ liệu thuế, xây dựng cổng thông tin điện tử xuyên biên giới (đến bây giờ thu được gần 13.000 tỉ đồng); rồi đưa chuyển nhượng bất động sản về một giá và kết nối cơ sở dữ liệu, máy tính tiền vào cơ sở dữ liệu của thuế cũng như quay hóa đơn may mắn (Chương trình "Hóa đơn may mắn" được tổ chức định kỳ hằng quý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế. Đồng thời, nâng cao thói quen tiêu dùng văn minh, khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ) và chống chuyển giá. Những giải pháp này vừa hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tức là chính sách khoan sức dân nhưng mà vừa thu những khoản thu tiềm năng mà lâu nay chưa thu được, đảm bảo cho một nguồn lực để thực hiện chi cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và chi phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng hiện nay nguồn thu vẫn chưa thực sự bền vững khi chủ yếu dựa vào thu từ đất, dầu thô. Xin Bộ trưởng cho biết các giải pháp để chuyển dịch cơ cấu nguồn thu, động viên, bổ sung các nguồn thu bền vững cho giai đoạn tiếp theo?
Ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính: Thực ra nhận định như thế không chính xác. Bởi vì nguồn thu từ đất của năm nay, đến thời điểm hiện nay mới được có 86 nghìn tỷ, tức là đạt được khoảng độ 51%. Thế nhưng mà thu ngân sách chúng ta vẫn bám sát dự toán và đạt được 85 %. Điều đó có nghĩa là nguồn thu không phải chủ yếu từ đất, còn thu từ dầu thô hiện nay rất là ít ỏi. Bởi vì nguồn dầu thô của chúng ta mỗi năm như vậy, chúng ta chỉ sản xuất khoảng độ 9 triệu thùng dầu thôi. Cho nên khoản thu dầu thô không phải là khoản thu cơ bản trọng yếu.
Vì vậy cho nên cơ bản, chúng ta thu dựa trên năng lực của nền kinh tế, có nghĩa là thu nội địa, dựa trên khoản thu về sản xuất thì kinh doanh và các khoản thu thông qua xuất nhập khẩu v.v... Về phía Bộ Tài chính chúng tôi để đảm bảo cho các nguồn thu một cách bền vững, cách mà cơ bản nhất là chúng ta phải tăng được tổng cầu của nền kinh tế. Điều đấy có nghĩa là chúng ta phải hoàn thiện các cơ chế, chính sách, hoàn thiện pháp luật và thúc đẩy vấn đề thu hút đầu tư để đầu tư tư nhân, đầu tư ngoài ngoài ngân sách nhà nước vào càng nhiều. Đồng thời, tăng tổng cầu thông qua đầu tư công, giải ngân nguồn đầu tư công cũng như tăng tiêu dùng và tăng xuất nhập khẩu, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Khi mà vai trò sức khỏe của doanh nghiệp tốt, điều đó có nghĩa là năng lực của nền kinh tế tốt thì nguồn thu của chúng ta sẽ bền vững.
Đảm bảo đủ nguồn cải cách tiền lương từ 1/7/2024 theo Nghị quyết 27-NQ/TW
Phóng viên: Kỳ này Quốc hội dự kiến thông qua chính sách cải cách tiền lương, được đông đảo cán bộ, công chức Nhà nước đặc biệt quan tâm. Trước Quốc hội, Bộ trưởng đã khẳng định đã có giải pháp cân đối được nguồn. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng lưu ý cần cân đối nguồn lực nửa sau nhiệm kỳ để đảm bảo tính khả thi, lâu dài. Bộ trưởng có thể cho biết Bộ sẽ có giải pháp gì để đảm bảo chắc chắn nguồn cải cách tiền lương?
Ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính: Hiện nay, nguồn cải cách tiền lương của cả nước thì chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ và đã có tích lũy từ mấy năm nay được 560 nghìn tỷ để đảm bảo triển khai Nghị quyết 27-NQ/TW từ ngày 1/7/2024. Cải cách tiền lương đến năm 2026 sẽ đảm bảo được trong nguồn đã tích lũy này. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2026 thì nguồn phải được bố trí vào trong dự toán của ngân sách và phải tăng cường điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, thúc đẩy cho nền kinh tế phát triển. Chúng ta còn có vượt thu ngân sách và đồng thời sẽ có nguồn lực để bố trí cho chi tiền lương một cách bền vững. Thế cho nên, cái gốc vẫn là đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững và tăng được thu ngân sách thì chúng ta sẽ có tích lũy để trả nợ, để thực hiện vấn đề cải cách tiền lương.
Phóng viên: Theo Báo cáo trước Quốc hội, dự kiến năm nay, cả chỉ tiêu vay và trả nợ Chính phủ đều sẽ thấp hơn kế hoạch và dự toán. Các chỉ tiêu an toàn nợ từ đầu nhiệm kỳ đến giờ đều trong các mức trần và ngưỡng an toàn được Quốc hội phê duyệt. Nhiệm vụ kiểm soát nợ công sẽ được thực hiện như thế nào để tiếp tục duy trì được kết quả tích cực này trong nửa cuối nhiệm kỳ?
Ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính: Về quản lý nợ công năm 2021, nợ công khoảng 44%, đến nay nợ công chỉ gần 38 %. Nghĩa là chúng ta giảm được lượng nợ công rất là lớn, Bộ Tài chính chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ cơ cấu, tái cơ cấu nợ công để đảm bảo trả nợ công một cách hiệu quả. Có nghĩa là, ta sẽ vay những khoản vay tạo ra hiệu quả kinh tế nhanh nhất và phải bền vững nhất. Thứ hai là sẽ giảm nguồn vay của nước ngoài, tăng nguồn vay trong nước với lãi suất thấp và thời gian kéo dài; tái cơ cấu những khoản nợ cần phải trả trước, thì dùng các khoản vượt thu ngân sách để trả nợ công; hay là phát hành các khoản nợ mới với lãi suất thấp, thời gian dài để trả những khoản nợ mà có lãi suất cao và chỉ triển khai những công trình có hiệu quả kinh tế cao, hiệu quả xã hội cao; thực hiện vay và vay trong khả năng trả nợ.
Trong tương lai, sẽ tập trung cho những dự án lớn là động lực của nền kinh tế, chẳng hạn như là đường sắt cao tốc Bắc Nam, các dự án sân bay, bến cảng; hay là đường sắt từ Lào Cai xuống Hải Phòng, những công trình đường cao tốc và những công trình trọng yếu như các dự án chống ngập lụt của Đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi sẽ tập trung vào những vấn đề đảm bảo cho nền kinh tế tăng tốc và phát triển một cách bền vững./.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!