Kết cấu dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) gồm 154 Điều được bố cục thành 09 chương; trong đó, bổ sung 54 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên: 07 điều. Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 05 nội dung lớn về: nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án; đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án; Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia và đổi mới chế định nhân dân tham gia xét xử.
Ngoài ra, dự thảo Luật còn quy định chặt chẽ về: Tổ chức xét xử; bảo vệ Tòa án; điều kiện bảo đảm; Tòa án điện tử; hợp tác quốc tế; chế độ khen thưởng, kỷ luật; điều khoản thi hành;…
Dự án Luật hướng đến mục tiêu hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tham gia thảo luận tại Tổ 10
Phát biểu tại Phiên thảo luận Tổ 10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, đây là dự án luật khó, đã được cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị kỹ lưỡng, tiến hành khảo sát lấy ý kiến nhiều lần. Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã từng có buổi làm việc với Tòa án nhân dân tối cao (ngày19/8) về một số nội dung lớn trong dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Do đó, đến thời điểm này dự thảo Luật so với các phiên bản dự thảo trước đã có rất nhiều bổ sung, hoàn thiện.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Khoản 2, Điều 3 Hiến pháp năm 2013 quy định “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Do đó, dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) cần phải xây dựng trên tinh thần cụ thể hóa Hiến pháp 2013; phù hợp với Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và các nghị quyết, văn kiện của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp;..
“Vấn đề nào được thực tiễn kiểm nghiệm, có sự đồng thuận cao, đã chín, đã rõ thì đưa vào luật còn nội dung, vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm, chưa quy định trong luật,…”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, đây là Luật tổ chức Tòa án nhân dân, không phải luật về hoạt động của Tòa án, không phải luật về tố tụng. Vì vậy, những nội dung thuộc về hoạt động, thuộc về tố tụng đã cơ bản không quy định trong dự thảo nhưng vẫn còn sót một số nội dung, vì vậy trong quá trình hoàn thiện cần tiếp tục rà soát.
Tán thành với nhiều nội dung đại biểu đã phát biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích và làm rõ thêm một số vấn đề cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện trong quy định liên quan đến: Đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử (khoản 1 Điều 4); Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt (điểm đ khoản 1 Điều 4; Điều 62 và Điều 63). Cụ thể:
Về Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Dự thảo Luật quy định trong tổ chức của Tòa án nhân dân gồm có: Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt để xét xử sơ thẩm các vụ việc đặc thù theo quy định của pháp luật...
Tòa án chuyên biệt góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của Tòa án, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, giải quyết các vụ việc về sở hữu trí tuệ, phá sản, xét xử vị thành niên,.. Khi thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt cụ thể thì phải lập Đề án trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đây là vấn đề mới, việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt phải phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 102 Hiến pháp năm 2013.
Về việc đổi tên Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử (khoản 1 Điều 4), Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng và lý giải đầy đủ để đại biểu Quốc hội hiểu rõ; phải bảo đảm tính tương thích và đồng bộ trong hệ thống pháp luật, trong tố tụng và trong tư pháp. Đồng thời, đề nghị cân nhắc thật kỹ và báo cáo rõ ưu điểm, khuyết điểm, nhược điểm, từng phương án, lợi ích mang lại để đại biểu Quốc hội quyết định. Nếu đổi tên các tòa án cấp tỉnh và cấp huyện thì cũng phải đổi tên con dấu, biển hiệu, các loại mẫu văn bản, giấy tờ dẫn đến phát sinh rất nhiều chi phí.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, lược bỏ một số quy định mới được bổ sung trong dự thảo luật nhưng không thực sự cần thiết. Cụ thể như: Điều 28. Xem xét, kiến nghị về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử (sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 2 LTCTAND 2014); Điều 30 Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử; Điều 33. Giải quyết khiếu nại, tố cáo; Điều 34. Xây dựng pháp luật; Điều 36. Đào tạo, bồi dưỡng; Điều 37. Hợp tác quốc tế…
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cách thức quy định, giải thích trong điều luật phải phù hợp, rõ ràng, dễ hiểu tránh rườm rà, khó hiểu như việc đưa ra khái niệm mang tính khoa học trong việc giải thích "án lệ" tại Điều 31. Lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, việc dự thảo quy định “Án lệ là nguồn của pháp luật”, là không hợp lý vì "nguồn pháp luật" là khái niệm khoa học, thuật ngữ sử dụng trong giảng dạy; nếu đưa vào trong quy định tại điều luật sẽ gây khó hiểu,../.