LUẬT LƯU TRỮ (SỬA ĐỔI): NGHIÊN CỨU QUY ĐỊNH VỀ NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI CÔNG TÁC LƯU TRỮ Ở CÁC CẤP

15/11/2023

Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực lưu trữ. Tham gia ý kiến về dự án luật này, các đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu quy định về nguồn lực đầu tư đối với công tác lưu trữ ở các cấp.

THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT LƯU TRỮ (SỬA ĐỔI): LUẬT HÓA TỐI ĐA CÁC NỘI DUNG ĐÃ RÕ, ĐÃ ĐƯỢC KIỂM NGHIỆM, PHÁT HUY HIỆU QUẢ THỰC TẾ

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực lưu trữ

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Lưu trữ năm 2011 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế như: chưa kịp thời thể chế hoá các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực lưu trữ; nhiều vấn đề của thực tiễn chưa được Luật Lưu trữ năm 2011 quy định hoặc đã được quy định nhưng chưa cụ thể, gây khó khăn trong quá trình thực hiện như: thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, quản lý tài liệu lưu trữ điện tử, hoạt động lưu trữ tư và quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, việc xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lưu trữ, đổi mới hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về lưu trữ, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay, đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế.

Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về việc hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực lưu trữ nhằm khơi dậy khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.

Trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Lưu trữ năm 2011 về những quy định chung, hoạt động nghiệp vụ lưu trữ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, dự thảo Luật có các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 04 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP, gồm: Quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ; Quy định về lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số; Quy định về hoạt động lưu trữ tư; Quy định về hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ năm 2011 và mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật như được nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Việc sửa đổi Luật này cũng là nhiệm vụ lập pháp đã được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung dự thảo Luật cơ bản thống nhất với các chính sách được đề xuất khi đưa dự án Luật vào Chương trình. Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát 12 nội dung giao quy định chi tiết, bảo đảm yêu cầu luật hóa tối đa các nội dung đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo Luật theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động lưu trữ tư nhằm tạo hành lang pháp lý để các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động lưu trữ, góp phần bảo đảm lưu giữ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tư phục vụ lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia, đồng thời thực hiện định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội lưu trữ, một quốc gia lưu trữ.

Ủy ban Pháp luật đề nghị rà soát các quy định của dự thảo Luật với Luật Di sản văn hóa và các nội dung dự kiến sửa đổi Luật này liên quan đến quản lý tài liệu lưu trữ được công nhận là “di sản tư liệu”, tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt được công nhận là bảo vật quốc gia để có quy định phù hợp, tránh chồng chéo, thiếu thống nhất giữa 02 luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định rõ tiêu chí xác định mức độ “ảnh hưởng” tại điểm a khoản 1 Điều 25 của dự thảo Luật để phân biệt với thông tin mà nếu tiếp cận sẽ “ảnh hưởng xấu” đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội thuộc trường hợp không được tiếp cận theo quy định tại Luật Tiếp cận thông tin; từ đó, tạo cơ sở áp dụng thống nhất trong quá trình thực thi các luật này.

Nghiên cứu quy định về nguồn lực đầu tư đối với công tác lưu trữ ở các cấp

Đóng góp ý kiến về dự án luật này tại phiên họp tổ, đại biểu Điều Huỳnh Sang – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cho biết, trước đây Quốc hội đã từng sửa đổi Luật Lưu trữ, tuy nhiên vẫn chưa sửa đổi toàn diện. Đại biểu đánh giá việc sửa đổi lần này là khá toàn diện, tuy nhiên, về việc yêu cầu thu thập tài liệu được quy định tại khoản 2 Điều 17, đại biểu cho rằng quy định này chưa thật sự phù hợp. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định đối với tài liệu được thu thập là các văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành được ký số chữ ký điện tử. Trong trường hợp đã nêu, tài liệu thu thập để lưu là văn bản in ra từ văn bản có chữ ký số hay là được lưu trữ trên môi trường điện tử để áp dụng cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay nhằm để đáp ứng một nhu cầu là chúng ta đang thực hiện công nghệ số.

Về chế tài quy định pháp lý đối với việc nộp lưu tài liệu, đại biểu cho biết, lưu trữ lịch sử ở cấp tỉnh hiện nay rất khó khăn trong việc thu thập tài liệu từ các nguồn nộp lưu. Bên cạnh đó, pháp luật hiện tại cũng thiếu quy định có tính pháp lý đủ mạnh và thiếu chế tài. Các cơ quan, tổ chức thường né tránh và không coi trọng nhiệm vụ nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử với nguyên do sợ thất lạc tài liệu, nộp lưu thì sẽ khó khăn khi cần tài liệu. Vì vậy để tăng cường công tác thu thập cũng như là nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử, góp phần bảo quản và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ chung, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cũng phải nghiên cứu bổ sung và có chế tài về trách nhiệm nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử đối với các cơ quan, đơn vị thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử, đồng thời cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về tài liệu quá hạn khi nộp lưu theo quy định tại các cơ quan, đơn vị thuộc nguồn nộp lưu.

Đại biểu Điều Huỳnh Sang – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước

Về kinh phí đầu tư cho công tác lưu trữ, đại biểu phản ánh, hiện nay việc đầu tư kinh phí cho công tác lưu trữ chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Chính phủ hiện cũng đang rất quyết liệt thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực và tài liệu lưu trữ đã được xác định là có vai trò rất quan trọng, chứa đựng nguồn thông tin về quá khứ, có độ chính xác cao và có giá trị đặc biệt góp phần vào việc xây dựng và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Tuy nhiên tài liệu còn tồn đọng chưa được phân loại, chỉnh lý còn rất nhiều. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định về nguồn lực đầu tư đối với công tác lưu trữ ở các cấp để phục vụ cho việc chỉnh lý số hóa phần mềm, trang thiết bị bảo quản tài liệu cũng như là kho lưu trữ.

Cùng bày tỏ quan điểm về dự án luật này, đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, tại Điểm a, Khoản 3, Điều 14 dự thảo quy định hồ sơ, tài liệu bảo quản có thời hạn là tài liệu có ý nghĩa giá trị và được xác định thời hạn bảo quản 70 năm và dưới 70 năm. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát để nghiên cứu không nên giới hạn thời gian của hồ sơ, tài liệu có thời hạn bảo quản 70 năm. Vì tại Điểm d Khoản 2 của điều này cũng quy định hồ sơ, tài liệu bảo quản có thời hạn được xác định bằng số năm cụ thể và theo quy định về thời hạn bảo quản thì 70 năm là thời gian tối thiểu phải lưu trữ tài liệu nhưng trong quá trình xác định cũng có thể nâng thời hạn lên trên 70 năm và không có thời gian hủy.

Đại biểu nêu ví dụ, trong cái quản lý hồ sơ bệnh án của chúng tôi ở ngành y thì có hồ sơ bệnh án tử vong không có thời gian để hủy hồ sơ nên đề nghị cái điều dung nội dung này đề nghị là sửa thành... nội dung này đề nghị sửa thành hồ sơ, tài liệu bảo quản có thời hạn là tài liệu có ý nghĩa giá trị và được xác định thời hạn bảo quản bằng số năm cụ thể để thống nhất giữa hai điều.

Đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Tại Điều 15 về quy định hủy tài liệu hết giá trị, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và bổ sung nội dung quy định về Hội đồng thẩm tra tài liệu hết thời gian, giá trị tại lưu trữ cơ quan và hủy tài liệu lưu trữ chứa bí mật nhà nước tại lưu trữ cơ quan để các cơ quan, đơn vị có căn cứ thực hiện trong thực tiễn. Và tại điểm b Khoản 4 của Điều 15 quy định là người đứng đầu cơ quan, tổ chức không thuộc nguồn nộp lưu tài liệu và lưu trữ lịch sử quyết định hủy tài liệu hết giá trị sau khi có ý kiến thẩm định của cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp.

Đại biểu đề nghị sửa lại thành người đứng đầu cơ quan, tổ chức không thuộc nguồn lưu trữ tài liệu vào lưu trữ lịch sử quyết định và chịu trách nhiệm hủy tài liệu theo hết hết giá trị theo đúng quy định. Bởi, như trong ngành y thì đối với các hồ sơ bệnh án thì hàng năm hết thời hạn bảo quản, lưu trữ thì số lượng mà để mà hủy khá là nhiều và đều giữ hàng năm. Nếu mỗi lần như thế, các bệnh viện hoặc cơ sở phải báo cáo thành lập Hội đồng cấp trên là cơ quan trực tiếp Sở Y tế thì gần như không khả thi. Do đó, đại biểu đề nghị điều chỉnh lại nội dung này.

Minh Hùng