CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: SẼ LÃNG PHÍ VÀ KHÔNG ĐẠT ĐƯỢC MỤC TIÊU NẾU TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT CỦA NĂM 2024 CHƯA ĐỔI MỚI

17/11/2023

Sáng 17/11, tại Nhà Quốc hội, phát biểu kết luận Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ đặc điểm tình hình của năm 2024 từ đó đặt ra yêu cầu triển khai giám sát của Quốc hội, nếu làm theo cách cũ sẽ lại lãng phí thời gian và không đạt được mục tiêu. Nhấn mạnh rằng giám sát của Quốc hội không chỉ nhằm mục đích bảo đảm cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh mà còn đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, thực thi nghiêm túc các kiến nghị giám sát, những sai phạm phải được xử lý, những chính sách chưa hoàn thiện phải được sửa đổi, bổ sung.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 17/11: HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI NĂM 2024

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: THỐNG NHẤT NHẬN THỨC VÀ HÀNH ĐỘNG ĐỂ GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI NGÀY CÀNG TỐT HƠN

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe các phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến phát biểu của đại diện các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các địa phương. Qua đó đã tập trung làm rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan trong các hoạt động giám sát; đồng thời trao đổi, thống nhất về nhận thức, nội dung, công tác phối hợp, các biện pháp để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2024. 

Toàn cảnh Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 từ điểm cầu Nhà Quốc hội

Chia sẻ nhận định được đưa ra trong Báo cáo đánh giá kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2023 và triển khai chương trình giám sát năm 2024 và các tham luận của các đại biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã điểm lại 6 kết quả nổi bật, lưu ý một số tồn tại hạn chế trong triển khai hoạt động giám sát thời gian qua.

Về việc triển khai hoạt động giám sát năm 2024, nhấn mạnh bối cảnh của năm 2024 là năm chuẩn bị cho đại hội các cấp cơ sở; đồng thời tiến hành tổ chức sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện trước khi tiến hành đại hội cơ sở, do đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý công tác nghiên cứu, khảo sát, phối hợp phải hết sức cân nhắc để vừa đạt được yêu cầu mục tiêu giám sát nhưng không ảnh hưởng đến địa phương, cơ sở.

Cùng với đó, nhiều chuyên đề giám sát của năm 2024 đã có sẵn dữ liệu do Quốc hội lựa chọn nội dung giám sát như giám sát về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” hay giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” là những nội dung đã có báo cáo của Chính phủ hay đã có tổng kết thi hành pháp luật, vấn đề đặt ra là phải khai thác kho dữ liệu này. Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là điểm thuận lợi và giám sát tới đây tập trung vào công tác ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết và tổ chức thực thi.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị

Hay như giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”, Bộ Chính trị đã có kết luận về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW về đơn vị sự nghiệp công lập,  Chính phủ cũng đã tổ chức về tổng kết thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW…Do đó thời gian tới giám sát tập trung giải quyết những vấn đề thực tiễn như vấn đề Hội đồng trường hay hội đồng quản lý trong các bệnh viện…là những vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nếu giám sát của năm 2024 làm theo cách cũ sẽ lại lãng phí thời gian và không đạt được mục tiêu. Quán triệt đặc điểm tình hình trên, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh một số trọng điểm trong triển khai chương trình giám sát.

Một là, liên quan đến hoàn thiện khuôn khổ, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ tập trung cao độ cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giải trình của Hội đồng dân tộc và các cơ quan Quốc hội. Đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các nghị quyết liên tịch về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Hai là, các Đoàn giám sát chuyên đề cần tận dụng tối đa các tài liệu hồ sơ sẵn có về sơ kết, tổng kết, đánh giá những nội dung liên quan đến vấn đề giám sát, nhất là những nội dung mà trong quá trình thảo luận để thông qua các Luật. Tập trung vào giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết và nhất là khâu tổ chức thực thi để luật và các chủ trương đi vào cuộc sống và thực hiện nghiêm đối với các hình thức giám sát khác.

Tiếp tục nghiên cứu cách thức tiến hành chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có thể trong một buổi có nhiều Bộ trưởng, trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay hầu hết là các vị Bộ trưởng, trưởng ngành đều đã trả lời chất vấn. Do đó, xem xét đưa ra chất vấn những nội dung có tính chất liên ngành hoặc liên quan trực tiếp đến nhiều người; nghiên cứu đổi mới để chất vấn đạt hiệu quả tốt hơn. Cùng với đó tiếp tục làm tốt chất vấn giữa nhiệm kỳ tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm tới.

Ba là, về thẩm tra các báo cáo tại các kỳ họp phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, không chờ đến khi có báo cáo mới thẩm tra mà trên cơ sở tận dụng tối đa các hoạt động giám sát thường xuyên của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội cùng các nguồn thông tin, tài liệu khác. Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng để có thể giám sát phản biện sâu sắc về kinh tế - xã hội thì trước đó, Ủy ban Kinh tế đã phải tổ chức Diễn đàn về Kinh tế - Xã hội để tập hợp và lắng nghe các các chuyên gia trong và ngoài nước, ở trung ương và địa phương.

Lưu ý đến giám sát các văn bản quy phạm pháp luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải sớm báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của năm 2023 của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 101/2023/QH15 về công tác tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật để cùng với phối hợp với Chính phủ, các cơ quan hữu quan xác định những nội dung đề xuất bổ sung để hoàn thiện chương trình xây dựng pháp luật, đặc biệt tập trung vào việc cải cách hành chính.

Bốn là, tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát. Trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định tại Điều 33 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Đồng thời, tăng cường hơn công tác thông tin, báo cáo về kết quả giám sát, các kiến nghị và kết luận.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra: Chế tài nào để tăng cường hiệu quả thực hiện các kiến nghị, kết luận giám sát của Quốc hội? Hoạt động của Quốc hội khác với hoạt động của các cơ quan nhà nước khác. Công cụ mạnh nhất của Quốc hội là công khai, minh bạch. Do đó, công khai kết quả giám sát ra xã hội để người dân phản biện, giám sát thì đó chính là chế tài mạnh nhất. Nếu làm tốt công tác truyền thông, công khai về kết quả giám sát, về nội dung của giám sát, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan thực hiện các kết luận, kiến nghị của hoạt động giám sát là gì thì đó là chế tài mạnh nhất, công cụ mạnh mẽ nhất của Quốc hội hoạt động với tư cách là cơ quan dân cử và ở các địa phương cũng tương tự như vậy.

Năm là, tập trung đổi mới, tiếp tục tạo chuyển biến về chất trong hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan Quốc hội. Tại Hội nghị năm sau cần có báo cáo riêng về nội dung này, nhất là sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban  hành nghị quyết hướng dẫn hoạt động giải trình tại các cơ quan của Quốc hội. 

Sáu là, chú trọng tăng cường giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội gắn với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền giám sát của đại biểu Quốc hội.

Bảy là, tăng cường hoạt động của công tác phối hợp với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, hệ thống chính trị ở địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ huy động sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phản biện xã hội một số nội dung chính của các chuyên đề giám sát. Tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm về kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất và công tác điều hòa, phối hợp với các cơ quan... trong hoạt động giám sát. 

Tám là, tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất v.v và cực công tác điều hòa, phối hợp với các cơ quan cũng như chức năng điều hòa, phối hợp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong hoạt động giám sát.

Khẳng định quan điểm chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát có tác động quan trọng, không chỉ liên quan đến chất lượng của hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, mà còn liên quan đến toàn bộ hoạt động của Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hoạt động giám sát của Quốc hội không chỉ nhằm mục đích bảo đảm cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất mà còn đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân.

Cùng với sự hoàn thiện của Nhà nước pháp quyền, yêu cầu của đời sống kinh tế - xã hội đòi hỏi tính minh bạch, dân chủ ngày càng cao, hoạt động giám sát không chỉ đạt mục đích phát hiện ra vấn đề, đưa ra các kiến nghị mà còn đòi hỏi đối tượng chịu sự giám sát phải thực thi các kiến nghị đó một cách ng­hiêm túc, những sai phạm phải được xử lý, những chính sách chưa hoàn thiện phải được sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ, đáp ứng yêu cầu thực tế./.