CẦN CHÚ TRỌNG THEO DÕI THỰC HIỆN CÁC KẾT LUẬN GIÁM SÁT, NÂNG CAO HIỆU LỰC SAU GIÁM SÁT

18/11/2023

Tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, nhiều đại biểu nhấn mạnh cần tiếp tục chú trọng theo dõi việc thực hiện các kết luận giám sát, tái giám sát, chất vấn, tái chất vấn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả sau giám sát, đôn đốc đến cùng kết quả giải quyết, tập trung sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và triển khai các công việc liên quan

TOÀN VĂN PHÁT BIỂU CỦA PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG KHAI MẠC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI, ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NĂM 2024

GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VỀ BIÊN GIỚI LÃNH THỔ VIỆT NAM - CAMPUCHIA

Những đổi mới trong hoạt động giám sát năm 2023 và nửa nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV ngày càng đi vào chiều sâu

Năm 2023, hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng có những đổi mới, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội vì giám sát liên quan trực tiếp đến cả xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia của Quốc hội. Làm tốt chức năng giám sát sẽ tạo điều kiện để làm tốt chức năng lập pháp và chức năng quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia. Cụ thể, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để kịp thời thể chế hóa Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2.2.2023 của Bộ Chính trị; tích cực chỉ đạo việc nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ đề xuất xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Cùng với Nghị quyết số 560 về hướng dẫn giám sát văn bản quy phạm pháp luật, hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đang tích cực chỉ đạo hoàn thiện dự thảo Nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội.

Toàn cảnh Hội nghị triển khai hoạt động giám sát 2024

Có thể nói, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội được duy trì đều đặn, cương quyết làm và làm có kết quả. việc lựa chọn chủ đề chất vấn, tìm tòi, đổi mới hoạt động chất vấn ngày càng được quan tâm và có những hiệu quả cụ thể. Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục là một điểm sáng trong tổ chức giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, được tổ chức nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả. Thay vì hầu hết là hậu kiểm thì các chuyên đề giám sát trong nhiệm kỳ này đã tập trung vào các nội dung đang trong quá trình thực hiện. Trong đó, phải kể đến chuyên đề giám sát 3 chương trình mục tiêu Quốc gia, đã tạo chuyển biến rồi, trong quá trình giám sát tạo ra chuyển biến rất lớn. Quốc hội cùng với Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện 3 Chương trình hết sức quan trọng này", Chủ tịch Quốc hội cho biết. 

Một điểm mới trong hoạt động giám sát là, đẩy mạnh hoạt động tái giám sát, giám sát những vấn đề sau giám sát được quan tâm nhiều hơn, theo đến cùng các vấn đề. Trong đó, bên cạnh việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các nghị quyết giám sát chuyên đề, nghị quyết về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm thu hút sự quan tâm đặc biệt không chỉ của các đại biểu Quốc hội, mà còn có sự quan tâm của đông đảo cử tri, Nhân dân. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hoạt động này đã được tổ chức đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, tiến hành cẩn trọng, chu đáo, kỹ lưỡng, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố công khai ngay và được cử tri, Nhân dân đồng tình, đánh giá cao. 

Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri ngày càng được tăng cường và trở thành hoạt động thường xuyên, ngày càng đi vào chiều sâu và có kết quả cụ thể. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ban Dân nguyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết ở Trung ương và địa phương theo dõi, đôn đốc và giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát đối với hơn 1.000 vụ việc phức tạp, kéo dài được các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp lập danh sách để rà soát; 150 vụ việc cụ thể đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị tại kỳ báo cáo năm 2022; 104 vụ việc phức tạp, đông người được kiến nghị tại Báo cáo dân nguyện hằng tháng; 5.358 kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tư và Kỳ họp thứ Năm; 1.009 kiến nghị được Chính phủ, Bộ, ngành tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu

Việc tiến hành giám sát được thực hiện đồng bộ, thống nhất theo đúng quy định tại Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã quyết định tổ chức rà soát tổng thể hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chủ động thành lập và chỉ đạo triển khai các hoạt động của Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15; qua đó, phát hiện, xác định cụ thể những quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật và văn bản dưới luật có liên quan, báo cáo Quốc hội kết quả rà soát tại Kỳ họp thứ Sáu này, là dữ liệu đầu vào hết sức quan trọng để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian tới.  Cùng với đó, công tác giám sát, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân tiếp tục được quan tâm, thể hiện rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc hướng dẫn, giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân, nhất là với việc ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12.9.2022 hướng dẫn hoạt động giám sát của của Hội đồng nhân dân. Công tác chỉ đạo, điều hòa hoạt động giám sát đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời, cả về nội dung, đối tượng, thời gian, địa điểm giám sát, cơ bản bảo đảm nguyên tắc điều hòa chung. 

Từ những kết quả trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, trên cơ sở Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023,  đã cung cấp cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương những thông tin có giá trị cho công tác chỉ đạo, điều hành để khắc phục những hạn chế, thiếu sót. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng chỉ rõ, qua các hoạt động giám sát đã phát hiện, chấn chỉnh và có biện pháp kiến nghị xử lý những thiếu sót, hạn chế, vi phạm và hoàn thiện thể chế, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước. 

Tiếp tục chú trọng theo dõi việc thực hiện các kết luận giám sát, tái giám sát, chất vấn, tái chất vấn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả sau giám sát

Từ thực tiễn tại địa phương, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Thường trực HĐND TP. Hà Nội thống nhất cao đối với những đánh giá tình hình thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời nhấn mạnh, chính từ việc Đảng đoàn Quốc hội xác định“Việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, cũng như sự quyết liệt, chuyên nghiệp, chất lượng hiệu quả từ các chương trình giám sát của Quốc hội đã lan tỏa, tạo động lực hướng dẫn hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp mà Hà Nội luôn chú trọng học tập, triển khai tạo chuyển biến, chuẩn hoá, theo hướng đồng bộ.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu

Thường trực HĐND TP. Hà Nội đã thường xuyên nghiên cứu, tiếp thu các kinh nghiệm, cách làm hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xây dựng các đề án, kế hoạch, giải pháp để tiếp tục đổi mới, cải tiến hoạt động giám sát theo hướng thực chất, khoa học, hiệu quả, bám sát các quy định của Luật và tình hình thực tiễn của Thành phố giám sát sâu, đi tận cùng vấn đề. Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 về “Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND”; cùng với triển khai thực hiện Đề án số 15-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, hoạt động giám sát của HĐND các cấp Thành phố đã thực sự “tươi mới”, không ngừng nâng cao về chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và thực chất. Hoạt động chất vấn, giải trình của HĐND, Thường trực HĐND thành phố được đổi mới hoạt động theo hướng thực chất, rõ kết quả....Đối với các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trên địa bàn thành phố, Thường trực HĐND TP. Hà Nội luôn phối hợp chặt chẽ, tham gia tích cực, trách nhiệm; tham khảo nội dung chương trình, kế hoạch giám sát để có sự lồng ghép, phối hợp chặt chẽ, chủ động hơn, sớm hơn và hiệu quả thiết thực. Thường trực HĐND TP. Hà Nội cũng đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tích cực tham gia trách nhiệm, triển khai có hiệu quả các chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Từ sự lan tỏa với những cách làm quyết liệt, hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội cũng cho biết, HĐND TP Hà Nội đã đổi mới, học tập, triển khai nhiều cách làm hay, đẩy mạnh và phát huy hiệu quả hoạt động giám sát. Việc giám sát tại kỳ họp chú trọng nghiên cứu, xem xét kỹ các báo cáo của UBND và các cơ quan theo quy định để tăng cường thảo luận, quyết nghị ban hành các nghị quyết. Hoạt động chất vấn của HĐND Thành phố tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, mở rộng chất vấn tới Chủ tịch UBND cấp huyện, các đơn vị có liên quan về trách nhiệm của mình; tăng cường tranh luận, làm rõ, đi đến tận cùng vấn đề, người trả lời chất vấn có giải trình, cam kết rõ lộ trình, giải pháp, trách nhiệm để giải quyết triệt để.

Hoạt động giám sát chuyên đề được chuẩn hóa trong việc xây dựng chương trình, tổ chức đoàn giám sát và ban hành kết luận, theo dõi, tái giám sát việc thực hiện kết luận. Điểm mới là sự chủ động phối hợp trong hoạt động giám sát giữa HĐND với Đoàn đại biểu Quốc hội gắn với thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội; nhiều cuộc giám sát quan trọng của HĐND Thành phố đã mời đại biểu Quốc hội ứng cử trên địa bàn tham dự vừa phát huy được trí tuệ của đại biểu, vừa cung cấp thông tin, tạo tiếng nói thống nhất, hiệu quả hơn trên diễn đàn dân cử. Đồng thời, tăng cường giám sát tại cơ sở, chú trọng vào các đối tượng tác động trực tiếp, trao đổi kỹ giữa các bên có liên quan để có cái nhìn chân thực, khách quan nhất; tổ chức buổi giám sát linh hoạt theo nhóm các đơn vị tương đồng về nội dung, chức năng, nhiệm vụ; kết hợp giữa làm việc trực tiếp tại đơn vị giám sát và làm việc tại Trụ sở của HĐND để mở rộng được thành phần, đối tượng giám sát.

Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị Quốc hội sớm tổng kết và xem xét sửa đổi, ban hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND mới, trong đó, đề nghị nghiên cứu cụ thể hóa hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND, nhất là việc thực hiện các công việc giữa 2 kỳ họp của HĐND; tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát vào một số lĩnh vực như: công tác quy hoạch, công tác quản lý đất đai; các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; các chính sách an sinh xã hội; công tác giải quyết kiến nghị của cử tri, đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân và việc thực hiện các kết luận giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quả giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử từ Quốc hội đến HĐND các cấp. Đẩy mạnh công khai thông tin liên quan đến báo cáo kết quả kiểm toán, thanh tra của các cơ quan liên quan nhằm cung cấp thông tin xác thực, đầy đủ, tránh chồng chéo, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát. Xây dựng cơ sở dữ liệu chung, sử dụng phần mềm để theo dõi, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát, công tác giải quyết kiến nghị cử tri, công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân. Tiếp tục tăng cường tham mưu công tác tập huấn, bồi dưỡng về hoạt động giám sát; quy trình giám sát và kỹ năng thực hiện quyền giám sát. 

Đại biểu Ma Thị Thuý, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang 

Từ thực tiễn giám sát trong năm 2023, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thuý nêu rõ, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các giám sát khảo sát chuyên đề của các cơ quan của Quốc hội được thực hiện rất nghiêm túc, bài bản, có đổi mới về phương pháp, nâng cao vai trò, trách nhiệm các thành viên Đoàn giám sát trong suốt quá trình thực hiện hoạt động giám sát. Tuy nhiên, đại biểu Ma Thị Thuý đề nghị, cần quan tâm bố trí cân đối thời gian hợp lý giữa các đợt giám sát và các địa bàn giám sát, tránh chồng chéo địa bàn và thời gian để các thành viên Đoàn giám sát thuận lợi hơn trong bố trí tham gia. 

Về giám sát, xem xét các nội dung chất vấn và kết quả trả lời chất vấn của các cơ quan thuộc Chính phủ được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, mong muốn cần được trao đổi, nhưng thời gian dành cho chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp không nhiều, việc viết phiếu chất vấn là tiếp tục cho hoạt động chất vấn. Tuy nhiên, theo đại biểu Ma Thị Thuý, chất lượng trả lời phiếu chất vấn của đại biểu cũng cần xem xét lại. Hiện nay, trong các báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa có phần đánh giá này, ít nhiều làm giảm hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Trong giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri, đại biểu Ma Thị Thúy cho biết, cử tri đánh giá rất cao việc Quốc hội đưa vào chương trình thảo luận tại kỳ họp Quốc hội; đồng thời mong muốn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chú trọng quan tâm hơn các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng thuộc diện theo dõi giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có quan tâm triển khai các phiên giải trình theo các chuyên đề mà đông đảo cử tri quan tâm, Quốc hội cũng cần chú trọng hơn các vấn đề bức xúc, nổi lên trong thực tiễn, góp phần thúc đẩy để các cơ quan nhà nước minh bạch hơn, phản ứng nhanh hơn trước những yêu cầu, tình huống của cuộc sống đặt ra. 

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy đề nghị tập trung bám sát vào những trọng tâm định hướng của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND, Ủy ban MTTQ trong việc thực hiện các chức năng nhiệm vụ của mỗi cơ quan trong hoạt động giám sát. 

Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan trong việc điều hòa, phối hợp trong hoạt động giám sát kịp thời và hiệu quả, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác chất vấn (chất vấn trực tiếp và gián tiếp), cần chủ động xây dựng kế hoạch giải trình, bảo đảm sự đa dạng, kịp thời bám sát các yêu cầu thực tiễn, quan tâm công tác bồi dưỡng kỹ năng, năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội là thành viên của Đoàn trong tham gia các hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương.

Tiếp tục rà soát, xây dựng các quy trình để từng bước chuẩn hóa hoạt động giám sát bám sát theo quy định của Luật và hướng dẫn theo Nghị quyết số 594/QH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đảm bảo bài bản, khoa học, chất lượng, hiệu quả.

Tiếp tục chú trọng theo dõi việc thực hiện các kết luận giám sát, tái giám sát, chất vấn, tái chất vấn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả sau giám sát. Các cơ quan của Quốc hội trên cơ sở lĩnh vực phụ trách phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát, theo dõi, đôn đốc kết quả thực hiện, các kết luận giám sát, chất vấn, giải trình đều phải được thực hiện và đôn đốc đến cùng kết quả giải quyết. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện kéo dài thì đề nghị có chế tài xử lý đối với những tổ chức, cá nhân thực hiện không nghiêm túc. Đổi mới việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân đồng thời cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm phối hợp tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh 

Còn Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc tổng hợp các kiến nghị sau giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội để chuyển đến các Bộ, ngành hữu quan xem xét giải quyết, có ý kiến trả lời cho địa phương; tiếp tục quan tâm cho công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đại biểu Quốc hội về quy trình giám sát, cách thức tổ chức giám sát, cách lựa chọn vấn đề giám sát; chọn lựa chuyên gia, hướng dẫn rõ hơn về cơ chế và quy định về thẩm quyền, chi phí cho chuyên gia…

Cùng với đó, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cũng nhấn mạnh cần tiếp tục cải tiến phương thức tổ chức hoạt động giám sát, tăng cường vai trò và thẩm quyền giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương, nâng cao chất lượng công tác theo dõi, tổng hợp, thẩm tra, đánh giá đối với kết quả thực hiện các kiến nghị của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội nhằm đảm bảo các kiến nghị được giải quyết triệt để, kịp thời; chú trọng giám sát lại vấn đề đã kiến nghị của các cuộc giám sát trước.

Năm 2024 cần tập trung cao độ sửa đổi hệ thống pháp luật về hoạt động giám sát

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân, thời gian qua, Hội đồng Dân tộc đã khẩn trương ban hành Nghị quyết thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và triển khai các công việc liên quan. Đến nay, trên cơ sở đánh giá sơ bộ kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế qua 7 năm thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, Ban Chỉ đạo cơ bản đã thống nhất và cho ý kiến tiếp tục rà soát, bổ sung 05 chính sách đó là:

Chính sách 1: Gắn hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân với hoạt động lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương và bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm đã được đề ra, tình hình thực tế của đất nước, của địa phương. Chính sách 2: Hoàn thiện quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, cơ quan của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong hoạt động giám sát. Chính sách 3: Hoàn thiện các quy định liên quan đến bảo đảm thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát. Chính sách 4: Hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn hoạt động giám sát. Chính sách 5: Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về cung cấp, chia sẻ, trao đổi, xử lý, sử dụng, quản lý, bảo quản, xử lý thông tin từ các tài liệu, dữ liệu, hoạt động giám sát có liên quan và các hoạt động khác trong hoạt động giám sát; ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát; các quy định cần thiết khác; luật hóa các quy định đã được quy định, hướng dẫn trong các văn bản của cơ quan có thẩm quyền được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng, phù hợp cần được pháp điển hóa, luật hóa. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Năm 2024 sẽ tiến hành giám sát các chuyên đề về hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; chuyên đề về Nghị quyết số 43 của Quốc hội, quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội, trật tự, an toàn giao thông... Chia sẻ kiến nghị của nhiều đại biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, qua thực tiễn giám sát cho thấy giám sát của Quốc hội cần có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan thanh tra, kiểm toán.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị tập trung cao độ cho 3 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 gồm: sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động, giải trình của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan Quốc hội; đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các nghị quyết liên tịch về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu cách thức tiến hành chất vấn tại các Kỳ họp của Quốc hội, Phiên họp của Thường vụ Quốc hội; chuẩn bị thực hiện tốt chất vấn giữa nhiệm kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến tại phiên họp tháng 8 năm 2024.

Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt, quan tâm hơn nữa đến công tác giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát. Trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định tại Điều 33 của Luật Hoạt động giám sát Quốc hội, HĐND; đồng thời tăng cường hơn công tác thông tin về kết quả giám sát. Một số đại biểu nêu bây giờ chế tài nào để tăng cường hiệu quả thực hiện các kiến nghị, kết luận giám sát của Quốc hội? Hoạt động của Quốc hội khác với hoạt động của các cơ quan nhà nước khác. Công cụ mạnh nhất của chúng ta là công khai, minh bạch. Chúng ta công khai kết quả giám sát ra xã hội để người dân phản biện, giám sát thì đó chính là chế tài mạnh nhất. Nếu chúng ta làm tốt công tác truyền thông về kết quả giám sát, về nội dung của giám sát, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan là gì, thực hiện các kết luận, kiến nghị của hoạt động giám sát đó là gì? Thông qua công khai các kết quả giám sát thì đó là chế tài mạnh nhất, công cụ mạnh mẽ nhất của Quốc hội. Ở địa phương cũng tương tự như vậy.

Chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát có tác động quan trọng, không chỉ liên quan đến chất lượng của hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, mà còn liên quan đến toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Hoạt động giám sát của Quốc hội không chỉ nhằm mục đích bảo đảm cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất mà còn đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân.

Hải Yến