CẦN THIẾT CẢI THIỆN NỘI LỰC SẢN XUẤT, KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG VÀ SỨC CHỐNG CHỊU CỦA NỀN KINH TẾ

21/11/2023

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, nền kinh tế độc lập là nền kinh tế có năng lực quản trị quốc gia tốt, năng lực hoạch định đường lối, thể chế, chủ động, tham gia kiến tạo và biết vận dụng sáng tạo cam kết quốc tế phù hợp điều kiện và khả năng của đất nước; có năng lực cạnh tranh cao ở cả cấp độ nền kinh tế, doanh nghiệp, sản phẩm quốc gia.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Toàn cảnh phiên thảo luận về kinh tế - xã hội

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, bên cạnh những thành tựu, tiềm năng và lợi thế phát triển, nền kinh tế nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức nhất là đặt trong bối cảnh năng lực tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc hoặc tác động bên ngoài còn yếu.

Nền kinh tế còn phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài

Theo TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, khả năng tự chủ của nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động hoạt động sản xuất khu vực đầu tư nước ngoài và một số thị trường lớn. Hiện nay, trong cơ cấu kinh tế, năm 2021, khu vực FDI đóng góp tới 20,02% GDP, chiếm 73,4% tổng giá trị xuất khẩu; nếu đánh giá căn cứ vào chỉ số giá trị gia tăng, doanh thu và việc làm thì các doanh nghiệp FDI chi phối 12 trên 24 phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng vai trò chi phối ở 4 trong 5 ngành công nghiệp xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dệt may, da giày, điện tử và sản xuất đồ gỗ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thay thế nhập khẩu như ngành cao su-nhựa, kim loại cơ bản và các sản phẩm cơ khí.

TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Tuy nhiên, đóng góp vào ngân sách nhà nước của khu vực ĐTNN còn khiêm tốn; số lượng dự án đầu tư với công nghệ cao, giá trị gia tăng vào Việt Nam vẫn còn thấp, nhiều dự án vẫn còn thâm dụng lao động phổ thông, sử dụng nhiều đất đai, và ảnh hưởng đến môi trường, chưa có tính lan tỏa cao về công nghệ, chuỗi cung ứng….

Kết quả phân tích cấu trúc liên ngành I-O chỉ ra rằng chênh lệch GDP và GNI ngày càng lớn trong những năm gần đây (giai đoạn 2011-2015, bình quân GNI bằng khoảng 95,46%; giai đoạn 2016-2020 chỉ còn là 94,13%) cho thấy dòng tiền quay ngược lại các nước đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng (luồng tiền chảy ra thông qua chi trả sở hữu tăng mạnh), GDP tăng trưởng nhanh nhưng nguồn lực của nền kinh tế không gia tăng tương ứng. Nếu GDP theo giá thực tế năm 2020 so với 2010 tăng 2,9 lần thì chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài năm 2020 so với 2010 tăng khoảng 4,5 lần.

Nhìn từ dòng vốn FDI, nền kinh tế nước ta còn phụ thuộc vào một số ít thị trường, chủ yếu là các nước Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan... Đầu tư của các quốc gia thuộc khu vực Đông Á và Đông Nam Á (chỉ tính trong top 10) chiếm đến 76,5% và trong top 10 thì có đến 8 quốc gia khu vực Đông Á và Đông Nam Á năm trong nhóm dẫn đầu.

Nội lực sản xuất của nền kinh tế còn thấp

Theo kết quả nghiên cứu về chỉ số lan tỏa và độ nhạy tính toán từ bảng I.O 2012, 2016, 2019, hầu hết những ngành thuộc công nghiệp chế biến chế tạo tuy có chỉ số lan tỏa và độ nhạy cao nhưng lại kích thích mạnh đến nhập khẩu và lan tỏa đến giá trị tăng thêm thấp hơn mức bình quân chung khá nhiều. Điều này cho thấy công nghiệp chế biến chế tạo ở Việt Nam chủ yếu là gia công và càng ngày mức độ gia công càng cao hơn.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Kỳ họp thứ 6

Trong nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo gồm 63 tiểu ngành, từ mã ngành 35-97 chỉ có 11 tiểu ngành có chỉ số lan tỏa đến giá trị tăng thêm cao và lan tỏa thấp đến nhập khẩu; trong đó 9 nhóm ngành thuộc về công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp. Nếu không có những đột phá về khoa học thì không thể thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước.

Thực tế hiện nay, các ngành công nghiệp và doanh nghiệp nội địa của ta nhìn chung mới chỉ tham gia được vào các khâu trung gian có giá trị gia tăng thấp (gia công, lắp ráp) trong chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi các phân khúc có giá trị gia tăng cao đều ở nước ngoài như các khâu thượng nguồn (nghiên cứu phát triển, thiết kế sản phẩm; quảng bá sản phẩm, phân phối, chăm sóc khách hàng…) và các khâu hạ nguồn (nguyên, nhiên vật liệu, máy móc thiết bị sản xuất).

Chẳng hạn, đối với ngành dệt may, ta hiện chủ yếu tham gia vào các khẩu gia công (CMT) chiếm đến 60% và chỉ khoảng 5% xuất khẩu theo phương thức ODM (thiết kế trên ý tưởng có sẵn, sản xuất); Ngành điện tử hiện nay là ngành tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu, tuy nhiên, ngành điện tử Việt Nam (bao gồm cả các doanh nghiệp FDI) hiện đang đứng ở vị trí thấp nhất trong chuỗi giá trị là công đoạn lắp ráp và gia công sản phẩm. Các dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp cũng còn yếu (tư vấn đầu tư, sản xuất, kết nối thị trường, đào tạo nguồn nhân lực…).

Năng lực tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế còn yếu

Các ngành công nghiệp chủ đạo phục vụ xuất khẩu vẫn phải nhập khẩu hầu hết công nghệ, máy móc thiết bị, phụ tùng, nguyên liệu chính cho sản xuất công nghiệp; Việt Nam nhập siêu tới 9,3 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm; nhập khẩu 90% bông nguyên liệu, 40% xơ sợi tổng hợp, 50% sợi bông và 80% vải khổ rộng; 90% các sản phẩm trung gian và phụ kiện, sợi, dệt, vải dệt kim phục vụ gia công xuất khẩu CMT trong cơ cấu kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu hàng dệt may; ngành da giầy nhập 40-45% nguyên liệu từ nước ngoài; 75%-80% nguyên liệu và phụ liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động sản xuất nhựa phải nhập khẩu… Theo dữ liệu tính toán của UNIDO 2020, giai đoạn 2011- 2019, tỷ trọng nhập khẩu sản phẩm trung gian của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu tăng từ 60,8% năm 2010 lên đến 69,3% năm 2019, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam phải nhập khẩu trên 70% máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp; Nguồn giống cây trồng vật nuôi còn phụ thuộc vào nhập khẩu. Chỉ tính riêng giống cây trồng, trung bình mỗi năm phải chi 500-700 triệu USD để nhập khẩu, trong đó có 80% giống rau, hoa. Với lợn và gia cầm, mỗi năm phải chi 126-130 triệu USD để nhập khẩu giống. Công tác giống mới chỉ tập trung vào cây trồng, vật nuôi ngắn ngày, sinh trưởng nhanh như lúa mới đáp ứng 80%, ngô 40%, rau quả 20%, còn lại vẫn phải nhập khẩu. Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp (chiếm tới 70 - 80%), sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm khoảng 15-30%. Các nông sản xuất khẩu chủ yếu vẫn là xuất thô, sơ chế.

Minh Hùng