Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An
Phóng viên: Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều ý kiến góp ý về quy định mở rộng nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Liên quan đến mở rộng đối tượng đóng BHXH bắt buộc, tôi rất băn khoăn Điều 3, khoản 1, điểm a quy định mở rộng đối tượng lao động có hưởng lương (ký hợp đồng hoặc không ký hợp đồng) đủ một tháng trở lên đều phải đóng BHXH bắt buộc. Tôi cho rằng, quy định như vậy tính khả thi không cao. Vì hiện nay có rất nhiều loại hình lao động đặc thù, có thể chỉ làm trong một tháng ví dụ như nhân viên quán ăn, nhà hàng, họ chỉ thỏa thuận miệng làm trong một thời gian, một tháng, có khi không đủ một tháng hoặc có khi hơn rồi nghỉ. Nếu đưa đối tượng này vào diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì rất khó khả thi.
Quay lại khái niệm, định nghĩa về bảo hiểm xã hội bắt buộc là gì, tôi nhận thấy, đây là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia. Nếu quy định như vậy thì ai không tham gia nghĩa là vi phạm pháp luật và cần phải có chế tài. Do đó, theo tôi, để khuyến khích cũng như mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đề nghị nâng thời gian đối tượng lao động có hưởng lương là 6 tháng trở lên và phải có hợp đồng thì mới có cơ sở để thực hiện và đóng bảo hiểm.
Chẳng hạn hiện có nhiều trường hợp người lao động làm nhiều thời gian nhưng không có hợp đồng, chỉ là trao đổi miệng với nhau và thực tế hiện nay trong thị trường lao động có rất nhiều trường hợp như vậy. Và không thể có một công cụ, cơ quan nào để quản lý hết những trường hợp này. Vì vậy, tôi đề nghị nâng thời gian lên và điều kiện là có ký kết hợp đồng. Đồng thời bổ sung người lao động mất việc trong một khoảng thời gian hoặc tạm thời dừng hợp đồng thì họ sẽ tham gia bảo hiểm tự nguyện, có nghĩa là họ có quyền gián đoạn BHXH bắt buộc. Còn nếu người lao động có điều kiện thì họ vẫn tiếp tục tham gia bảo hiểm, khuyến khích đảm bảo liên tục.
Từ những phân tích nêu trên, tôi đề nghị bổ sung quy định như vậy để khuyến khích người lao động trong thời gian dừng việc hoặc mất việc làm trong giai đoạn ngắn thì có thể chuyển sang tham gia bảo hiểm tự nguyện. Tức là người lao động có thể tham gia tự nguyện bằng mức lương mà họ vừa rời khỏi nơi làm việc. Quy định như vậy sẽ phù hợp và khả thi hơn.
Toàn cảnh Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Đối với việc mở rộng đối tượng là chủ hộ kinh doanh, tôi nhận thấy, hiện loại hình chủ hộ kinh doanh có đăng ký và không đăng ký, nếu tham gia bảo hiểm bắt buộc thì họ đóng trọn vẹn. Tôi băn khoăn căn cứ vào đâu để lấy mức tối thiểu cho các chủ hộ kinh doanh này đóng bảo hiểm, trong khi họ không có lương, thu nhập đó có thể là kinh doanh buôn bán, có thể là những quầy tạp hóa, quầy nước, những cửa hàng ăn uống… Như vậy, không có cơ sở để xác định một tháng doanh thu của chủ hộ đó để có thể đóng bảo hiểm. Hiện nay, các hộ này nộp thuế môn bài, theo hình thức khoán. Bây giờ nếu đóng bảo hiểm bắt buộc thì chúng ta phải có cơ sở để tính mức tối thiểu doanh thu để các chủ hộ kinh doanh đóng bảo hiểm. Tuy nhiên, mỗi hộ có thu nhập khác nhau, quan trọng là cơ sở nào để chúng ta xác định được doanh thu để bắt buộc các chủ hộ kinh doanh đóng.
Tôi cho rằng, chúng ta nên khuyến khích, vận động người dân tham gia đóng bảo hiểm tự nguyện. Với xu hướng sắp tới, bằng sự điều tiết, quản lý nhà nước, chúng ta nên vận động xã hội, khuyến khích bằng những chính sách thực tế để người dân tham gia bảo hiểm tự nguyện, như vậy mới mang tính khả thi chứ không thể mang tính bắt buộc.
Phóng viên: Vấn đề chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc cũng là nội dung nhận được nhiều góp ý, thảo luận sôi nổi tại nghị trường. Vậy đại biểu đánh giá thế nào về quy định này trong dự thảo Luật?
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Tôi rất tán đồng việc xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc. Tôi thấy rằng, đã đưa ra trách nhiệm cũng như quyền của cơ quan bảo hiểm là có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của người lao động khi người sử dụng lao động trốn đóng hoặc chậm đóng.
Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều trường hợp là chủ doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng nhưng chỉ xử phạt hành chính, nhưng có khi doanh nghiệp đó lại giải thể hoặc phá sản. Rất nhiều trường hợp quyền lợi của người lao động không được đảm bảo. Do đó, quyền khởi kiện này cũng đúng và phù hợp với Bộ luật Tố tụng dân sự ở Điều 187 là các cơ quan trong phạm vi quản lý, trách nhiệm quản lý nhà nước của mình mà ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của những đối tượng đang bảo vệ thì có quyền khởi kiện.
Mặc dù đồng ý với quy định này nhưng tôi đề nghị cần làm rõ hành vi này trong tố tụng dân sự cũng như trong các quy định pháp luật có liên quan để không bị lạm dụng. Chẳng hạn như một doanh nghiệp vì một lý do bất khả kháng nào đó chậm đóng mà lại khởi kiện thì sẽ gây áp lực thêm cho các cơ quan tố tụng.
Đồng thời cần có một hành lang pháp lý chặt chẽ, trình tự, thủ tục tố tụng nào, trường hợp nào mới được khởi kiện, như vậy pháp luật của chúng ta mới rõ ràng và đồng bộ, thống nhất.
Các đại biểu tham dự Phiên thảo luận tại hội trường
Phóng viên: Nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về quy định BHXH một lần. Quan điểm của đại biểu về nội dung này như thế nào?
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Liên quan đến vấn đề bảo hiểm xã hội một lần, tôi cũng như nhiều đại biểu khác băn khoăn về hai phương án mà Chính phủ đưa ra. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn lúng túng không biết chọn phương án nào, cũng không đề xuất được phương án mình chọn là gì. Do đó, tôi chưa đồng tình phương án nào.
Tôi nhận thấy, từ thực tiễn hiện nay, việc rút bảo hiểm xã hội một lần đang xảy ra phổ biến và đặc biệt là ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, cần tìm ra cơ chế để giảm thiểu tình trạng này, qua đó đảm bảo quyền lợi tốt nhất về tương lai cho người lao động.
Và một trong những nguyên nhân là do người lao động tham gia hợp đồng lao động đóng BHXH bắt buộc thì họ đóng một phần và chủ doanh nghiệp đóng một phần, khi họ rút bảo hiểm xã hội một lần thì số tiền đó khá nhiều, nghĩa là cộng cả khoản đóng góp của chủ doanh nghiệp nên số tiền rất nhiều.
Ví dụ như bây giờ người lao động làm được nhiều năm, rút ra một lần được mấy chục triệu hoặc cả trăm triệu trong thời điểm khó khăn, mất việc làm thì họ rút số tiền này ra để đảm bảo trang trải cuộc sống. Đây chỉ là vấn đề trước mắt.
Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần tính toán kỹ lưỡng vấn đề này, quan trọng là phải đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu./.