ĐBQH NGUYỄN THỊ MAI THOA: CẦN KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CÔNG CỘNG VÀ BẢO ĐẢM ĐIỀU KIỆN TIẾP CẬN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT, QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA NHÂN DÂN
ĐBQH NGUYỄN THỊ MAI THOA: HOẠT ĐỘNG RÀ SOÁT PHÁP LUẬT CẦN ĐƯỢC TIẾN HÀNH THƯỜNG XUYÊN
GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: MỘT SỐ ĐỔI MỚI VỀ PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI TRONG NỬA ĐẦU NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA XV
TS. Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hải Dương
Đổi mới để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động luôn luôn là nhu cầu tự thân của mỗi cơ quan, tổ chức, trong đó có Quốc hội. Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã ghi rõ: Tiếp tục xác định việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Đây vừa là yêu cầu khách quan để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, đáp ứng thực tiễn đòi hỏi của đời sống kinh tế - xã hội, vừa là yêu cầu nội tại để khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội, thể hiện quyền lực của cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thời gian qua, hoạt động giám sát chuyên đề đã được các cơ quan của Quốc hội tiến hành thực hiện ngày càng nhiều hơn cùng với quá trình đổi mới, nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội và được dần hoàn thiện cả về cơ sở pháp lý, nội dung và phương thức tiến hành, đem lại kết quả ngày càng thiết thực hơn.
Phóng viên: Bà có thể chia sẻ về sự cần thiết cũng như ý nghĩa của hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội?
TS. Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hải Dương: Hoạt động giám sát theo chuyên đề của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội có thể giúp cho việc hoạch định những chính sách lớn và quyết định những vấn đề quan trọng trong những lĩnh vực nhất định sát thực hơn với thực tiễn, với yêu cầu, đòi hỏi của xã hội.
Thông qua hoạt động giám sát chuyên đề có thể kiểm nghiệm, đánh giá, bổ sung cho việc thực hiện chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng trong những lĩnh vực đó. Vì vậy, tôi cho rằng, hình thức giám sát chuyên đề có thể coi là một khâu bổ trợ không thể thiếu trong hoạt động lập pháp, trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; qua đó, bảo đảm để Quốc hội thực hiện được đầy đủ, đồng bộ các chức năng của mình với chất lượng cao nhất.
Có thể khẳng định rằng, việc tiến hành giám sát theo các chuyên đề là rất cần thiết. Hoạt động giám sát chuyên đề đã được các cơ quan của Quốc hội tiến hành thực hiện ngày càng nhiều hơn cùng với quá trình đổi mới, nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội và được dần hoàn thiện cả về cơ sở pháp lý, nội dung và phương thức tiến hành, đem lại kết quả ngày càng thiết thực hơn.
Phóng viên: Bà có đánh giá thế nào vệ thực tiễn hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội trong thời gian qua?
TS. Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hải Dương: Chúng ta nhận thấy, hiện nay, việc triển khai các hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức bài bản, khoa học và chặt chẽ, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.
Các Đoàn giám sát đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi tiến hành giám sát, có sự đổi mới mạnh mẽ về cách thức tổ chức giám sát như: phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương và các cơ quan có liên quan khác; khai thác tối đa thông tin, dữ liệu từ kết quả Kiểm tra, Thanh tra, Kiểm toán, ý kiến phản biện, kiến nghị giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc và các tổ chức đoàn thể về các nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát; tổ chức hoạt động của Đoàn giám sát một cách khoa học, phát huy tối đa công sức, trí tuệ của các thành viên Đoàn giám sát; tăng cường huy động sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, cán bộ, công chức của các cơ quan chuyên môn trong quá trình giám sát.
Nhờ đó, hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội đã có hiệu quả thiết thực, hỗ trợ tích cực cho hoạt động lập pháp của Quốc hội và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, hoạt động này cũng còn một số hạn chế, đó là: Một số yêu cầu tại các nghị quyết về giám sát chuyên đề, báo cáo cáo giám sát của các cơ quan của Quốc hội chưa được nghiêm túc triển khai thực hiện; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị giám sát chưa thực sự quyết liệt, thường xuyên. Tôi cho rằng, đây là những hạn chế khá quan trọng, ảnh hưởng lớn đến hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát chuyên đề cần khắc phục trong thời gian tới.
Phóng viên: Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội trong thời gian sắp tới, bà có đề xuất gì?
TS. Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tôi cho rằng để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội trong thời gian sắp tới, cầm lưu ý việc lựa chọn chuyên đề cần đảm bảo kết hợp giữa tính kế hoạch và tính thời sự. Bởi khi mọi hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thời gian vừa qua đều được thực hiện theo chương trình, kế hoạch đã đề ra và thời gian quyết định nội dung giám sát được chuyển từ kỳ họp cuối năm sang kỳ họp đầu năm trước để các cơ quan chủ trì giám sát có nhiều thời gian chuẩn bị hơn thì tính thời sự của các nội dung Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề càng ngày càng giảm.
Tuy các chuyên đề được lựa chọn luôn luôn là những vấn đề lớn, quan trọng, được cử tri cả nước quan tâm, có nhiều vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội trong một thời gian dài. Nhưng bên cạnh đó, cũng còn có những vấn đề mới phát sinh, những vấn đề nóng trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước đòi hỏi Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội phải lên tiếng, thể hiện thái độ, thể hiện sự quan tâm, đồng hành của cơ quan dân cử của quốc gia, của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân cả nước. Vì vậy tôi cho rằng, ngoài các nội dung giám sát chuyên đề được xác định sẵn theo chương trình, kế hoạch, cần để ngỏ khả năng để Lãnh đạo Quốc hội, Lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội quyết định việc tiến hành ngay các hoạt động giám sát chuyên đề, kể cả chuyên đề giám sát tối cao theo yêu cầu của thực tiễn, trong từng trường hợp cụ thể.
Bên cạnh đó, cần tăng cường sự tham gia của các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát trong bộ máy nhà nước. Việc phối hợp các cơ quan hữu quan trong hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã được thực hiện khá thường xuyên trong thời gian vừa qua và đem lại hiệu quả khá rõ rệt.
Trong năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”
Theo tôi, các cơ chế phối hợp giám sát cần tiếp tục được tăng cường và phát huy hơn nữa trong trong hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thời gian tới. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp hoạt động giám sát của Quốc hội với hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng và hoạt động thanh tra nhà nước của Chính phủ và thanh tra chuyên ngành. Tuy mỗi cơ quan trong bộ máy nhà nước có đối tượng và đặc điểm hoạt động riêng, nhưng việc phối hợp của các cơ quan đều dựa trên nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, các cơ quan nhà nước phân công, phối hợp, kiểm soát hoạt động, dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, hướng tới mục đích chung là vì lợi ích của nhà nước, của nhân dân.
Cùng với đó, Quốc hội cần thảo luận tập thể về các kiến nghị giám sát. Bởi hiện nay còn tồn tại thực trạng các kiến nghị qua hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong nhiều trường hợp chưa được quan tâm thực thi. Tôi cho rằng, tổng hợp các kiến nghị qua giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trình Quốc hội thảo luận tập thể và ban hành nghị quyết riêng hoặc đưa vào nghị quyết kỳ họp Quốc hội là giải pháp cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội. Cách làm này sẽ giúp cho hoạt động giám sát của từng cơ quan chuyên môn của Quốc hội và của cơ quan thường trực Quốc hội sẽ được toàn thể các đại biểu Quốc hội nắm bắt thông tin, thảo luận, thể hiện chính kiến và giám sát việc triển khai thực hiện.
Đặc biệt, cần chú trọng thường xuyên giám sát lại. Tôi cho rằng, yêu cầu về việc tổ chức giám sát lại đối với các chuyên đề đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành giám sát là một trong những cách thức hiệu quả cho việc xem xét việc triển khai thực hiện các các nghị quyết giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các kết luận, kiến nghị giám sát của các cơ quan của Quốc hội.
Bởi đa số các nghị quyết giám sát hiện nay có yêu cầu các cơ quan chịu sự giám sát báo cáo về kết quả thực hiện và yêu cầu các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết. Tuy vậy, khi các báo cáo được gửi về, chủ yếu gửi đến đại biểu Quốc hội để tham khảo và nếu đại biểu quan tâm thì đọc báo cáo, mà không được tổ chức thẩm tra, thảo luận tập thể. Bên cạnh đó, do các luật, nghị quyết đặt ra yêu cầu giám sát quá nhiều, lại chung chung nên các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội chưa đưa vào chương trình công tác của mình để triển khai thực hiện. Do đó, cần đặt ra yêu cầu bắt buộc tiến hành giám sát lại đối với hoạt động giám sát chuyên đề.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!