BÍ THƯ TỈNH UỶ, TRƯỞNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH BẮC NINH TIẾP XÚC CỬ TRI HUYỆN GIA BÌNH
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh kết luận hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH khóa XV; Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ĐBQH khóa XV; Trần Thị Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh; Ngô Tân Phượng, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XV; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy…
Năm 2023, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cử tri giao. Các ĐBQH tham gia đầy đủ 3 kỳ họp bất thường và 2 kỳ họp thường lệ của Quốc hội, chấp hành nghiêm túc nội quy kỳ họp; tham gia phát biểu 46 lượt ý kiến, trong đó có 32 lượt ý kiến tại Tổ và 8 lượt ý kiến tại Hội trường, 5 lượt chất vấn và 1 lượt tranh luận để làm rõ và đóng góp vào các dự án Luật và các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo: Các sở, ngành chức năng của tỉnh cần quan tâm tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện pháp luật để làm căn cứ xây dựng luật.
Chuẩn bị cho các kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tổ chức 8 hội nghị và ban hành 40 văn bản lấy ý kiến các vị ĐBQH, các ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan; tổng hợp hơn 300 nội dung góp ý vào dự thảo Luật, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm thời gian quy định, đồng thời gửi các đại biểu trong Đoàn làm tài liệu tham khảo để tham gia xây dựng luật tại kỳ họp Quốc hội.
Tại các kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH thực hiện chức năng giám sát chủ yếu thông qua xem xét các báo cáo. Thực hiện quyền giám sát tối cao trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5, thứ 6, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh tham gia 5 lượt chất vấn. Đoàn chủ động triển khai và thực hiện 4 cuộc giám sát chuyên đề, trong đó có 1 cuộc do Quốc hội giao, 2 cuộc do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao và 1 cuộc theo Kế hoạch của Đoàn. Các mặt công tác khác như tiếp xúc cử tri, tiếp dân,…được thực hiện nền nếp, hiệu quả. Công tác phối hợp giữa Đoàn ĐBQH với Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh được duy trì nền nếp, đạt hiệu quả cao.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Hằng: Cần gắn trách nhiệm các sở, ngành chức năng trong việc phối hợp thực hiện công tác xây dựng pháp luật.
Năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh xác định nhiệm vụ trọng tâm là tham gia đầy đủ, có chất lượng các Kỳ họp của Quốc hội, các phiên họp của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các hoạt động của địa phương. Tổ chức thực hiện giám sát 2 chuyên đề theo Nghị quyết số 90/2023/QH15 ngày 8-6-2023 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 và 2 chuyên đề theo Nghị quyết số 833/NQ-UBTVQH15 ngày 27-7-2023 về Chương trình giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2024. Thực hiện giám sát theo Kế hoạch của Đoàn ĐBQH tỉnh với các Chuyên đề: “Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2018 -2023”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại làng nghề và địa bàn dân cư giai đoạn 2018-2023”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng: Sử dụng phần mềm liên thông giữa các cấp sẽ giúp nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Kết luận hội nghị, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh một số nội dung để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2024. Trong đó, cần chú trọng việc tiếp tục đổi mới các hoạt động của Đoàn ĐBQH: Nghiên cứu đổi mới việc tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp Quốc hội, tăng cường các hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề để thu được nhiều ý kiến của cử tri hơn nữa; áp dụng công nghệ thông tin trong việc tổng hợp, theo dõi việc tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân của Đoàn ĐBQH tỉnh nói riêng và toàn tỉnh nói chung; gắn trách nhiệm các sở, ngành chức năng trong thực hiện công tác xây dựng pháp luật; trong triển khai các hoạt động giám sát cần có sự phối hợp để tránh trùng lắp về đối tượng, thời gian giám sát dẫn đến khó khăn cho các đơn vị chịu sự giám sát.