HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ CÓ NHIỀU ĐỔI MỚI, CẢI TIẾN, NGÀY CÀNG CHUYÊN NGHIỆP

15/12/2023

Theo TS. Nguyễn Đình Quyền, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, hoạt động giám sát chuyên đề đạt được nhiều kết quả quan trọng. Với việc lựa chọn "trúng và đúng" vấn đề; cách thức tiến hành không ngừng đổi mới, cải tiến, ngày càng chuyên nghiệp, kết quả giám sát chuyên đề đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả giám sát chung của Quốc hội.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 17/11: HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI NĂM 2024

Giám sát là một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định “việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội nêu rõ yêu cầu đổi mới: “Hoạt động giám sát tối cao nói riêng và tổng thể hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung cần bám sát các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong Nghị quyết, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là về các vấn đề lớn, được quan tâm như mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế, việc thực hiện các dự án quan trọng quốc  gia, cải cách hành chính, sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, các vấn đề về văn hóa, an sinh xã hội, hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Hoạt động giám sát của Quốc hội vừa phải bám sát, đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội, tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của Nhân dân và cử tri, đồng thời phải gắn với công tác lập pháp, cung cấp thông tin thực tiễn để hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, các nhân trong thực hiện quy định của pháp luật, tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát”.

Với những đặc thù riêng có của hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã giúp cho việc hoạch định những chính sách lớn và quyết định những vấn đề quan trọng trong những lĩnh vực nhất định sát thực hơn với thực tiễn, với yêu cầu, đòi hỏi của xã hội.

TS. Nguyễn Đình Quyền, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

Phóng viên: Cùng với quá trình đổi mới trong hoạt động của Quốc hội nói chung, hoạt động giám sát của Quốc hội nói riêng tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước. Nhiều năm gắn bó với hoạt động của Quốc hội, ông có đánh giá như thế nào về kết quả hoạt động giám sát thời gian qua?

TS. Nguyễn Đình Quyền, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp: Giám sát là một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội. Qua các nhiệm kỳ Quốc hội, hoạt động này ngày càng được đổi mới, cải tiến đưa lại kết quả và chuyển biến thiết thực trong thực tế. Trong nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, kế thừa và phát huy thành tựu của các nhiệm kỳ Quốc hội trước, quán triệt sâu sắc Cương lĩnh, quan điểm, đường lối của Đảng, trước yêu cầu nhiệm vụ phát triển đất nước thời kỳ mới, Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách làm để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao.

Thông qua giám sát, Quốc hội đã kịp thời phát hiện và có các kiến nghị nhằm điều chỉnh, bổ sung chính sách, pháp luật; phát huy tính tích cực, giảm thiểu những hệ lụy nảy sinh từ chính sách; chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm, thúc đẩy các cơ quan hữu quan thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luât.

Từ thực tiễn triển khai vừa qua có thể thấy, nội dung giám sát đã tập trung vào nhiều vấn đề bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực từ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đến văn hóa - giáo dục, khoa học công nghệ,... Qua đó, thông qua kết quả giám sát đã có tác động tích cực đến hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và toàn bộ hoạt động của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn trật tự kỷ cương của đất nước. Việc xem xét báo cáo của các cơ quan cũng được thực hiện hiệu quả, có ý nghĩa quan trọng đối với việc kiểm soát quyền lực nhà nước trong hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Đặc biệt, bắt đầu từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, hằng năm Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị triển khai chương trình giám sát của năm tiếp theo. Đây là một bước đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Thông qua Hội nghị đã tạo được sự thống nhất về nhận thức, nội dung, công tác phối hợp, các biện pháp để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm tiếp theo, góp phần đưa các chính sách, pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, bảo đảm có hiệu quả cao, đáp ứng sự mong mỏi của cử tri.

Phóng viên: Giám sát chuyên đề là một trong những hình thức giám sát quan trọng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Vậy theo ông đâu là những đổi mới quan trọng, ghi dấu ấn trong hoạt động này?

TS. Nguyễn Đình Quyền, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp: Vừa qua, việc tổ chức các đoàn để phục vụ cho giám sát chuyên đề đã đi vào nền nếp, có hiệu lực, hiệu quả hơn, thực hiện theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Ngay sau khi được thành lập, các đoàn giám sát đã ban hành kế hoạch chi tiết để cụ thể hóa các hoạt động của từng đoàn, giúp định hình hoạt động của đoàn trong cả quá trình giám sát, chủ động tổ chức thực hiện, tránh bị động, chồng chéo. Các thành viên đoàn giám sát và các đại biểu được mời tham gia đoàn, đại diện các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã tích cực tham gia các hoạt động của đoàn.

Đề cương yêu cầu cơ quan chịu sự giám sát báo cáo được xây dựng một cách cụ thể, khoa học, có chiều sâu, gắn với nội dung của chuyên đề giám sát cũng như yêu cầu, đòi hỏi bức thiết của cử tri, nhân dân; các cơ quan chịu sự giám sát đã phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện để các cơ quan của Quốc hội tiến hành giám sát. Qua đó, giúp cho việc xây dựng các báo cáo kết quả giám sát được toàn diện, phản ánh đúng tình hình thực tế, đánh giá sát thực tế các vấn đề đặt ra, việc nghiên cứu tiếp thu, giải quyết các kiến nghị sau giám sát được quan tâm thực hiện.

Ngoài ra, về cách thức tổ chức giám sát cũng có nhiều đổi mới như: phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương và các cơ quan có liên quan khác; khai thác tối đa thông tin, dữ liệu từ kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, ý kiến phản biện, kiến nghị giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể về các nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát; Tăng cường huy động sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, cán bộ, công chức của các cơ quan chuyên môn trong quá trình giám sát. Nhờ đó, hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội đã có hiệu quả thiết thực, hỗ trợ tích cực cho hoạt động lập pháp của Quốc hội và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Phóng viên: Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề, ông có đề xuất giải pháp cụ thể như thế nào?

TS. Nguyễn Đình Quyền, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp: Hoạt động giám sát chuyên đề đã được tiến hành thực hiện ngày càng nhiều, đem lại kết quả ngày càng thiết thực hơn. Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả của hình thức giám sát này, cần quan tâm một số vấn đề sau:

Thứ nhất, giám sát chuyên đề cần có sự gắn kết chặt chẽ với phương thức giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong thi hành, tổ chức thực hiện phpas luật để vừa có cơ sở lựa chọn chủ đề giám sát, vừa có thể tiến hành giám sát một số vụ việc cụ thể, làm cơ sở, minh chứng cho những nhận định, đánh giá, xác định trách nhiệm trong báo cáo, bảo đảm tính có căn cứ trong xác định trách nhiệm. Do đó, cần bổ sung quy định rõ, cụ thể về phạm vi, trình tự, thủ tục, cách thức tiến hành và hậu quả pháp lý của việc giám sát đối với các vụ việc cụ thể phù hợp với tính chất về tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

Thứ hai, phải coi hình thức giám sát chuyên đề là một khâu bổ trợ không thể thiếu trong hoạt động lập pháp, trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Thông qua tiến hành hoạt động này, bảo đảm để Quốc hội thực hiện được đầy đủ, đồng bộ các chức năng của mình với chất lượng cao nhất.

Thứ ba, tăng cường phối hợp chặt chẽ với  các cơ quan hữu quan trong hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Ngoài ra, cần  chú trọng và đặt ra yêu cầu bắt buộc đối với việc thực hiện giám sát lại đối với hoạt động giám sát chuyên đề. Theo đó, trên cơ sở căn cứ vào từng nội dung chuyên đề cụ thể mà Trưởng đoàn giám sát quyết định về nội dung, thời gian sẽ tiến hành giám sát lại. Đây được coi là cách thức hiệu quả cho việc xem xét việc triển khai thực hiện các các nghị quyết giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các kết luận, kiến nghị giám sát của các cơ quan của Quốc hội.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Ông!

Lê Anh