ĐBQH TRẦN VĂN LÂM: KỲ VỌNG CÁC NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG CHỦ ĐỘNG, DÁM CHỊU TRÁCH NHIỆM TRONG TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ CÁC MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI

17/12/2023

Đại biểu Trần Văn Lâm- Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang kỳ vọng, trong năm 2024, Chính phủ sẽ quyết liệt chỉ đạo để triển khai đồng bộ các cơ chế chính sách, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế. Các cấp, các ngành cũng phải chủ động, quyết tâm, dám chịu trách nhiệm trong triển khai hiệu quả các biện pháp đã đề ra đối với những nội dung thuộc trách nhiệm của ngành, của địa phương mình...

GÓC NHÌN: THÍ ĐIỂM THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ VỀ GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ - THÁO GỠ NÚT THẮT, KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN “XƯƠNG SỐNG” CỦA NỀN KINH TẾ

ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG: CHỦ ĐỘNG NẮM BẮT CƠ HỘI TRONG VIỆC THU HÚT NGUỒN VỐN FDI VÀO THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ nhận định: Những tháng cuối năm 2023 dự báo tình hình thế giới, trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và cả nhiệm kỳ 2021-2025 là tương đối nặng nề, trong đó mục tiêu tăng trưởng năm 2023 (khoảng 6,5%) là thách thức lớn, khó có thể đạt được nếu không có những giải pháp quyết liệt, mang tính đột phá cao dù một số cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã được Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai và đang phát huy hiệu quả bước đầu.

Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã được Chính phủ đưa ra tại kỳ họp thứ 6.

Để duy trì diễn biến tích cực của tình hình kinh tế xã hội trong những tháng cuối năm, thời gian tới cần phát huy những kết quả, bài học kinh nghiệm đã đạt được, khẩn trương khắc phục những hạn chế, bất cập, tiếp tục chủ động theo dõi, bám sát tình hình, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực và hoạt động của các thị trường, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023.

Để có thêm các giải pháp góp phần phục hồi kinh tế-xã hội, đại biểu Trần Văn Lâm - Ủy viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Giang nêu quan điểm: Chính phủ không đứng thể một mình để thực hiện các nhiệm vụ mà chúng ta cần huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc thì sẽ tạo một sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ và mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội.

Phóng viên: Với những báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu có nhận định như thế nào về khả năng phục hồi kinh tế sẽ được thực hiện trong năm 2024?

ĐBQH Trần Văn Lâm: Tôi cho rằng, các yếu tố để tạo đà phục hồi kinh tế của đất nước đã được tích lũy, củng cố trong năm 2023. Do vậy, triển vọng phục hồi và phát triển kinh tế sẽ sáng sủa hơn trong năm 2024. Các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cũng như hoàn thành các nhiệm vụ sẽ đạt được theo như yêu cầu đề ra.

Đại biểu Trần Văn Lâm - Ủy viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang.

Quá trình triển khai các gói phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sẽ được phát huy hiệu quả vào giai đoạn 2024 trở về sau. Cụ thể là các cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp đã được thực hiện từ năm 2023 sẽ giúp cho phục hồi các năng lực về lực lượng lao động, môi trường xã hội.

Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với gói hỗ trợ tập trung vào đầu tư cho các công trình hạ tầng. Việc triển khai chủ yếu là vào năm 2023, giải ngân tập trung vào cuối năm 2023 và năm 2024. Cho nên số tiền thực tế đưa vào nền kinh tế sẽ nằm ở giai đoạn sau này.

Ngoài ra, khi các công trình hạ tầng được đầu tư bằng các gói kích thích kinh tế thì sẽ tạo ra động lực, nền tảng cho tăng trưởng ở các lĩnh vực khác. Như vậy, gói phục hồi kinh tế sẽ phát huy hiệu quả, sức lan tỏa cho nền kinh tế chủ yếu từ năm 2024 trở về sau.

Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về 12 giải pháp mà Chính phủ đưa ra để phục hồi và phát triển kinh tế? Liệu chúng ta có cần thêm các giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn trong đầu tư công, đầu tư vào các dự án kinh tế trọng điểm, thưa đại biểu?

ĐBQH Trần Văn Lâm: Theo tôi, các giải pháp mà Chính phủ đề ra là khá toàn diện, trong đó bao hàm cả các giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách; đồng thời góp phần giải quyết các khó khăn, vướng mắc do các quy định luật pháp mà có thể là chúng ta chưa theo kịp được cái sự phát triển của tình hình thực tiễn.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là chúng ta thực thi các chính sách. Các giải pháp đặt ra như vậy nhưng quá trình tổ chức thực hiện phải như thế nào thì mới mang lại được các kết quả như mong muốn.

Phóng viên: Xin đại biểu cho biết những kỳ vọng của mình đối với Chính phủ, các Bộ ngành liên quan đối với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội trong năm 2024?

ĐBQH Trần Văn Lâm: Tôi kỳ vọng rằng, trong năm 2024, Chính phủ sẽ quyết liệt chỉ đạo ngay từ đầu năm để triển khai đồng bộ các cơ chế chính sách, giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế. Các cấp, các ngành cũng phải chủ động, quyết tâm, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong triển khai cho đạt được hiệu quả các biện pháp đã đề ra đối với những nội dung thuộc trách nhiệm của ngành, của địa phương mình.

Trong quá trình đó, các Bộ ngành, cơ quan chức năng cần phải chú trọng đến việc đôn đốc, gắn với hướng dẫn, kiểm tra, xử lý trách nhiệm, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tất cả các công việc. Chính phủ không thể đứng một mình để thực hiện các nhiệm vụ  mà chúng ta cần huy động được cả hệ thống chính trị vào nữa thì sẽ tạo một sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ và mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan

Các bài viết khác