Năm 2023, hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trực tiếp là Ban Công tác đại biểu Quốc hội; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy; sự phối hợp của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, vì vậy đã hoàn thành tốt chương trình, kế hoạch của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề ra.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, lắng nghe, tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh… Hoạt động xây dựng Luật được quan tâm, Đoàn đại biểu Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức nghiên cứu, tham gia nhiều ý kiến góp ý xây dựng, hoàn thiện các dự án Luật trình tại kỳ họp thứ 5 và kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Hoạt động xây dựng Luật đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang chú trọng thực hiện. Ngay từ đầu năm, căn cứ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và Chương trình công tác năm 2023 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ngành tổ chức các hội nghị, hội thảo gắn với tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia tham gia vào các dự án luật trình tại kỳ họp thứ 5 và kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, cụ thể: Xây dựng kế hoạch, tổ chức 04 Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào 08 dự án luật trình Kỳ họp thứ 5 và kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức trong tỉnh nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến và tổng hợp 334 ý kiến tham gia góp ý vào 32 dự án luật, trình tại kỳ họp Quốc hội. Đại biểu trong Đoàn đại biểu Quốc hội là thành viên của Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội đã nghiên cứu, tham gia ý kiến, thẩm tra các dự án luật theo chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội.
Tại các kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia 27 lượt góp ý vào các dự án Luật tại Tổ và tại Hội trường. Các dự án luật được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh quan tâm, góp ý như: Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật đất đai (sửa đổi); Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật căn cước công dân (sửa đổi); Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản... nhiều ý kiến góp ý của các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo luật.
Giám sát chỉ ra những tồn tại, hạn chế, kiến nghị các giải pháp thực hiện tốt chính sách, pháp luật.
Năm 2023, hoạt động giám sát cũng được Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang triển khai hiệu quả, gắn với các chủ đề giám sát theo chương trình của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, đối với chương trình giám sát năm 2023, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã bám sát yêu cầu Kế hoạch chi tiết và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề, chủ động phối hợp với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan, tổ chức thực hiện nghiêm túc 04 cuộc giám sát các chuyên đề năm 2023 của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên địa bàn tỉnh. Đã xây dựng Kế hoạch, đề cương, Quyết định và thực hiện giám sát đối với 03 chuyên đề: “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; Giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” và Giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” trên địa bàn tinh.
Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang tổ chức giám sát tại huyện Chiêm Hoá về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội.
Kết thúc các cuộc giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có 22 ý kiến với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đề xuất, kiến nghị những giải pháp tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách trong lĩnh vực giám sát; đồng thời, trong quá trình giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các nội dung liên quan đến hoạt động giám sát, qua đó kiến nghị với các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh để tiếp tục lãnh, chỉ đạo và thực hiện tốt các quy định của chính sách, pháp luật trên địa bàn.
Đối với chương trình giám sát năm 2024: Thực hiện Nghị quyết số 90/2023/QH15, ngày 08/6/2023 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024; Nghị quyết số 833/NQ-UBTVQH15, ngày 27/3/2023 về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh đã xây dựng Kế hoạch, Quyết định thành lập Đoàn giám sát 02 chuyên đề: (1) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023; (2) Tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy đã khảo sát việc giải quyết một số đơn thư khiếu nại, kiến nghị của công dân.
Đối với hoạt động giám sát, khảo sát theo chương trình của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và đại biểu Quốc hội trong Đoàn, trong năm 2023, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã khảo sát trực tiếp 02 chuyên đề: (1) Khảo sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, của công dân, kiến nghị cử tri trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát trực tiếp, nhiều đơn thư do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chuyển và các vụ việc qua tiếp công dân của Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã được các cơ quan, đơn vị, huyện, thành phố đã cơ bản được giải quyết, trả lời. Đối với những vụ việc tiến độ giải quyết còn chậm, chưa đảm bảo đúng chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc và kiến nghị của cử tri do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chuyển và các vụ việc Uỷ ban nhân dân tỉnh chuyển qua tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh đảm bảo đúng chính sách, pháp luật và kết luận chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. (2) Khảo sát việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 trên địa bàn tỉnh: Qua khảo sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, đề xuất góp ý đề những nội dung cơ bản phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Ngoài ra, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang cũng là thành viên tham gia Đoàn Giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023” tại một số Bộ, ngành Trung ương và địa phương theo Kế hoạch của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội.
Các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang cũng thường xuyên nghiên cứu, xem xét nội dung văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước nói chung mà đặc biệt là các văn bản do các cơ quan nhà nước ở địa phương ban hành thông qua hình thức giám sát qua văn bản; tham gia các đoàn giám sát của Ủy ban mà các đại biểu Quốc hội tham gia và của Đoàn đại biểu Quốc hội theo kế hoạch; thực hiện quyền chất vấn, giám sát tối cao tại các kỳ họp Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
Chất vấn những vấn là một hình thức giám sát trực tiếp và có hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội, đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát huy tối đa. Trong năm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đề xuất 07 nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội và các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cụ thể: Đề xuất 05 nội dung tại phiên họp thứ 21, phiên họp 25 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; 02 nội dung tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Trong đó nội dung đề xuất chất vấn về công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết pháp lệnh đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí lựa chọn đưa vào nhóm vấn đề chất vấn đối với Bộ Trưởng Bộ Tư pháp tại phiên họp thứ 25 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tại các kỳ họp, các đại biểu Quốc hội tỉnh tích cực, chủ động thực hiện quyền chất vấn của mình. Đã có 07 lượt đại biểu đăng ký chất vấn, trong đó 05 lượt được chất vấn tại hội trường, 02 chất vấn chuyển bằng phiếu chất vấn.
Tích cực đóng góp ý kiến quyết định các vấn đề quan trọng
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 3 và thứ 4, thứ 5, các đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã thảo luận ở Đoàn về công tác nhân sự. Tại các kỳ họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phân công làm tổ trưởng điều hành các phiên thảo luận tại tổ; các đại biểu Quốc hội của tỉnh đã nghiêm túc, tích cực nghiên cứu tài liệu, nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri.
Đã có 38 lượt đại biểu Quốc hội trong đoàn phát biểu ý kiến, trong đó có 29 lượt ý kiến phát biểu thảo luận tại tổ và 9 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường, góp ý xây dựng và biểu quyết thông qua các dự án Luật cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri
Trong năm 2023, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng kế hoạch, thực hiện tiếp xúc cử tri theo định kỳ và tiếp xúc cử tri chuyên đề trước, sau kỳ họp thứ 5 và thứ 6, Quốc hội khóa XV tại 35 cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với 5.019 cử tri tham dự và 168 lượt cử tri phát biểu ý kiến. Bên cạnh đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng thực hiện Hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Trưởng đoàn và Đoàn ĐBQH tỉnh với công nhân lao động trên địa bàn tỉnh, tại Liên đoàn Lao động tỉnh trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.
Sau các cuộc tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp, phân loại, chuyển 189 ý kiến, kiến nghị của cử tri đến các cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổng hợp, chuyển 13 văn bản trả lời của các Bộ, ngành Trung ương với 26 nội dung trả lời tới cơ quan, đơn vị để thông báo cho cử tri biết. Đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền của tỉnh, UBND các cấp và các Sở, ngành chức năng đã tập trung giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri trên địa bàn.
Hoạt động tiếp xúc cử tri theo định kỳ và tiếp xúc cử tri chuyên đề trước, sau kỳ họp luôn được Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang chú trọng triển khai
Trước các kỳ họp Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã báo cáo đánh giá nhận xét việc trả lời cử tri của các bộ ngành Trung ương. Qua việc trả lời của các Bộ, ngành cho thấy: Các Bộ, ngành Trung ương đã quan tâm, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang chuyển đến; cơ bản các ý kiến, kiến nghị của cử tri được trả lời đảm bảo thời gian theo quy định; nội dung giải quyết, trả lời rõ ràng, có thời gian, lộ trình cụ thể, đối với vấn đề mà cử tri quan tâm kiến nghị, thể hiện sự quan tâm của Đảng, nhà nước đến đời sống của người dân cũng như trách nhiệm cao của các Bộ, ngành Trung ương...
Bên cạnh việc tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp thứ 5 và thứ 6; các đại biểu trong Đoàn thường xuyên gặp gỡ cử tri tại nơi cư trú, nơi công tác trong các buổi sinh hoạt Chi bộ Đảng, sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt cộng đồng... để trao đổi, thông tin về chính sách, pháp luật; về hoạt động của Quốc hội, hoạt động của đại biểu Quốc hội trong Đoàn ĐBQH tỉnh.
Việc tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân cũng được thực hiện thường xuyên, góp phần tích cực vào kết quả giải quyết các vụ việc, nhất là các vụ việc bức xúc giữ vững sự ổn định tình hình chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh.
Cùng với việc tham gia tích cực, hiệu quả, có trách nhiệm vào các hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng, hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cũng thực hiện các hoạt động khác theo quy định, như báo cáo công tác dân nguyện định kỳ hàng tháng; báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525 về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; báo cáo tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh năm 2023.
Giữ mối quan hệ thường xuyên, chặt chẽ với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh bạn. Phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức cho các đại biểu Quốc hội trong Đoàn tham gia các hoạt động thẩm tra, tập huấn do các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức...
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy thăm hỏi, tặng quà gia đình bà Hà Thị Lan, vợ Liệt sỹ Nguyễn Hữu Khải, tổ dân phố Vĩnh Lim, thị trấn Vĩnh Lộc.
Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cũng thực hiện các hoạt động như thăm hỏi, động viên gia đình đại biểu Quốc hội các khóa; con liệt sĩ, thương binh, gia đình thương binh nhân kỷ niệm 76 năm ngày thương binh, liệt sĩ…
Đặc biệt, với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và Nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã tỉnh Tuyên Quang tích cực huy động sự ủng hộ của các Doanh nghiệp, các nhà tài trợ trong và ngoài tỉnh, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Từ đầu năm đến ngày 25/11/2023, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã thực hiện chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền là 569 triệu đồng. Đồng thời, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu Quốc hội tỉnh cũng thực hiện tốt các cuộc vận động ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo... và các loại quỹ khác do Trung ương và địa phương phát động.
Với vai trò là Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Ma Thị Thúy đã giúp Trưởng đoàn điều hòa, phối hợp tốt các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh theo chương trình và kế hoạch hoạt động; tích cực tham gia các hoạt động xây dựng Luật, hoạt động giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri, tiếp dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị của công dân…