ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG NINH: HOÀN THÀNH TRỌNG TRÁCH ĐẠI DIỆN Ý CHÍ, NGUYỆN VỌNG, THAY MẶT NHÂN DÂN THỰC HIỆN QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC TRONG QUỐC HỘI
Quang cảnh buổi làm việc.
Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết số 43, các đơn vị đã bố trí nguồn ngân sách tỉnh đảm bảo đúng cơ chế, chính sách. Nguồn lực được bố trí từ ngân sách nhà nước và huy động từ các tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ nhu cầu cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo các chính sách về an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động về nhà ở, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân…
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh xác định đầu tư công tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng, là nguồn vốn khơi thông các nguồn lực khác trong xã hội. Tổng nguồn vốn đầu tư công trong năm 2022 và năm 2023 là trên 31.024 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh đạt 93,4% và dự kiến năm 2023 sẽ đạt 91,2% so với Kế hoạch vốn năm 2023 sau điều chỉnh và đạt trên 95% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm. Đến nay tỉnh đã đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông động lực, giúp kết nối các địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tăng tính liên kết vùng của Quảng Ninh với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Việc thực hiện Nghị quyết số 43 đã có tác động tích cực đến người lao động. Trong đó, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ là chính sách hỗ trợ kịp thời người lao động còn khó khăn về nhà ở. Tổng nguồn kinh phí đã bố trí để thực hiện chính sách là 26,687 tỷ đồng (100% là từ nguồn ngân sách trung ương). Tổng nguồn kinh phí đã sử dụng đề nghị quyết toán là 25,785 tỷ đồng. Tổng số người lao động được hỗ trợ là 17.486 người; trong đó: người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp là 16.655 người, người lao động quay trở lại thị trường lao động là 831 người.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại buổi làm việc.
Căn cứ quy định của Trung ương, của tỉnh, các địa phương đã khẩn trương, tích cực chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19. Nhiều địa phương có cách làm hay, mô hình hiệu quả huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia phòng chống dịch. Nhờ đó, dịch bệnh được kiểm soát tốt, ổn định đời sống nhân dân và phát triển KT-XH. Từ nguồn hỗ trợ của Nghị quyết số 43 đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm nhiều trang thiết bị để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Năm 2023, ngành Y tế đã khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đáp ứng đầy đủ các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật, chỉ đạo tuyến, đào tạo nhân lực liên quan đến công tác y tế dự phòng.
Tại buổi giám sát, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ những thuận lợi và khó khăn nổi bật trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 43. Qua đó nhằm đánh giá toàn diện, đa chiều về mức độ tác động của Nghị quyết số 43 đối với sự phát triển của tỉnh trong thời gian qua.
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh mục tiêu, kết quả và đánh giá cao việc thực hiện Nghị quyết 43 của các đơn vị. Công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết được tập trung triển khai thực hiện; công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động được thực hiện có hiệu quả. Đồng chí đề nghị các đơn vị phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 43; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; chú trọng công tác tham mưu, phối hợp với các cấp uỷ, chính quyền các cấp; nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến tham gia của các thành viên trong Đoàn, hoàn thiện báo cáo đảm bảo đúng thời gian quy định.