PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC NGUYỄN LÂM THÀNH: ĐẢM BẢO TÍNH THỐNG NHẤT, KHẢ THI TRONG 8 CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

13/01/2024

Tại Phiên họp mở rộng thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành đề nghị Chính phủ nghiên cứu, rà soát nội dung quy định các cơ chế, chính sách đặc thù cần đảm bảo tính thống nhất, tính khả thi trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

PHIÊN HỌP THẨM TRA MỞ RỘNG HỒ SƠ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Toàn cảnh Phiên họp 

Tại Phiên họp mở rộng của Hội đồng Dân tộc để thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho biết, trên cơ sở hồ sơ Tờ trình số 686/TTr-CP ngày 08/12/2023 của Chính phủ về dự thảo “Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia” (sau đây viết tắt là: Nghị quyết), Hội đồng Dân tộc (HĐDT) đã phối hợp với các cơ quan của Quốc hội họp mở rộng để thẩm tra. Ngày 09/1/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về nội dung trên và ban hành Thông báo kết luận số 3263 /TB-TTKQH ngày 11/01/2024.

Trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, Báo cáo thẩm tra của HĐDT, Chính phủ đã tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ và có Tờ trình về dự thảo Nghị quyết gửi Quốc hội. Trên cơ sở hồ sơ trình của Chính phủ, ngày 13/1/2024, HĐDT đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức họp toàn thể mở rộng để thẩm tra tờ trình, dự thảo Nghị quyết.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành nêu rõ, 8 cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia được quy định tại Điều 4 của dự thảo Nghị quyết.

Tại khoản 1, về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, Hội đồng dân tộc cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ là phù hợp. Quy định này phù hợp với Khoản 5, Điều 19, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015: Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn quyết định phân bổ Ngân sách Trung ương chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên theo từng lĩnh vực; đồng thời áp dụng mở rộng Điểm d, khoản 4, Điều 1 của Nghị quyết 25/2021/QH15 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư CTMTQG xây dựng nông thôn mới quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ Ngân sách Trung ương hỗ trợ cho địa phương. Quy định này sẽ tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong việc điều chỉnh kế hoạch, dự toán, nội dung chi thường xuyên vốn sự nghiệp. Mặt khác chính sách này cũng thể hiện tinh thần phân cấp, trao quyền theo Nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt Chủ trương đầu tư các CTMTQG.

Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ nên cân nhắc bổ sung quy định phân cấp giao cho cấp tỉnh thông báo số dự kiến vốn sự nghiệp ngân sách trung ương năm tiếp để địa phương chủ động trong việc triển khai thực hiện, nhất là các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Nghị định 38/2023 (sửa đổi bổ sung Nghị định 27/2022) có quy định chủ chương trình “Xây dựng phương án phân bổ và thông báo dự kiến mức vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 5 năm; hằng năm thông báo mức vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 3 năm của chương trình mục tiêu quốc gia cho các bộ, cơ quan trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”. Nội dung này chưa có trong quy định của pháp luật và cần được nghiên cứu, bổ sung vào nội dung chính sách để bảo đảm tính thống nhất, khả thi. 

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành

Tại điểm c, dự thảo quy định Trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia”. HĐDT đồng ý với quy định này, tuy nhiên đề nghị giao cho địa phương quy định rõ nội dung, dự án thành phần nào thì Hội đồng nhân dân huyện được quyết định. Có thể là, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao chi tiết các dự án, tiểu dự án, thành phần do các sở, ban, ngành của tỉnh chủ trì; quy định nguyên tắc tiêu chí phân bổ vốn và phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định, phân bổ dự toán chi tiết các dự án, tiểu dự án thành phần của từng Chương trình. Việc quy định như vậy cũng là thực hiện một phần Nghị quyết 100/2023/QH15 về thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện.

Tại khoản 2, về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, Hội đồng Dân tộc thống nhất với nội điểm a của dự thảo Nghị quyết đã được tiếp thu, chỉnh sửa của Chính phủ. Cơ chế này này tạo thuận lợi cho địa phương được phép sử dụng nguồn ngân sách đã được phân bổ đến hết năm 2023 (bao gồm chi đầu tư, chi thường xuyên được chuyển nguồn từ các năm trước sang năm 2023). Luật Ngân sách hiện hành không có quy định cho phép địa phương được điều chỉnh dự toán ngân sách trung ương đã được Thủ tướng giao; Luật Đầu tư công không có quy định cho phép điều chỉnh nguồn vốn được kéo dài từ dự án đầu tư không có khả năng giải ngân vốn cho các dự án đầu tư khác trong danh mục đầu tư công trung hạn 2021-2025 thuộc cùng CTMTQG mà không vượt quá tổng mức vốn đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch.

Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng, cần có qui định nguyên tắc cho việc phân bổ, quy định tỷ lệ nhất định trong các nhóm lĩnh vực để tránh tùy tiện, không bảo đảm mục tiêu cơ bản của các CTMTQG.

- Tại điểm a, có ý kiến cho rằng, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước... sau khi rà soát, xác định các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ, hoặc không có khả năng giải ngân, giải ngân không hiệu quả; đồng thời mở rộng thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được điều chỉnh trên đối với cả 03 CTMTQG với những dự án, tiểu dự án có cùng tính chất nội dung. Bên cạnh đó, để tránh lạm dụng trong phân bổ lại ở các địa phương, cần bổ sung quy định nguyên tắc tỷ lệ phân bổ nhất định dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng, các hoạt động phát triển sản xuất, an sinh xã hội khác và bổ sung vốn ủy thác cho ngân hàng chính sách xã hội (ví dụ tỷ lệ phân bổ lại cho đầu tư cơ sở hạ tầng không quá 50%) nhằm kiểm soát, bảo đảm mục tiêu chung của các CTMTQG và công bằng giữa các địa phương.

- Tại điểm b, đa số ý kiến HĐDT cho rằng, nên quy định rõ từng nội dung thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, cấp huyện để khi nghị quyết ban hành sẽ dễ thực hiện.

- Tại điểm c, đa số ý kiến của HĐDT cho rằng, nếu quy định chỉ được điều chỉnh trong phạm vi từng CTMTQG sẽ hạn chế hiệu quả sử dụng nguồn lực vì trên thực tế qua giám sát của Quốc hội vừa qua, có rất nhiều dự án, tiểu dự án thành phần trùng lắp về địa bàn, đối tượng, nhỏ lẻ, manh mún, nhất là đối với 02 chương trình: giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Vì vậy, đề nghị nên giao thẩm quyền Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được phân bổ, điều chỉnh cả 03 CTMTQG.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Tại khoản 3, về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất, Hội đồng Dân tộc thấy rằng, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của HĐDT và sửa chính sách này theo hướng phân cấp cho Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định việc ban hành, điều chỉnh quy định về trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nhận thấy, cơ chế này để bảo đảm linh hoạt giải quyết ở những địa phương chưa hoàn thành hoặc các địa phương phải tiếp tục hoàn thiện khi phát sinh vấn đề mới, cần điều chỉnh.

Tại khoản 4, về sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động phát triển sản xuất, Hội đồng Dân tộc thấy rằng, Chính phủ cũng đã tiếp thu ý kiến của UBTVQH và ý kiến thẩm tra của HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội để điều chỉnh vào dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, nhiều nội dung vẫn chưa được rõ ràng, khi ban hành có thể tiếp tục tạo ra những rào cản, khó khăn cho địa phương trong việc triển khai thực hiện.

Tại điểm a, đề nghị cần phải thể hiện rõ quyết định phương thức mua sắm là như thế nào, có phải đấu thầu hay không, trường hợp nào thì đấu thầu, trường hợp nào thì chỉ định thầu…; như thế nào được gọi là phù hợp với nội dung hỗ trợ sản xuất…

Tại điểm b, liên quan đến việc xác định giá để cơ quan quản lý dự án thanh toán trực tiếp chi phí sản xuất, cung ứng giống, hiện nay dự thảo đang đưa ra 3 phương án lựa chọn giá để thanh toán gồm: (1) Theo giá thị trường (giao cho Ủy ban Nhân dân xã chịu trách nhiệm xác định); (2) theo quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; (3) cơ quan tài chính cùng cấp.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nhận thấy, với quy định như hiện nay tạo độ mở cho địa phương trong việc lựa chọn các phương án xác định giá. Tuy nhiên cần giao cho địa phương ban hành cơ chế, hướng dẫn ủy ban nhân dân các xã xác định giá theo thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch.

Hội đồng Dân tộc cho rằng, dự thảo còn một số điểm còn làm rõ, cần được quy định đơn giản về quy trình, thủ tục và cụ thể để thực hiện ngay. Chính phủ nghiên cứu cơ chế hỗ trợ khoán trọn gói đối với cộng đồng dân cư trong các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chủ trì Phiên họp

Tại khoản 5, về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, dự thảo của Nghị định của Chính phủ đưa ra 02 phương án. Phương án 2, cơ bản vẫn giữ nguyên như dự thảo ban đầu trước khi báo cáo UBTVQH nên HĐDT đã không thống nhất lựa chọn.

Phương án 1, tiếp thu ý kiến trong báo cáo thẩm tra sơ bộ của HĐDT và UBTVQH, trong đó đề xuất không áp dụng quản lý tài sản công đối với tài sản có vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dưới 500 triệu, hoặc tài sản hỗ trợ cho cộng đồng người dân tham gia thực hiện dự án phát triển sản xuất. Đồng thời đối với các tài sản có giá trị trên 500 triệu, ưu tiên cho các chủ trì liên kết được vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội.

Vì vậy, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, Hội đồng Dân tộc đa số thống nhất lựa chọn theo phương án 1 do Chính phủ đề xuất. Nên giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh quy định cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Tại khoản 6, về ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nêu rõ, hiện Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước chưa có quy định cụ thể về bố trí vốn đầu tư công tự cân đối của địa phương để ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Chính phủ đề xuất chính sách trên để cho vay hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… tương tự chính sách quy định tại Nghị quyết 98/2023/QH 15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Hồ Chí Minh.

Đa số các ý kiến đều thống nhất và cho rằng, quy định ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội là phù hợp, để tăng vốn cho vay ưu đãi.

Hội đồng Dân tộc nhất trí với đề xuất của Chính phủ về chính sách này và đã tiếp thu, chỉnh sửa theo hướng mở rộng đối tượng cho vay, thống nhất với điểm b, giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết. HĐDT thấy rằng nguồn cấp bổ sung quy định bao gồm, vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển khác, kinh phí thường xuyên và cần xác định rõ thêm nguồn các khoản, mục dư vốn không thực hiện được từ các chương trình mục tiêu cần được sắp xếp, điều chỉnh. Đặc biệt, đối với các địa phương dư vốn do không còn đối tượng (do độ trễ chính sách), cần tăng tỷ lệ bổ sung cho ngân hàng chính sách từ khoản dư trên để tăng hiệu quả sử dụng ngân sách cũng như bảo đảm công bằng giữa các địa phương.

Tại khoản 7, về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG, dự thảo của Chính phủ đã tiếp thu báo cáo thẩm tra sơ bộ của HĐDT và ý kiến của UBTVQH và sửa theo hướng giao cho cấp tỉnh lựa chọn 1 huyện tiến hành làm thí điểm để bảo đảm thống nhất và giao cho cho Hội đồng nhân dân tỉnh quyêt định nội dung phân cấp đối với cấp huyện. Trong đó chia ra hai phương án:

- Phương án 1: Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định việc phân bổ vốn thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến từng dự án thành phần thuộc từng chương trình mục tiêu quốc gia; danh mục dự án đầu tư công thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

- Phương án 2: Hội đồng nhân dân cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nêu rõ, các ý kiến thành viên của Hội đồng Dân tộc lựa chọn phương án 2 và thấy rằng, phương án 2 sẽ đảm bảo phân cấp triệt để cho huyện chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý triển khai thực hiện các CTMTQG. Đồng thời là thí điểm, là cơ sở để phục vụ xây dựng các CTMTQG cho giai đoạn 2026-2030. Chính sách này cũng tạo cơ chế chủ động, nên giao cho địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn để quyết định, có thực hiện, hoặc không thực hiện việc áp dụng chính sách này.

Tại khoản 8, về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, vốn đầu tư công hàng năm đối vơi dự án đầu tư xây dựng công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, Hội đồng Dân tộc thấy rằng, Chính phủ đã bổ sung, sửa đổi chính sách này theo báo cáo thẩm tra của HĐDT và ý kiến của UBTVQH. Về cơ bản Hội đồng Dân tộc thống nhất với dự thảo chính sách, tuy nhiên đề nghị Chính phủ làm rõ thêm: Căn cứ để giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư công hàng năm khi không có danh mục dự án./.

Bích Ngọc - Phạm Thắng

Các bài viết khác