ĐBQH LÃ THANH TÂN: ĐIỀU CHỈNH MỘT SỐ NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN QUY ĐỊNH CAN THIỆP SỚM TỔ CHỨC TÍN DỤNG, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI

15/01/2024

Chiều 15/01, phát biểu tại phiên họp thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng đã cho ý kiến về quy định can thiệp sớm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

ĐBQH HOÀNG THỊ THANH THÚY: BỔ SUNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH TRONG DỰ THẢO LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI) NHẰM XÂY DỰNG HÀNH LANG PHÁP LÝ VỮNG CHẮC

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Phát biểu tại Hội trường về góp ý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng chia sẻ sự tán thành với dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được trình tại kỳ họp này. Tuy nhiên, đại biểu Lã Thanh Tân cũng có ý kiến về quy định can thiệp sớm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau:

Đại biểu Lã Thanh Tân cho biết, theo dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, quy định can thiệp sớm là một cơ chế của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khắc phục các tình trạng can thiệp sớm, đại biểu Lã Thanh Tân đã tán thành với các quy định này. Tuy nhiên, dự thảo luật trình Quốc hội lần này bổ sung thêm quy định Ngân hàng nhà nước phải có văn bản quyết định chấm dứt can thiệp sớm. Theo đại biểu Lã Thanh Tân, quy định này làm thay đổi bản chất can thiệp sớm, chuyển can thiệp sớm từ cơ chế can thiệp từ sớm, từ xa của cơ quan quản lý sang một trạng thái xử lý cụ thể.

Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng

Với cơ chế can thiệp từ sớm thì khi phát hiện các tổ chức tín dụng thuộc trường hợp can thiệp sớm, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi tổ chức tín dụng thực hiện các yêu cầu hạn chế để khắc phục các vấn đề trong hoạt động để tổ chức tín dụng đó quay trở lại hoạt động bình thường, đây không phải là văn bản quyết định đặt tổ chức tín dụng vào can thiệp sớm. Trong văn bản của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ các yêu cầu hạn chế cùng với thời hạn thực hiện các yêu cầu hạn chế đó, các yêu cầu hạn chế của Ngân hàng Nhà nước sẽ chấm dứt khi hết thời hạn thực hiện mà các tổ chức tín dụng đã khắc phục được các vấn đề của mình.

Theo đại biểu Lã Thanh Tân, với cách tiếp cận này, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng yêu cầu hạn chế hoặc không còn áp dụng yêu cầu hạn chế đối với tổ chức tín dụng được can thiệp sớm mà không có văn bản quyết định can thiệp sớm nên cũng không cần có văn bản quyết định chấm dứt can thiệp sớm. Đại biểu Lã Thanh Tân cũng cho biết trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản quyết định can thiệp sớm và sau đó là văn bản quyết định khi chấm dứt can thiệp sớm, đây sẽ là thông tin bất lợi đối với tổ chức tín dụng, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, ảnh hưởng tới tâm lý người gửi tiền, tạo rủi ro nguy cơ rút tiền hàng loạt đối với chính tổ chức tín dụng được can thiệp sớm nói riêng và hệ thống tổ chức tín dụng nói chung.

Vì vậy, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị giữ nguyên quy định về can thiệp sớm như dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 hoặc bỏ quy định Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản quyết định chấm dứt can thiệp sớm tại Điều 161 của dự thảo luật. Điều này sẽ phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, tránh trường hợp thị trường có phản ứng tiêu cực khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp can thiệp sớm đối với một tổ chức tín dụng./

Ngọc Thúy

Các bài viết khác