5 NHÓM ĐIỂM MỚI QUAN TRỌNG CỦA LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) VỪA ĐƯỢC QUỐC HỘI THÔNG QUA

18/01/2024

Chia sẻ với phóng viên tại cuộc Họp báo về kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV (sáng 18/01), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho biết, có hàng trăm điểm mới trong Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua, trong đó có thể khu trú lại thành 5 nhóm điểm mới quan trọng, có tác động đến các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG: CÁC NỘI DUNG ĐƯỢC QUYẾT ĐỊNH TẠI KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 5 LÀ MINH CHỨNG CHO TINH THẦN LẬP PHÁP VÌ DÂN

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV

Sáng 18/01, tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), gồm 16 chương và 260 điều. Việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo đúng Hiến pháp năm 2013, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, mà trực tiếp là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu là một trong những đại biểu đã theo dõi quá trình xây dựng dự thảo luật, tham gia thẩm tra luật. Tại buổi họp báo về kết quả kỳ họp diễn ra ngay sau phiên Bế mạc, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu đã chia sẻ về quá trình xây dựng và thông qua một luật rất “đặc biệt” có ý nghĩa và tầm quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, cũng là dự án Luật rất khó và phức tạp.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho biết, khi trình dự thảo Luật, Chính phủ cũng trình dự thảo Nghị định ban hành kèm theo. Thống kê sơ bộ có khoảng 65 điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết, do đó, Chính phủ sẽ ban hành các Nghị định để hướng dẫn thi hành 65 điều khoản này. Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cũng đề nghị Chính phủ sớm có kế hoạch triển khai thi hành Luật, trong đó, xác định việc soạn thảo, ban hành sớm các Nghị định hướng dẫn thi hành, bảo đảm Luật sớm đi vào cuộc sống.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu

Về những điểm mới trong Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu khẳng định: “Nếu liệt kê chi li, có hàng trăm điểm mới trong Luật Đất đai (sửa đổi), nhưng trong quá trình nghiên cứu của cá nhân tôi, có 5 nhóm vấn đề mới”:

Nhóm vấn đề thứ nhất liên quan đến các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Nhóm này có nhiều quy định, như mở rộng quyền sử dụng đất, tiếp cận đất đai đối với công dân Việt Nam, chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhóm vấn đề thứ hai liên quan đến tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp, trong đó có nhiều quy định mới, như: thu hồi đất phục vụ cho hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ sản xuất kinh doanh – điều này được thiết kế mới, thể chế hoá đầy đủ Điều 54 của Hiến pháp là chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật sự cần thiết; mở rộng quy định liên quan đến cơ chế thoả thuận về đất, chuyển mục đích sử dụng đất, người đang có đất; mở rộng quỹ đất; quỹ đất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; nguồn lực đất đai cho xây dựng nhà ở xã hội...

Nhóm vấn đề thứ ba liên quan đến quy định nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Trong đó có quy định về đất sử dụng kết hợp đa mục đích; giới hạn, thu hẹp trường hợp phải xin phép; vấn đề  nhận chuyển đổi đất nông nghiệp để tăng cơ hội tích tụ sản xuất quy mô lớn; vấn đề nhận chuyển nhượng đất trồng lúa với người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp...

Nhóm vấn đề thứ tư, liên quan tài chính đất đai đã tách bạch vấn đề về định giá đất; chính sách hỗ trợ miễn giảm về đất; một số chính sách ổn định tiền thuê đất như là một hoạt động đầu vào của hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhóm vấn đề thứ năm, quy định mới nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước đối với sử dụng đất đai, trong đó điểm đáng chú ý là cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, ví dụ vấn đề liên quan đến nhận chuyển nhượng dự án bất động sản, gia hạn đất nông nghiệp.

Ngoài ra, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cũng cho biết, một trong những điểm mới quan trọng trong Luật Đất đai (sửa đổi) là nâng cao chất lượng và cơ chế về thông tin dữ liệu đất đai để mọi người dân tiếp cận dễ dàng, đầy đủ hơn phục vụ đời sống, sản xuất kinh doanh.

Lan Hương - Phạm Thắng

Các bài viết khác