Lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Bích Sơn (20/1/1924 - 20/1/2024).
Dự buổi lễ có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Son; Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Thị Hoàng Vân; Thường trực Ủy ban Đối ngoại; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo một số cơ quan, bộ, ngành, địa phương...
Đặc biệt đến dự Lễ Kỷ niệm có bà Vũ Thị Kim Hoàng, phu nhân đồng chí Hoàng Bích Sơn, các con, cháu, những người thân trong gia đình, đồng chí, đồng nghiệp và đồng hương Quảng Nam.
Ôn lại cuộc đời và những cống hiến to lớn của đồng chí Hoàng Bích Sơn đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết, đồng chí Hoàng Bích Sơn tên thật là Hồ Liên (bí danh Hồ Bích), sinh ngày 20/1/1924 tại xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Xuất thân trong một gia đình trí thức có nhiều người tham gia cách mạng, đồng chí thấu hiểu nỗi đau mất nước, bị thực dân đô hộ và cảnh lầm than nô lệ của nhân dân nên đã sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; bà Vũ Thị Kim Hoàng, phu nhân đồng chí Hoàng Bích Sơn cùng những người thân trong gia đình, đồng chí, đồng nghiệp và đồng hương Quảng Nam dự Lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Bích Sơn.
Trải qua trên 50 năm công tác liên tục, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân tín nhiệm giao nhiều trọng trách. Từ tháng 3/1945 đến tháng 2/1946 làm Bí thư Ban vận động cứu quốc xã, Ủy viên Thường vụ Ủy ban bạo động khu Trung huyện Duy Xuyên; Phó Chủ tịch UBND cách mạng huyện Duy Xuyên; Phó Chủ nhiệm Việt - Minh huyện Duy Xuyên; tháng 3/1946 đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó cho đến khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đồng chí đã trải qua các cương vị công tác: Bí thư chi bộ xã Duy Trinh; Phó Bí thư rồi Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên, Ủy viên dự khuyết liên Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận, Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận.
Năm 1954 tập kết ra Bắc, đồng chí nhận công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng; tháng 9/1955 đến tháng 10/1957, đồng chí tham gia cải cách ruộng đất đợt 4 tại tỉnh Hà Nam, đợt 5 tại tỉnh Thái Bình, rồi sửa sai tại Nghệ An; từ tháng 11/1957 làm Trưởng phòng Miền Nam, rồi Chánh Văn phòng Ban Thống nhất Trung ương. Từ tháng 5/1965 đến tháng 6/1976 là đại diện Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam tại Cộng hòa Cuba; Thứ trưởng Bộ ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam; Ủy viên Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam; Trưởng ban Ngoại vụ Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định. Tháng 7/1976, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao rồi được cử làm Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc. Tháng 6/1985, đồng chí là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Trưởng ban Việt kiều Trung ương (nay là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao).
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ về những kỷ niệm, cống hiến của đồng chí Hoàng Bích Sơn.
Năm 1986, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI. Tháng 7/1987, đồng chí được bầu là Đại biểu Quốc hội khóa VIII và được bầu làm Ủy viên Hội đồng Nhà nước. Tháng 1/1987, đồng chí được cử giữ chức Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng; Bí thư Ban cán sự Đảng ngoài nước.
Năm 1991, đồng chí là Ủy viên Hội đồng sửa đổi Hiến pháp; năm 1992, đồng chí được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa IX, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa IX (nhiệm kỳ 1992 - 1997) và là Chủ tịch Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại Liên minh Nghị viện Thế giới.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà nhấn mạnh, trong suốt cuộc đời cống hiến, phục vụ sự nghiệp cách mạng trên nhiều nhiệm vụ, công tác khác nhau, khi ở trong nước, lúc ở nước ngoài, đồng chí Hoàng Bích Sơn luôn nêu cao tấm gương về lòng tận tụy, sự trung thành với cách mạng, với Tổ quốc, với nhân dân. Đồng chí đã có những cống hiến quan trọng, đặc biệt trong công tác đối ngoại. Những người cộng tác gần gũi của đồng chí, học tập ở đồng chí sự chân thành, tinh thần say mê, thái độ làm việc nghiêm túc, nếp sống giản dị và gần gũi với mọi người, luôn luôn giữ gìn đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nêu rõ, trong thời gian công tác tại Quốc hội, với cương vị là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại khóa IX (nhiệm kỳ 1992 – 1997), đồng chí Hoàng Bích Sơn đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với hoạt động lập pháp và giám sát của Quốc hội. Với tư cách là đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, đồng chí thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri, được cử tri tín nhiệm.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà ôn lại cuộc đời và những cống hiến to lớn của đồng chí Hoàng Bích Sơn.
Với những đóng góp trên, đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng nhất; Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng nhất; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Huy hiệu vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam.
Năm 1997, do sức khỏe giảm sút, được Đảng và Nhà nước cho nghỉ chế độ nhưng đồng chí vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu, theo dõi sát tình hình. Bằng tri thức và kinh nghiệm của mình, đồng chí đóng góp tích cực, những ý kiến quý báu về sự nghiệp đổi mới, xây dựng Đảng, về công tác lập pháp, về thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước... Trong quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè, đồng chí Hoàng Bích Sơn luôn khiêm tốn, giản dị, chân thành được mọi người tin yêu, quý trọng.
“Tuy đồng chí Hoàng Bích Sơn đã đi xa gần 24 năm, nhưng những gì đồng chí để lại rất đáng được trân trọng; kỷ niệm sâu sắc về đồng chí vẫn còn vẹn nguyên trong lòng nhiều người từng biết và có dịp sống, làm việc bên cạnh đồng chí”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nhấn mạnh.
Chia sẻ tại Lễ Kỷ niệm, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong suốt quãng đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Hoàng Bích Sơn - người con quê hương Quảng Nam đã cống hiến trí tuệ, khả năng và sức lực, tâm huyết cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Không chỉ là một cán bộ lãnh đạo tài năng và mẫu mực, đồng chí Hoàng Bích Sơn còn là người thầy, người bạn gần gũi, thân thiết với tất cả mọi người. Cuộc đời đồng chí Hoàng Bích Sơn đã "hữu xạ tự nhiên hương", là tấm gương sáng để các thế hệ cán bộ trẻ học tập, noi theo.
Cũng nhân dịp này, Ban Tổ chức đã giới thiệu đến các đại biểu bộ phim tư liệu “Hồ Liên – Hoàng Bích Sơn – Nhà ngoại giao đất Việt – Ký ức từ đồng sự” do gia đình dày công sưu tập, xây dựng.
Trân trọng một số hình ảnh tại Lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Bích Sơn:
Lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Bích Sơn (20/1/1924 - 20/1/2024).
Các đại biểu dự Lễ Kỷ niệm.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ về những kỷ niệm, cống hiến của đồng chí Hoàng Bích Sơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà ôn lại cuộc đời và những cống hiến to lớn của đồng chí Hoàng Bích Sơn.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Thị Hoàng Vân thay mặt Ban Đối ngoại Trung ương gửi lời tri ân tới gia đình đồng chí Hoàng Bích Sơn.
Nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, nguyên Uỷ viên Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Hà Đăng chia sẻ về những năm tháng cùng công tác với đồng chí Hoàng Bích Sơn.
Nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nghiêm Vũ Khải phát biêu tại Lễ Kỷ niệm.
Tại Lễ Kỷ niệm, các đại biểu đã xem phim tư liệu “Hồ Liên – Hoàng Bích Sơn – Nhà ngoại giao đất Việt – Ký ức từ đồng sự” do gia đình dày công sưu tập, xây dựng.