LUẬT VIỄN THÔNG 2023: XÂY DỰNG HÀNH LANG PHÁP LÝ VỮNG MẠNH PHÙ HỢP VỚI XU THẾ CHUYỂN ĐỔI SỐ
CẦN ĐÔN ĐỐC, CHỈ ĐẠO, RÀ SOÁT, XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH CÁC CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH THUẬN LỢI CHO CHUYỂN ĐỔI SỐ AN SINH XÃ HỘI
Trong Chiến lược Phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2030, các nội dung về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo được thể hiện đồng bộ, xuyên suốt từ chủ đề, quan điểm, mục tiêu đột phá cũng như những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo đảm được tính kế thừa từ những thành công đã đạt được và thích nghi với bối cảnh mới ở trong nước cũng như quốc tế.
Vấn đề về chuyển đổi số được đưa ra thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9.
Thực tế những năm qua đã minh chứng hoạt động đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ có vai trò, động lực quan trọng đối với tăng năng suất, hiệu quả và cả năng lực cạnh tranh quốc gia trong dài hạn. Yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là chúng ta cần phải thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ song hành với phát triển kinh tế, qua đó góp phần thực hiện hóa chủ trương tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng ổn định và bền vững hơn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) Nguyễn Phương Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đã có những nhận định và chia sẻ về nội dung trên.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội thông qua việc tăng trưởng, tạo nguồn thu từ khoa học công nghệ
Phóng viên: Trong những năm qua, lĩnh vực khoa học và công nghệ đã có những điểm sáng và gặt hái được những thành tựu đáng kể. Việc làm chủ, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ của các doanh nghiệp ngày càng được nâng cao. Xin Phó Chủ nhiệm có thể chia sẻ bức tranh của lĩnh vực khoa học công nghệ Việt Nam thời gian qua?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Nguyễn Phương Tuấn: Lĩnh vực về khoa học công nghệ của Việt Nam luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm và đã đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển. Bởi phát triển khoa học công nghệ cũng như đầu tư về nguồn lực là một trong ba đột phá quan trọng việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời chỉnh sửa, ban hành những đạo luật, chính sách, nghị quyết kịp thời để thúc đẩy, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào thực tiễn cuộc sống như Luật Khoa học công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ… Nhà nước ta luôn coi các doanh nghiệp là trung tâm cho động lực phát triển khoa học công nghệ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang.
Hiện chúng ta đang đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội thông qua việc giảm khai thác tài nguyên mà thay vào đó là thúc đẩy tăng trưởng, tạo nguồn thu từ lĩnh vực khoa học công nghệ. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc phát triển khoa học công nghệ vẫn còn những bất cập, vướng mắc. Ví dụ như là về cơ chế tài chính cho khoa học công nghệ vẫn chưa được thông thoáng hoặc là cách thức vận hành cho các tổ chức khoa học công nghệ, cơ chế cho các doanh nghiệp vận dụng các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn những điểm nghẽn.
Còn trong quá trình thực hiện giám sát, Ủy ban KHCN&MT đã nhận được nhiều ý kiến từ phía các doanh nghiệp là nên coi nghiên cứu khoa học công nghệ là một ngành nghề rủi ro nên cần phải có một cơ chế thông thoáng, chứ không nên hành chính hóa việc thực hiện nghiên cứu khoa học công nghệ.
Nhiều doanh nghiệp đã biết ứng dụng chuyển đổi số trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hiệu quả
Phóng viên: Nhiều doanh nghiệp đã nhận thức và triển khai nhiều hoạt động liên quan tới chuyển đổi số cũng như đầu tư nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ. Vậy thực tế từ việc nghiên cứu ứng dụng đến thương mại hóa và đưa vào những dây chuyền sản xuất kinh doanh bằng khoa học công nghệ mới đang được các doanh nghiệp thực hiện như thế nào, thưa Phó Chủ nhiệm?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Nguyễn Phương Tuấn: Từ thực tế trên lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp triển khai giống cây trồng, chế biến thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng nông lâm, thủy sản ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ rất tốt. Họ ứng dụng cả về chuyển đổi số trong cung cách quản quản lý sản phẩm.
Về lĩnh vực công nghiệp, các doanh giao thông vận tải cũng ứng dụng công nghệ chuyển đổi số hoặc các công nghệ mới mà họ tự có thể nghiên cứu cũng như công nghệ do người Việt Nam tự chế tạo. Ví dụ như các doanh nghiệp có thể làm các dầm cầu hoặc là thiết kế các giá thép khi triển khai các dự án cầu đường. Còn các ngân hàng thì lại biết vận dụng tiến bộ của công nghệ thông tin, làn sóng công nghệ mới như blockchain, trí tuệ nhân tạo hay là về Internet vạn vật.
Luật Viễn thông (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6 là cơ sở pháp lý quan trọng khi chuyển sang nền tảng số (ảnh minh họa).
Khi Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được Quốc hội thông qua đã tạo hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong khối ngân hàng có thể ứng dụng được các công nghệ vào trong cái công việc hàng ngày. Ví dụ như các ngân hàng đã ứng dụng công nghệ mới vào định danh xác thực nhằm nâng cao tính bảo mật thông tin. Sắp tới, khi mà Luật Viễn thông (sửa đổi) có hiệu lực thì cũng tạo ra nền tảng cơ sở pháp lý và làm thay đổi hoàn toàn nền tảng viễn thông. Theo đó, trước đây, nền tảng viễn thông của chúng ta là thông tin thì sắp tới sẽ chuyển thành nền tảng số. Với nền tảng này, các doanh nghiệp viễn thông và ngân hàng sẽ hoạt động hiệu quả hơn.
Việt Nam là một trong những nước đón đầu công nghệ mới
Phóng viên: Năm 2024 hứa hẹn sẽ là một năm rất hứng khởi với nhiều làn sóng, trào lưu công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ ở trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Những công nghệ xanh liên quan tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và hướng tới đến năm 2050, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0. Vậy theo Phó Chủ nhiệm, chúng ta cần chú trọng những yếu tố nào để có thể chào đón được những làn sóng công nghệ mạnh mẽ đang diễn ra?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Nguyễn Phương Tuấn: Năm 2023, chúng ta đã chào đón làn sóng công nghệ mới như công nghệ 5G, Internet vạn vật, trợ lý ảo, trí tuệ nhân tạo hay là công nghệ xanh... Bước sang năm 2024, chúng ta xác định công nghệ 5G được xác định là hạ tầng viễn số và công nghệ 5G sẽ giúp cho chúng ta thực hiện chiến lược Chuyển đổi số quốc gia từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Liên quan đến cái hạ tầng viễn thông, chúng ta thấy rằng, Việt Nam là một trong những nước đón đầu công nghệ mới. Hiện nay, trên thế giới, những nước có nền công nghệ phát triển mới đang bắt đầu triển khai công nghệ 5G. Còn Việt Nam đã nhắc đến công nghệ này từ tháng 05/2019. Cơ sở pháp lý để chúng ta tiếp nhận và phát triển công nghệ 5G là Luật Viễn thông vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6. Ngoài ra, Việt Nam cũng là nước tiếp cận với trí tuệ nhân tạo từ sớm và được áp dụng vào một số lĩnh vực trong cuộc sống. Tuy nhiên, nguồn nhân lực hiểu biết bài bản, chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo của Việt Nam hiện vẫn còn thiếu nên đây cũng là thách thức đối với chúng ta khi ứng dụng công nghệ mới này.
Đối với công nghệ xanh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/2022 cho Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn để đến năm 2050, Việt Nam đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 như cam kết tại Hội nghị COP-26. Mặc dù chúng ta đã đặt ra những việc làm để đạt được mục tiêu cam kết nhưng đây cũng là thách thức đặt ra với chúng ta khi nguồn lực tài chính còn hạn chế. Bởi để triển khai được công nghệ xanh, chúng ta cần một nguồn lực tài chính lớn.
Đối với loại xe tự hành, chúng ta chưa có cơ sở pháp lý để triển khai vào thực tiễn nên Ủy ban KHCN&MT cũng đồng ý với đề xuất là sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013. Trong đó, sẽ bao gồm một chương về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để có thể đáp ứng được thực tiễn cuộc sống.
Vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong hệ thống pháp luật về chuyển đổi số cần được hoàn thiện
Phóng viên: Chúng ta đang có những bước tiến rất lớn để có thể đạt được những mục tiêu liên quan tới phát triển khoa học công nghệ. Để đẩy mạnh triển khai các hoạt động đó, Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội cũng đã có văn bản số 2159 ngày 29/12/2023 báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện những chính sách pháp luật về chuyển đổi số với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phó Chủ nhiệm có thể thông tin thêm về những nội dung của văn bản này?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Nguyễn Phương Tuấn: Trong năm 2023, Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội đã được lãnh đạo Quốc hội giao giám sát chuyên đề thực hiện chính sách pháp luật về chuyển đổi số giai đoạn từ năm 2020-2023. Mục đích của việc giám sát chuyên đề này là để đánh giá xem từ năm 2020 đến nay, chúng ta có vướng mắc gì về chính sách pháp luật không. Chúng ta đã có những luật gì liên quan đến chuyển đổi số và việc triển khai các chính sách pháp luật đó như thế nào để từ đó đưa ra nhận định, đánh giá khách quan.
Liên quan đến việc chuyển đổi số gồm có Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Sở hữu trí tuệ... Về cơ bản, theo nhận định của tôi, hệ thống pháp luật cho chuyển đổi số của Việt Nam khá đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn phải xem lại chúng ta vận hành các luật này như thế nào.
Đến ngày 01/7/2024, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi) bắt đầu có hiệu lực nên hiện nay Chính phủ đang phải khẩn trương xây dựng những văn bản dưới luật để các luậ này có thể áp dụng vào thực tiễn cuộc sống hiệu quả.
Trong báo cáo giám sát việc thực hiện những cái chính sách pháp luật về chuyển đổi số, ngoài những đánh giá khách quan, Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội cũng nêu ra một số tồn tại, hạn chế trong hệ thống pháp luật về chuyển đổi số của chúng ta hiện nay vẫn còn chưa được đồng bộ, còn một số nội dung chồng chéo hoặc là còn thiếu. Ví dụ như những tồn tại hiện nay cần được hoàn thiện chính sách pháp luật đối với dịch vụ mới, ngành nghề kinh doanh mới; cơ chế thử nghiệm, kiểm soát cho giao dịch tiền tệ ở trong ngân hàng... Qua sự giám sát này, Ủy ban mới có cơ sở để quy trách nhiệm, đề nghị Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương đưa ra các giải pháp khắc phục những bất cập để có thể triển khai hiệu quả các Luật, Nghị quyết khi đã sửa đổi, hoàn thiện vào cuộc sống.
Cần cơ chế đặc thù hỗ trợ cho các doanh nghiệp, những nhà khoa học
Phóng viên: Khi mà các bộ luật liên quan đến khoa học công nghệ được hoàn thiện hoặc có hiệu lực áp dụng vào thực tiễn cuộc sống thì sẽ là cơ sở pháp lý để thúc đẩy cho lĩnh vực này phát triển trong thời gian tới. Vậy theo đại biểu, các doanh nghiệp cần chú trọng những việc làm gì để triển khai, ứng dụng các luật vào thực hiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Nguyễn Phương Tuấn: Tôi cho rằng, để hoạt động khoa học công nghệ ngày càng phát triển thì đầu tiên chúng ta phải có hành lang pháp lý đầy đủ và cơ chế đặc thù hỗ trợ cho các doanh nghiệp, những nhà khoa học tham gia vào công tác nghiên cứu. Bên cạnh đó, cả cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp cần chú trọng công tác tuyên truyền, vinh danh những người tâm huyết thực sự với nghiên cứu khoa học công nghệ. Đây cũng là nguồn cảm hứng, động lực để thu hút thế hệ trẻ dấn thân vào công tác nghiên cứu khoa học công nghệ.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Phó Chủ nhiệm!