ĐIỆN BIÊN: CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP HOẠT ĐỘNG HIỆU QUẢ HƠN SAU KHI SẮP XẾP, TỔ CHỨC

05/03/2024

Kết quả giám sát cho thấy, việc tinh giảm đầu mối, giảm số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tại tỉnh Điện Biên đạt và vượt chỉ tiêu yêu cầu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW. Các đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp, tổ chức lại đều hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định, chất lượng, hiệu quả hoạt động ngày càng nâng lên.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐIỆN BIÊN: HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT ĐẢM BẢO CÔNG KHAI, KHÁCH QUAN VÀ ĐÚNG THẨM QUYỀN

ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐIỆN BIÊN LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH VỀ CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

Thực hiện Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH15 ngày 02/8/2023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc Thành lập Đoàn giám sát và Kế hoạch số 623/KH-ĐGS ngày 21/9/2023 của Đoàn Giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 162/NQ-ĐĐBQH ngày 11/10/2023 của Đoàn ĐBQH tỉnh về thành lập Đoàn giám sát; Kế hoạch số 163/KH-ĐGS ngày 11/10/2023 của Đoàn giám sát về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”.

Đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến cho biết, kết quả chung về sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập: số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập tính đến hết ngày 31/12/2023; so sánh với năm 2015, 2017 và 2021.

Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Điện Biên tính đến ngày 31/12/2023 là 594 đơn vị. So với năm 2015, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập tại tỉnh Điện Biên đã giảm 90 đơn vị, giảm 13,16%. So với năm 2017, số lượng đơn vị giảm 84 đơn vị, giảm 12,39%. So với năm 2021, số lượng chỉ giảm 03 đơn vị, giảm 0,5%.

Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập mới: Thành lập mới trường Tiểu học và THCS thuộc UBND thành phố Điện Biên Phủ trên cơ sở tiếp nhận Trường Tiểu học - THCS Hermann Gmeiner Điện Biên Phủ từ Làng trẻ em SOS Việt Nam theo ký kết giữa Làng trẻ em SOS Việt Nam và UBND tỉnh Điện Biên; thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh.

Kết quả cơ cấu lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả: Đã thực hiện giải thể Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo. Kết quả tiếp nhận các đơn vị sự nghiệp công lập có tính chất cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của Bộ về chính quyền địa phương quản lý: Không có.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến.

Nhìn chung, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh được thực hiện đồng bộ, cơ cấu hợp lý theo hướng tinh gọn bộ máy, giảm mạnh đầu mối; cơ bản đã khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải, trùng lặp về nhiệm vụ; bảo đảm theo đúng quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập được cấp có thẩm quyền phê duyệt gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả nước. Giai đoạn 2015-2021 đạt và vượt mục tiêu yêu cầu tại Nghị quyết 19-NQ/TW và các quy định liên quan.

Kết quả tinh giảm đầu mối, số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập đạt và vượt chỉ tiêu

Đánh giá chung về việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Điện Biên theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến nhận định: Việc đổi mới đã được triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, bám sát yêu cầu của Trung ương và cơ bản phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Kết quả tinh giảm đầu mối, giảm số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập đạt và vượt chỉ tiêu yêu cầu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW. Các đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp, tổ chức lại đều hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định, chất lượng, hiệu quả hoạt động ngày càng nâng lên.

Tuy nhiên, theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023 trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế liên quan đến việc thực hiện một số nhiệm vụ trong sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; tinh giảm biên chế; thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; xã hội hoá dịch vụ công... Bài học kinh nghiệm rút ra từ việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp trong giai đoạn 2018-2023:

Một là, cần thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, việc chức, người lao động để nắm rõ mục tiêu, ý nghĩa việc thực hiện Nghị quyết, tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong quá trình triển khai thực hiện.

Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” trên địa bàn huyện Tuần Giáo.

Hai là, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Ba là, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các tập thể và cá nhân, nhất là vai trò của người đứng đầu trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển.

Bốn là, quá trình xây dựng Kế hoạch, Đề án thực hiện phải có sự tham gia ý kiến của các đơn vị trực thuộc, đối tượng viên chức, người lao động chịu tác động của kế hoạch, đề án để đưa ra các giải pháp phù hợp, nhận được sự ủng hộ, tin tưởng của viên chức, người lao động.

Năm là, có cơ chế và chính sách phù hợp đối với những người chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp.

Sáu là, việc triển khai phải quyết liệt, đồng bộ, đảm bảo các quy định của pháp luật. Việc xây dựng Đề án, kế hoạch phải công khai, minh bạch vì mục tiêu chung; việc giảm số lượng đơn vị sự nghiệp, giảm số lượng người làm việc phải căn cứ vào tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể và chức năng, nhiệm vụ, tránh việc cào bằng, giảm cơ học.

Một số nhóm giải pháp nâng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập

Để việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập đạt hiệu quả chất lượng, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lò Thị Luyến đề xuất một số nhóm giải  pháp:

Nhóm giải pháp về thể chế chính sách: Quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW gắn với các chủ trương của Đảng có liên quan, nhất là về tổ chức bộ máy, tiêu chí và điều kiện sắp xếp, nhân lực và cơ cấu đội ngũ, chế độ, chính sách, chú trọng chính sách thu hút nhân tài, người có chuyên môn nghiệp vụ giỏi; cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chính sách tiền lương phù hợp với đặc thù của ngành, lĩnh vực sự nghiệp; định mức kinh tế - kỹ thuật để định giá từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công, hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, xác định rõ chính sách phúc lợi, chính sách an sinh trong giá dịch vụ sự nghiệp công; cơ chế kiểm tra, kiểm soát, giám sát, quản trị theo hướng tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; hoạt động kiểm định, định giá, đánh giá độc lập chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; chính sách xã hội hoá phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước.

Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện: Cần nghiên cứu và giao chỉ tiêu tinh giảm đầu mối, tinh giản biên chế phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương, đơn vị (khó khăn về hạ tầng kinh tế - xã hội; khoảng cách địa lý; hạ tầng giao thông; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin…) và phù hợp với khả năng xã hội hoá dịch vụ công.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan chức năng, đơn vị sự nghiệp công lập và Nhân dân, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý, tạo sự thống nhất, đồng thuận, quyết tâm cao để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Kịp thời phát hiện, nhân rộng mô hình đơn vị sự nghiệp công lập điển hình, có cách làm năng động, sáng tạo, hiệu quả; khen thưởng, biểu dương tổ chức, cá nhân thực hiện tốt; kiểm điểm tổ chức, cá nhân không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng, góp phần bảo đảm an sinh, tiến bộ và công bằng xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân. Nâng cao năng lực quản lý, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập, gắn quyền hạn với trách nhiệm, quyền lợi với hiệu quả công việc.

Nhóm giải pháp về nguồn lực: Tiếp tục rà soát, đề xuất, bố trí tăng nguồn ngân sách nhà nước và đổi mới việc phân bổ ngân sách cho các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước; phân bổ cho địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, đối tượng chính sách; đồng thời đẩy mạnh cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; tăng cường thu hút nguồn lực để thực hiện chủ trương xã hội hóa dịch vụ công ở những nơi có đủ điều kiện.

Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cũng đưa ra kiến nghị đối với Chính phủ: Đề nghị nghiên cứu, đánh giá cụ thể việc giao chỉ tiêu tinh giảm đầu mối, tinh giản biên chế 10%, tỷ lệ đơn vị tự chủ tài chính, tỷ lệ giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập cho tất cả địa phương mà không tính đến yếu tố đặc thù (khó khăn về hạ tầng kinh tế - xã hội; khoảng cách địa lý; hạ tầng giao thông; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin…và khả năng xã hội hoá dịch vụ công) như hiện nay để có giải pháp phù hợp, tạo điều kiện cho các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu được giao.

Đối với các Bộ, ngành trung ương: Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đề nghị các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực sớm xây dựng, hoàn thiện các thể chế:

Thứ nhất: Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.

Thứ hai: Ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí; ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo lộ trình giá dịch vụ được tính đủ chi phí làm cơ sở để các đơn vị sự nghiệp công lập xác định mức độ tự chủ về tài chính của đơn vị.

Thứ ba: Ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành; kết quả đầu ra của sản phẩm dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công.

Thứ tư: Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các đơn vị ngoài công lập, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường để đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ công.

Thứ năm: Ban hành thông tư quy định cụ thể nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.

Đối với UBND tỉnh: Trên cơ sở hướng dẫn của các Bộ, ngành trung ương, kịp thời chỉ đạo việc thành lập Hội đồng quản lý đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định 120/2020/NĐ-CP. Bên cạnh đó là chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm phân bổ kinh phí cho Trung tâm dịch vụ nông nghiệp mua sắm trang phục, phù hiệu…cho người làm công tác kiểm soát giết mổ động vật theo quy định tại Thông tư 11/2016/TT-BNNPTNT./.

Bích Lan

Các bài viết khác