CHỦ NHIỆM ỦY BAN KINH TẾ VŨ HỒNG THANH: PHÁT HUY VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM GIÁM SÁT VIỆC BAN HÀNH CÁC VĂN BẢN QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH ĐỂ LUẬT SỚM ĐI VÀO CUỘC SỐNG

06/03/2024

Theo chương trình, Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào sáng 07/3. Sẽ có 9 luật, 10 Nghị quyết được quán triệt triển khai tại hội nghị lần này, trong đó Luật Đất đai năm 2024 và Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 là hai đạo luật vô cùng quan trọng được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, để đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn. Trước thềm hội nghị, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có trao đổi với Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh về nội dung này.

HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC LẦN THỨ HAI TRIỂN KHAI LUẬT, NGHỊ QUYẾT CỦA KỲ HỌP THỨ 6 VÀ KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV.

QUỐC HỘI CHÍNH THỨC THÔNG QUA LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) SAU 4 KỲ HỌP: THÀNH QUẢ TỪ QUYẾT TÂM NỖ LỰC CAO, HÀNH ĐỘNG QUYẾT LIỆT, THẬN TRỌNG, PHỐI HỢP CHẶT CHẼ, HIỆU QUẢ

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Thưa Chủ nhiệm, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, với quyết tâm chính trị cao, Quốc hội đã thông qua được Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đây là hai đạo luật khó, phức tạp, tác động trực tiếp đến kinh tế và đời sống của người dân. Chủ nhiệm đánh giá như thế nào về việc Chính phủ, các Bộ ngành cần phải quyết liệt trong việc sớm ban hành các nghị định hướng dẫn để có thể thực thi luật một cách hiệu quả, sớm đi vào cuộc sống?

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: Sau Kỳ họp thứ 6 với quyết tâm chính trị rất cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã giao cho Ủy ban Kinh tế, các Ủy ban có liên quan khẩn trương tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp gần nhất.

Thời gian từ Kỳ họp thứ 6 đến Kỳ họp bất thường lần thứ 5 không có nhiều, chỉ khoảng hơn 1 tháng nhưng khối lượng công việc là rất lớn, phức tạp, độ khó cao. Qua thống kê cho thấy, sau Kỳ họp thứ 6 vẫn còn đến gần 30 chính sách lớn trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn ý kiến khác nhau. Còn đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), số chính sách lớn không nhiều nhưng một chính sách đều là trọng yếu đối với nền tài chính quốc gia. Như vậy, áp lực đối với các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật là rất lớn.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội, sự vào cuộc của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban Pháp luật và các cái cơ quan có liên quan của Chính phủ như Bộ Tài nguyên Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các vấn đề đã từng bước được các cơ quan trao đổi, làm rõ và đi đến thống nhất. Việc tiếp thu, chỉnh lý bảo đảm về chất lượng để từ đó cả hai dự án luật đều đã được Quốc hội xem xét thông qua với tỷ lệ tán thành cao tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.

Bên cạnh đó, với vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng của các dự án luật này trong hệ thống pháp luật, tác động nhiều mặt tới các hoạt động kinh tế xã hội, đời sống của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Cho nên thông qua là một chuyện nhưng để luật đi vào cuộc sống còn có ý nghĩa quan trọng hơn.

Hình ảnh tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV

Phát huy kết quả và kinh nghiệm từ Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội, ngay sau khi Quốc hội thông qua các luật tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Hội nghị lần thứ hai được tổ chức nhằm đôn đốc các cơ quan có liên quan của Chính phủ, các bộ, ngành sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành để bảo đảm các quy định luật sớm đi vào cuộc sống.

Luật Đất đai năm 2024 có 16 chương, 260 điều và có tới 97 nội dung giao cho Chính phủ và 9 nội dung giao cho các bộ, ngành hướng dẫn, quy định chi tiết. Như hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Đất đai về điều tra cơ bản về đất đai, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, về Trung tâm phát triển quỹ đất, về thu thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; quy định về giá đất; xử lý vi phạm hành chính trong thực hiện pháp luật về đất đai….

Được biết, ngày 5/3/2024 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 222/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15. Trong đó, đã phân công các cơ quan chủ trì soạn thảo 16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng. Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành 06 Nghị định; ban hành theo thẩm quyền 04 thông tư. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định, ban hành theo thẩm quyền 01 thông tư. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành 01 Nghị định; cập nhật bổ sung vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp nội dung được giao tại Điều 248 Luật Đất đai. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 Quyết định. Bộ Nội vụ ban hành 01 thông tư. Kế hoạch này cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng theo trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ ban hành, ban hành theo thẩm quyền trong tháng 5 năm 2024.

Trong phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)

Đối với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có 15 chương, 210 điều, trong đó có 10 nội dung giao cho Chính phủ; 01 nội dung giao cho Thủ tướng Chính phủ và 28 nội dung giao cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp cho Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật như nội dung về nguyên tắc để xử lý khoản vay đặc biệt; việc trích lập, xử lý, sử dụng, quản lý Quỹ bảo đảm an toàn của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân; các hoạt động khác của Quỹ tín dụng nhân dân; cơ chế kiểm soát đặc biệt trong hoạt động ngân hàng; hoạt động ngân hàng của các tổ chức tài chính vi mô…Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đang tích cực để tham mưu cho Chính phủ để có thể sớm ban hành kế hoạch triển khai Luật Các tổ chức tín dụng.

Về phía Uỷ ban Kinh tế cũng như các cơ quan của Quốc hội sẽ phát huy trách nhiệm giám sát như thế nào trong việc triển khai các luật này?

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: Trong thời gian vừa qua, với quyết tâm chính trị rất cao, sự phối hợp quyết liệt, đồng bộ giữa các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan hữu quan thì hai dự án Luật đã được thông qua nhưng đó mới chỉ là kết quả bước đầu. Phía trước còn rất nhiều việc phải làm khi số lượng các nội dung cần quy định chi tiết hướng dẫn thi hành còn khá nhiều.

Với nhiệm được giao, theo thẩm quyền được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội sẽ có trách nhiệm giám sát việc Chính phủ, các bộ, ngành được giao ban hành văn bản quy định chi tiết bảo đảm tiến độ, thời hạn, đồng bộ khi Luật Đất đai năm 2024 chính thức có hiệu lực thi hành từ 01/01/2025 và Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực thi hành từ 01/7/2024 .

Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5

Ngoài giám sát yêu cầu về thời hạn, các cơ quan của Quốc hội cũng sẽ giám sát thực hiện đúng thẩm quyền, đúng quy trình, trình tự, thủ tục và các nội dung quy định chi tiết phải bám sát các chính sách trong luật, quy định một cách chi tiết, rõ ràng hơn để thuận tiện trong quá trình tổ chức thực hiện, không tạo thêm các chi phí về tuân thủ. Có như vậy luật mới đi vào cuộc sống.

Cùng với đó, các cơ quan cũng cần phải tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp, các cấp chính quyền nhận thức đầy đủ về các quy định, các chính sách của Luật.

Hy vọng rằng với những kết quả đã đạt được, kinh nghiệm phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ trong suốt quá trình xây dựng, ban hành luật vừa qua thì trong quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật cũng sẽ được bảo đảm cả về thời hạn, chất lượng để đưa các đạo luật sớm đi vào cuộc sống, giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn thi hành, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong cái hệ thống pháp luật.

Trân trọng cảm ơn Chủ nhiệm!

Bảo Yến - Dương Dung