ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC LÀM VIỆC VỚI THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

12/03/2024

Chiều ngày 12/03, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Thông tấn xã Việt Nam về việc thực hiện chính sách, pháp luật về báo chí. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì cuộc làm việc.

THƯỜNG TRỰC ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC LÀM VIỆC VỚI BÁO NHÂN DÂN

Toàn cảnh cuộc làm việc

Báo cáo với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tại cuộc làm việc, Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Tuấn Hùng cho biết, Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, là cơ quan thông tấn quốc gia, cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông về báo chí, xuất bản và là cơ quan thông tấn duy nhất trong hệ thống báo chí của Việt Nam, được giao thực hiện thực hiện chức năng thông tấn nhà nước trong việc đăng, phát thông tin, văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước; cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; thu thập, phổ biến thông tin bằng các loại hình báo chí và truyền thông đa phương tiện phục vụ các cơ quan thông tin đại chúng, công chúng và các đối tượng khác trong và ngoài nước.

Hiện Thông tấn xã Việt Nam có 26 đơn vị cấp ban (vụ), gồm 05 ban biên tập và 02 trung tâm thông tin nguồn cung cấp thông tin cho hệ thống truyền thông trong và ngoài nước, cùng với 08 tòa soạn báo in và báo điện tử, 01 kênh truyền hình, 01 nhà xuất bản cung cấp các loại hình thông tin phục vụ công chúng, 04 đơn vị giúp việc Tổng giám đốc, 04 đơn vị phục vụ thông tin và 02 doanh nghiệp in. Ngoài ra, với hệ thống 63 cơ quan thường trú tại tất cả các tỉnh, thành trong cả nước và 30 cơ quan thường trú ở ngoài nước đặt tại tất cả 05 châu lục, Thông tấn xã Việt Nam có lực lượng phóng viên tác nghiệp trên khắp mọi miền đất nước và tại hầu hết các địa bàn trọng điểm của thế giới.

Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Tuấn Hùng

Với vai trò là cơ quan thông tấn quốc gia, Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan báo chí có mối quan hệ hợp tác quốc tế rộng rãi nhất tại Việt Nam, hiện có quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin với 47 hãng thông tấn, cơ quan báo chí nước ngoài tại cả 5 châu lục, trong đó có nhiều tổ chức báo chí hàng đầu trên thế giới và là thành viên Ban Chấp hành của Tổ chức các hãng thông tấn châu Á - Thái Bình Dương (OANA - gồm 43 hãng thông tấn thành viên từ 35 nước); thông qua các tổ chức báo chí, truyền thông này thực hiện việc lan tỏa thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước tới hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.  

Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Tuấn Hùng cho rằng, Luật Báo chí về cơ bản phù hợp và bảo đảm tính hiệu lực trong quản lý, điều hành các hoạt động của Thông tấn xã Việt Nam, tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hợp tác, phối hợp, hỗ trợ phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tác nghiệp, tạo ra các sản phẩm thông tin, đóng góp hiệu quả vào việc định hướng tư tưởng, định hướng dư luận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, do tính chất đặc thù trong chức năng, nhiệm vụ và vị trí của Thông tấn xã Việt Nam trong hệ thống báo chí tại Việt Nam nên việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật tại Thông tấn xã Việt Nam có một số vướng mắc. Cụ thể, mặc dù Luật Báo chí có đề cập tới cơ quan thông tấn nhà nước nhưng không có quy định về vai trò, chức năng của cơ quan thông tấn nhà nước và trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức khi sử dụng bản tin thông tấn. Vì vậy, Thông tấn xã Việt Nam hiện cung cấp miễn phí các bản tin thông tấn cho các đơn vị, tổ chức cả trong và ngoài nước trong khi bản tin thông tấn là sản phẩm chính của Thông tấn xã Việt Nam. Điều này dẫn đến việc Thông tấn xã Việt Nam rất khó tăng nguồn thu từ các sản phẩm của đơn vị.

Các đại biểu tại cuộc làm việc

Theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Công an Nhân dân có đề án xây dựng thành cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện. Song đến nay chưa có văn bản quy định cụ thể về “cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện” nên cũng chưa có chính sách đối với 6 cơ quan bá chí này.

Hiện nay với nguồn ngân sách nhà nước cấp, Thông tấn xã Việt Nam chỉ có thể chi trả cho mỗi sản phẩm báo chí thấp hơn nhiều so với định mức hao phí lao động tối đa quy định tại Thông tư số 18/2021/TT-BTTTT (gần 40% đối với tin và 17% đối với ảnh). Hơn nữa, định mức hiện nay chưa tính tới hao phí lao động của các thành phần khác tham gia tạo ra sản phẩm (kỹ sư, kế toán, chuyên viên, nhân viên). Đối với các sản phẩm thông tin thực hiện theo hợp đồng truyền thông, Thông tấn xã Việt Nam thực hiện hạch toán riêng, không sử dụng ngân sách nhà nước nhưng hầu hết khách hàng sử dụng đơn giá sản phẩm theo Nghị định 18/2014/NĐ-CP đã khá cũ, chỉ đủ bù đắp chi phí sản xuất, không có tích lũy.

Để giải quyết khó khăn trong điều kiện thực hiện tự chủ tài chính, Thông tấn xã Việt Nam đề nghị có chính sách yêu cầu các bộ, ngành, địa phương dành tỷ lệ nhất định kinh phí thường xuyên đặt hàng các cơ quan báo chí chủ lực sản xuất các sản phẩm báo chí phục vụ truyền thông chính sách, tuyên truyền đối ngoại. Bổ sung ngân sách cho công tác truyền thông chính sách từ xây dựng đến thực thi.

Bên cạnh đó, Thông tấn xã Việt Nam mong muốn, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng giá sản phẩm báo chí cụ thể để áp dụng thống nhất trong việc đặt hàng, thuận lợi trong việc ký kết hợp đồng cũng như thực hiện kiểm toán. Đồng thời, cho phép Thông tấn xã Việt Nam sử dụng nguồn thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ để bổ sung thanh toán cho quỹ nhuận bút và trả thù lao cho các đối tượng tham gia sản xuất sản phẩm báo chí và được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ của Thông tấn xã Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh 

Qua nghe ý kiến của Thông tấn xã Việt Nam tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh bày tỏ chia sẻ với những khó khăn hiện nay của báo chí nói chung, Thông tấn xã Việt Nam nói riêng. Đồng thời cho rằng, Nhà nước phải bảo đảm kinh phí cho hoạt động của các cơ quan báo chí cách mạng, đặc biệt là các cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, trong đó cơ chế đặt hàng rất quan trọng, cần tập trung có trọng tâm trọng điểm theo nhiệm vụ, mục tiêu. Theo đó, trong quá trình sửa Luật Báo chí sắp tới sẽ cố gắng nghiên cứu thể hiện quan điểm này làm cơ sở cho quá trình triển khai trên thực tiễn, khai thông cơ chế, huy động nguồn lực để báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.

Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:

Toàn cảnh cuộc làm việc

Các đại biểu tại cuộc làm việc

Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang

 Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đoàn Thị Tuyết Nhung

Các thành viên Thông tấn xã Việt Nam phát biểu

Qua nghe ý kiến của Thông tấn xã Việt Nam tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh bày tỏ chia sẻ với những khó khăn hiện nay của báo chí nói chung, Thông tấn xã Việt Nam nói riêng

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Thu Phương – Nghĩa Đức

Các bài viết khác