XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN HÀNH LANG PHÁP LÝ VỀ ĐỊA CHẤT, KHOÁNG SẢN

13/03/2024

Phát biểu tại Hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chính sách khai khoáng diễn ra ngày 13/3 ở Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh: Việc xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý về địa chất, khoáng sản là nhiệm vụ quan trọng, cần được thực hiện bài bản dựa trên căn cứ thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

KHẨN TRƯƠNG CHO MỌI CÔNG ĐOẠN THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT ĐỊA CHẤT VÀ KHOÁNG SẢN ĐỂ TRÌNH QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 7

ĐOÀN CÔNG TÁC CỦA ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC TẠI TỈNH NINH BÌNH

Toàn cảnh ​Hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chính sách khai khoáng.

Ngày 13/3, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp, Đại sứ quán Australia tại Hà Nội đồng chủ trì Hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chính sách khai khoáng.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh: Tài nguyên địa chất, khoáng sản là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, đồng thời là nguồn dự trữ lâu dài cần được quản lý tập trung, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững. Để đạt được mục tiêu này, việc xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý về địa chất, khoáng sản là nhiệm vụ quan trọng, cần được thực hiện bài bản dựa trên căn cứ thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại Hội thảo.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh, diễn ra đúng vào dịp Việt Nam và Australia vừa nâng cấp quan hệ trở thành Đối tác chiến lược toàn diện, Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế để xây dựng chính sách, pháp luật trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản, qua đó góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới.

Chia sẻ tại Hội thảo, Ngài Andrew Goledzinowski, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam cho biết, trong hơn 50 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Chính phủ Australia đã hỗ trợ Việt Nam tích cực và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, trong đó có xây dựng thể chế, chính sách khoáng sản. Cụ thể là năm 1996, Australia đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng dự thảo Luật Khoáng sản và Luật này đã được áp dụng thành công trong suốt hàng chục năm qua tại Việt Nam. Các công ty khai khoáng thường phải giải quyết nhiều vấn đề rủi ro nhất là rủi ro trong môi trường pháp lý. Do vậy, để thu hút nhà đầu tư, Việt Nam cần hướng tới môi trường cạnh tranh nhiều hơn, nhất là cạnh tranh liên quan đến khung thuế và phí.

Thời gian tới, Australia sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường năng lực quản trị tài nguyên khoáng sản cũng như hoàn thiện thể chế chính sách nhất là trong lĩnh vực tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu.

Ngài Andrew Goledzinowski, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách, pháp luật trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản.

Giới thiệt tổng quan về dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, Tiến sĩ Mai Thế Toản, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Việt Nam có khoảng 50 loại khoáng sản, có khoảng 5.000 mỏ quy mô khác nhau đang hoạt động (Bộ cấp 600 giấy phép, còn lại là địa phương). Công nghiệp khai thác mỏ chiếm gần 5% tổng GDP. Về bố cục, dự thảo Luật gồm 12 chương và 117 điều. Trong đó có một số điểm mới, nổi bật như: Phân nhóm khoáng sản để thực hiện quản lý khoáng sản theo nhóm; phân cấp mạnh cho địa phương cấp tỉnh; cải cách hành chính; tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng kinh tế hàng năm; sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế và nhu cầu sử dụng lớn; công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng; tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển...

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản có quy định cho phép tổ chức, cá nhân thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản; ưu tiên tổ chức cá nhân đang khai thác hợp pháp được thăm dò xuống sâu, mở rộng để đánh giá đầy đủ, khống chế hết thân khoáng sản đối với loại khoáng sản được cấp phép mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản; cấm kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp; bổ sung chế biến khoáng sản....

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu còn trao đổi một số vấn đề liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư và hoạt động khoáng sản tại Việt Nam thời gian qua. Đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về công tác xây dựng Luật, các vấn đề liên quan đến quản lý Nhà nước về khoáng sản để bảo đảm chất lượng của Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản. Trong đó có hơn 10 nhóm vấn đề cần trao đổi kinh nghiệm các nước gồm: Cách tính và áp dụng thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; phương thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản; thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản; chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản; ước tính tài nguyên và trữ lượng khoáng sản, các khoáng sản đi kèm.

Một số nhóm vấn đề khác cũng được các chuyên gia, đại biểu quốc tế góp ý như về thăm dò khoáng sản ở các khu vực hạn chế; cung cấp thông tin về thăm dò, khai thác; cấp giấy phép khai thác; những thách thức của đầu tư vào lĩnh vực khai thác mỏ ở các khu vực pháp lý khác nhau...

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên.

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên đánh giá cao việc các đại biểu đã đóng góp ý kiến rất sôi nổi, với nội dung phong phú như: cấp giấy phép khai thác khoáng sản; quy định về tài nguyên, trữ lượng khoáng sản; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; những ví dụ cụ thể như tổng quan về dự án niken tại Việt Nam; những thách thức pháp lý trong đầu tư vào lĩnh vực khai thác mỏ ở các giai đoạn khác nhau trong các khu vực có pháp lý khác nhau; đặc biệt vấn đề thời sự nóng bỏng như báo cáo kết quả quản lý bền vững cát ở đồng bằng sông Cửu Long…

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên nhấn mạnh, các ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm của đại biểu về những vấn đề trọng tâm, nổi bật của dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là nguồn thông tin quý giá để Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu, góp phần hoàn thiện dự thảo Luật chất lượng, có tính khả thi cao, đáp ứng được yêu cầu về quản lý, thực hiện các hoạt động địa chất và khoáng sản của đất nước hiện nay./.

Bích Lan

Các bài viết khác