PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM TRONG VIỆC TÌM RA CÁC GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ

18/03/2024

Chiều 18/3, phát biểu kết luận phiên chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ ngành ngoại giao đã có nhiều kết quả đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, nhiều đổi mới trong ngoại giao văn hóa, triển khai tương đối hiệu quả công tác bảo hộ công dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới có những biến động phức tạp, khó lường, đòi hỏi ngành ngoại giao tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển theo tinh thần Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư; hoàn thiện cơ sở pháp lý về lĩnh vực ngoại giao đáp ứng yêu cầu công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trong tình hình mới của đất nước.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 18/3: PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC NGOẠI GIAO

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 18/3: PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC TÀI CHÍNH

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao

Điểm sáng ngoại giao đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thương mại của Việt Nam

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, ngành ngoại giao đã có những kết quả rất tích cực và có nhiều điểm sáng, cụ thể như: Ngành ngoại giao đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động kết nối doanh nghiệp trong các hoạt động đối ngoại cấp cao; công tác thông tin, tư vấn cho các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường, sản phẩm được tăng cường. Qua đó, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thương mại của Việt Nam trong những năm qua, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu gặp nhiều khó khăn, một số chuỗi cung ứng chưa phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Công tác ngoại giao văn hóa, xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam có nhiều đổi mới, mỗi Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện và cán bộ Ngoại giao là một “Đại sứ Du lịch”, “Đại sứ Văn hóa” của Việt Nam ở nước ngoài, từng bước quảng bá, tăng cường hiểu biết về đất nước, con người, văn hóa, du lịch Việt Nam, thu hút khách du lịch quốc tế tới Việt Nam. Hàng năm, các cơ quan đại diện tích cực phối hợp tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch và tham gia các hội chợ du lịch quốc tế tại các thị trường khách du lịch trọng điểm; đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương trong xây dựng hồ sơ và vận động UNESCO công nhận các di sản thiên nhiên và văn hóa, số lượng di sản được UNESCO công nhận đã được nâng lên 62 di sản.

Công tác bảo hộ công dân, pháp nhân, ngư dân Việt Nam ở nước ngoài đã được triển khai tương đối hiệu quả, đạt nhiều kết quả quan trọng; đặc biệt là đã xử lý tốt các vụ việc nghiêm trọng, xảy ra trên quy mô lớn, có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và tài sản của công dân ta ở nước ngoài…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu bế mạc phiên chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới hiện đang có những biến động lớn, phức tạp, khó lường, có những diễn biến vượt khỏi dự báo thông thường, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra đối với ngành ngoại giao, như: còn tồn tại vướng mắc, khó khăn, chưa khai thác tối đa, hiệu quả cơ hội, lợi ích trong hợp tác với một số đối tác, nhất là với các đối tác lớn; hàng hóa của Việt Nam đứng trước nhiều thách thức khi các thị trường lớn ngày càng đặt ra các tiêu chuẩn mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch, lao động, môi trường, quản trị, nguồn gốc xuất xứ…; Xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vào một số thị trường lớn, chủ chốt, chưa thâm nhập sâu rộng các thị trường tiềm năng, còn nhiều dư địa như Trung Đông, Đông Âu, Nam Á, Mỹ Latinh; Công tác nghiên cứu, dự báo mặc dù đã có nhiều tiến bộ, song chưa lường trước hết được tất cả các tác động của diễn biến tình hình quốc tế; nguồn lực dành cho công tác đối ngoại còn hạn chế…

Đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển

Từ các vấn đề đặt ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ những vấn đề cần tập trung:

Một là, về việc thực hiện các thỏa thuận, cam kết song phương, đa phương, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển theo tinh thần Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Tăng cường rà soát, đôn đốc việc thực hiện các Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; trong đó, tập trung vào các Điều ước, thỏa thuận hợp tác lớn và quan trọng. Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động các ủy ban liên Chính phủ, ủy ban hỗn hợp song phương. Kịp thời cảnh báo rủi ro, rào cản kỹ thuật, nguy cơ tranh chấp thương mại. Hỗ trợ xác minh đối tác nước ngoài để kiến nghị, điều chỉnh chính sách phù hợp, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Thúc đẩy đưa hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường lớn, còn nhiều tiềm năng. Tăng cường phối hợp, đàm phán mở mới, nâng cấp các cửa khẩu để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế - thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu. Xây dựng tiêu chuẩn và tham mưu để từng bước phát triển có hiệu quả ngành công nghiệp Halal.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV

Hai là, về liên kết, hội nhập quốc tế. Phát huy vai trò của mạng lưới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, là cầu nối để các chủ thể hội nhập, nhất là doanh nghiệp và địa phương, tiếp cận và nắm bắt cơ hội về khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo, xu thế phát triển số, chuyển đổi số, phát triển xanh… Tiếp tục tham mưu, thúc đẩy ký kết, sửa đổi, bổ sung các hiệp định, thỏa thuận; đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới theo hướng chọn lọc, ưu tiên các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc và thúc đẩy quan hệ thương mại quốc tế theo chiều sâu, hiệu quả và thực chất.

Tận dụng tốt các nền tảng số để quảng bá hiệu quả hơn, sáng tạo hơn hình ảnh đất nước Việt Nam

Ba là, về ngoại giao văn hóa, phát triển du lịch, chính sách miễn thị thực. Tiếp tục nâng cao hiệu quả, đổi mới nội dung, hình thức, phương thức của công tác ngoại giao văn hóa, thông tin tuyên truyền đối ngoại; tích cực, chủ động hợp tác song phương và đa phương về du lịch. Gắn kết chặt chẽ ngoại giao văn hóa với ngoại giao kinh tế, góp phần thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư, du lịch, hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi để đất nước phát triển nhanh, bền vững. Tiếp tục phát huy lợi thế của các cơ quan đại diện và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong xúc tiến, quảng bá du lịch. Đẩy mạnh dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở Việt Nam. Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO về bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa.

Tận dụng tốt các nền tảng số để quảng bá hiệu quả hơn, sáng tạo hơn hình ảnh đất nước Việt Nam; tăng cường phối hợp xây dựng kế hoạch, chương trình xúc tiến du lịch, kết hợp với các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư. Chủ động đề xuất mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương, thúc đẩy đàm phán, ký kết điều ước quốc tế về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông với một số nước trên cơ sở có đi có lại.

Bốn là, về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân. Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo hộ công dân và người Việt Nam ở nước ngoài. Triển khai toàn diện, hiệu quả công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm phát huy hơn nữa nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài; trong đó có giải pháp kết nối, tranh thủ nguồn lực tri thức là người Việt Nam ở nước ngoài. Rà soát, hoàn thiện các quy chế, quy trình xử lý công tác bảo hộ công dân, luôn sẵn sàng các phương án sơ tán công dân, nhất là tại các địa bàn nguy cơ xảy ra xung đột; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để bảo hộ công dân trong các tình huống khủng hoảng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong triển khai bảo hộ công dân.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao cả về năng lực, phẩm chất và bản lĩnh chính trị

Năm là, về công tác tổ chức bộ máy ngành ngoại giao. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về lĩnh vực ngoại giao đáp ứng yêu cầu công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trong tình hình mới của đất nước. Trong đó, tập trung nghiên cứu xây dựng dự án Luật điều chỉnh về hàm, cấp ngoại giao thay cho Pháp lệnh về hàm, cấp ngoại giao; dự án Luật điều chỉnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Tham mưu mở thêm Cơ quan đại diện Việt Nam tại một số địa bàn quan trọng trên thế giới; có kế hoạch xây dựng, cải tạo trụ sở và điều kiện làm việc của các cơ quan này nhằm nâng cao khả năng, năng lực, thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước, tăng cường năng lực bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam. Kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao cả về năng lực, phẩm chất và bản lĩnh chính trị. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trọng dụng thu hút nhân tài. Khẩn trương ban hành Đề án chiến lược xây dựng và phát triển ngành ngoại giao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, kết quả phiên chất vấn lần này cho thấy, nhiều vấn đề tồn tại và đang bức xúc trong xã hội đã được đưa ra diễn đàn Quốc hội bàn thảo, giúp phát hiện những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật cũng như nâng cao trách nhiệm của các Bộ trưởng trong việc tìm ra các giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tin tưởng rằng, với các giải pháp các vị bộ trưởng đã cam kết, với quyết tâm cao của tập thể Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và cả hệ thống chính trị, các lĩnh vực được chất vấn sẽ tiếp tục có nhiều chuyển biến mới, tốt đẹp hơn trong thời gian tới.

Ngay sau phiên chất vấn này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn, trong đó xác định rõ những công việc trọng tâm cụ thể mà Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan địa phương cần thực hiện. Quốc hội các vị đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện theo Nghị quyết và lời hứa của các vị Bộ trưởng, trưởng ngành.

Bảo Yến - Phạm Thắng - Nghĩa Đức