Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 5 thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Phát biểu điều hành Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 6 vừa qua. Ngay sau khi kỳ họp kết thúc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, bộ ngành liên quan khẩn trương tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của ĐBQH và ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Tiếp đó, ngày 15/03/2024, tại Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và cho ý kiến chỉ đạo tiếp tục hoàn chỉnh nội dung để trình Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần này. Tài liệu tại Hội nghị bao gồm 8 loại tài liệu khác nhau, bám sát ý kiến phát biểu của các ĐBQH tại kỳ họp thứ 6, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 31, ý kiến của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, ý kiến của cơ quan soạn thảo cùng các cơ quan có liên quan…
Gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các đại biểu Quốc hội tham dự Hội nghị cho ý kiến đối với quy định: Về phạm vi điều chỉnh; Về cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; Về bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông đường bộ; Về bổ sung quy định đấu giá biển số xe; Về bổ sung quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe; Về quy định các hạng giấy phép lái xe; Về bổ sung quy định Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ; và các vấn đề ĐBQH quan tâm nhằm tiếp tục hoàn thiện góp phần xây dựng Dự án Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu cao Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung quan trọng tại dự thảo luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý có 9 chương, 88 điều, số chương giữ nguyên và tăng 07 điều do bổ sung 04 điều mới; gộp 04 điều thành 02 điều ; tách nội dung của một số điều thành 05 điều khác.
Đề xuất mỗi tỉnh chỉ xây dựng 01 Trung tâm tích hợp quản lý điều hành và giám sát giao thông
Bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung tại báo cáo của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh về một số vấn đề lớn của Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương kiến nghị Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan để tham mưu Chính phủ ban hành quy chuẩn, quy định kỹ thuật quốc gia về hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình. Đồng thời kiến nghị, mỗi tỉnh chỉ cần xây dựng 01 trung tâm tích hợp quản lý điều hành và giám sát giao thông để tránh lãng phí đầu tư Ngân sách Nhà nước.
Lý giải đề xuất này, đại biểu cho biết, tại Điều 74 trong dự thảo Luật này, quy định thành lập Trung tâm chỉ huy giao thông, tại Luật Đường bộ ở Điều 40 có quy định về Hệ thống quản lý giao thông thông minh, ở Điều 53 có quy định về Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc. Do vậy, cần rà roát kỹ lưỡng, thống nhất các quy định trên đối với 02 Luật này theo hướng thực hiện thống nhất 01 trung tâm trên 01 đơn vị hành chính cấp Tỉnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương
Ngoài ra, đại biểu tỉnh Bình Dương còn kiến nghị, nghiên cứu tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tăng nặng chế tài đối với hành vi cố tình trốn tránh không thực hiện nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt hành chính của cơ quan chức năng, tăng cường tính răn đe, đảm bảo pháp luật được thực thi hiệu quả.
Luật hóa nội dung đấu giá biển số xe vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Quan tâm tới quy định về đấu giá biển số xe, đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đồng tình với phương án 1, đó là đưa nội dung đấu giá biển số xe vào dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu và cân nhắc luật này chỉ quy định về nội dung (loại biển đưa ra đấu giá, giá khởi điểm, quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, đăng ký xe, biển số xe trúng đấu giá…..), còn về hình thức (trình tự, thủ tục đấu giá) thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa các luật chuyên ngành và Luật Đấu giá tài sản mà không giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục như tại khoản 11. Điều 37 dự thảo luật.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình
Cũng cho ý kiến về nội dung này, đại biểu đại biểu Thái Thị An Chung đồng tình với việc đưa các nội dung của Nghị quyết số 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe vào dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn: "Quy định tại Khoản 7 về người trúng đấu giá là được quyền nhượng trao đổi, tặng cho, kế thừa xe gắn với biển số xe trúng đấu giá. Bởi vì, tại Khoản 3, Điều 36 dự thảo luật quy định biển số xe được quản lý theo mã định danh của chủ xe là cá nhân, tổ chức". Do đó, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị cần rà soát để đảm bảo tính thống nhất.
Cùng quan điểm, đại biểu Đồng Ngọc Ba - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cũng bày tỏ nhất trí với việc đưa quy định đấu giá biển số xe vào dự án luật, đồng thời đánh giá cao Chính phủ đã có đánh giá tác động của nội dung này. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần có đánh giá bổ sung về tác động xã hội, đặc biệt là khía cạnh văn hoá vì liên quan đến quan niệm về các chữ số xấu đồng thời lưu ý phải rà soát, sửa quy định về đấu giá trong Luật Đấu giá tài sản đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định
Đánh giá kỹ lưỡng sự cần thiết bổ sung Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ
Góp ý vào quy định về bổ sung Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, theo quy định tại dự thảo, Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được hình thành ở Trung ương để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ
Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ được hình thành từ các nguồn tài chính sau đây: Hỗ trợ, viện trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước; Từ các nguồn khác theo quy định của pháp luật. Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ được ưu tiên chi các hoạt động sau đây: Hỗ trợ nạn nhân, gia đình nạn nhân do tai nạn giao thông đường bộ gây ra; Hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tổ chức, cá nhân tham gia tuyên truyền giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ mà không được nhà nước bảo đảm kinh phí.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn
Vì vậy, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị cần có đánh giá cụ thể, rõ ràng hơn sự cần thiết việc bổ sung quy định về Quỹ này trong dự thảo Luật. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ hoạt động của Quỹ này có bị trùng lặp với Quỹ bảo hiểm xe cơ giới được quy định tại Nghị định số 67/2023/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2023 của Chính phủ quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng hay không?
Ủng hộ quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có nồng độ cồn
Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến đại biểu nêu quan điểm nhất trí quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe vì "tính mạng, sức khỏe con người là trên hết, trước hết".
Đại biểu tỉnh Hưng Yên cho biết, việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ dẫn tới những tác động nhất định, tuy nhiên khi nghiên cứu các con số về tai nạn giao thông, kết quả mang lại từ việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, thì phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn là cần thiết. “Việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn bảo đảm tính khả thi hơn so với quy định cho phép nồng độ cồn ở ngưỡng nhất định. Với quy định cấm tuyệt đối như vậy thì người dân không uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Còn nếu quy định có ngưỡng nhất định thì chính người dân khó xác định uống bao nhiêu, uống thế nào cho thấp hơn ngưỡng đó…”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho biết, vừa qua, lực lượng Cảnh sát giao thông trên cả nước đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo tinh thần nghiêm minh, góp phần quan trọng làm giảm tai nạn giao thông, giảm gây rối trật tự công cộng, giúp người dân giảm bớt nỗi lo khi tham gia giao thông. Đây không phải là nội dung mới, mà được kế thừa của quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và thống nhất với quy định tại khoản 6 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và quy định cụ thể cho lĩnh vực giao thông đường bộ.
Cho rằng việc quy định cấm nồng độ cồn như tại Dự thảo là phù hợp và cần thiết tuy nhiên, đại biểu tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu đầy đủ và có báo cáo đánh gía tác động đối với trường hợp nồng độ cồn nội sinh. Từ đó, tăng cường công tác tuyên truyền phù hợp để toàn xã hội nắm rõ, hiểu rõ và chấp hành quy định của pháp luật, đồng thời cần xác định lộ trình thực hiện áp dụng mức xử phạt cho phù hợp.
Đại biểu Thái Thị An Chung – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An
Đồng tình với quy định cấm tuyệt đối bởi các lý do như Chính phủ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đưa ra trong báo cáo, đại biểu Thái Thị An Chung – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, thực tế quy định này đã được Quốc hội khóa XIV thảo luận kỹ lưỡng và thống nhất thông qua tại Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và được thực hiện kể từ ngày 01/01/2020. Thời gian thực hiện chưa được nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, khi triển khai quyết liệt việc kiểm tra và xử lý nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện thì người dân đã nâng cao hơn ý thức trong việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Điều này không chỉ góp phần đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông mà còn góp phần thay đổi thói quen lạm dụng rượu, bia trong điều kiện hiện nay; không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài trong việc nâng cao sức khỏe của người dân.
Mặc dù việc thực hiện cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ ảnh hưởng một phần đến phát triển kinh tế nhưng đại biểu Thái Thị An Chung nhấn mạnh, cần tiếp tục thực hiện quy định này trong thời gian khoảng 5 năm nữa để thay đổi thói quen, hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, sau đó sẽ đánh giá, tổng kết và cân nhắc có cần quy định giới hạn nồng độ cồn hay không.
Tuy nhiên, đại biểu Thái Thị An Chung cũng lưu ý, trong dự thảo luật cần giải thích từ ngữ “điều khiển phương tiện” được hiểu như thế nào, hành vi dắt xe có phải là điều khiển không? Nhiều cử tri băn khoăn việc dắt xe máy hay xe đạp sau khi uống rượu, bia có bị cảnh sát giao thông xử phạt không? Vì vậy, cần giải thích rõ ràng trong thực hiện để thực hiện dễ hơn.
Đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang
Cũng góp ý về nội dung này, để luật đi vào cuộc sống và phù hợp với thực tiễn, đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị cần rà soát, xem xét, cân nhắc về mức xử phạt, hình thức xử phạt cho phù hợp và phải có lộ trình theo thời gian để từng bước hình thành văn hoá “đã uống rượu bia, không lái xe” khi tham gia giao thông. Mặt khác, đại biểu đề nghị khi áp dụng quy định pháp luật, các cơ quan chức năng tránh lạm dụng quy định trong xử phạt và kiểm tra; cần phải xem xét, xử phạt có sự mềm dẻo và phù hợp với nét văn hóa. “Tổ chức bộ máy để quản lý quỹ này? Có làm phát sinh tổ chức bộ máy, biên chế quản lý quỹ không? Tính khả thi về việc thành lập và huy động được nguồn lực vào quỹ này?”, đại biểu bày tỏ băn khoăn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung phiên thảo luận
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, tại Hội nghị đã có 12 ý kiến ĐBQH góp ý vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ý kiến phát biểu rất trách nhiệm, sâu sắc; góp ý toàn diện, tập trung vào những vấn đề trọng tâm xin ý kiến đại biểu.
Ghi nhận và đánh giá cao ý kiến của ĐBQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, sau Hội nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan có liên quan tiếp thu ý kiến ĐBQH theo nguyên tắc “mọi ý kiến phát biểu của ĐBQH đều phải được tiếp thu đầy đủ, không tiếp thu phải có giải trình cụ thể, thuyết phục” và hoàn chỉnh toàn bộ Hồ sơ gửi lấy ý kiến theo quy định đảm bảo Hồ sơ, tài liệu trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 đảm bảo chất lượng tốt nhất. Trong đó, lưu ý rà soát đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đối với vấn đề còn ý kiến khác nhau đề nghị không đóng khung 1 phương án mà tiếp tục xây dựng 2 phương án để ĐBQH thảo luận và quyết định;.../.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 5 thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Đại biểu Đồng Ngọc Ba - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định
Đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang
Các vị đại biểu Quốc hội tham dự Hội nghị
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn
Nguyễn Đại Thắng - Hưng Yên
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình
Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung phiên thảo luận
Các vị đại biểu Quốc hội tham dự Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị./.